Căng thẳng Trung Đông chực chờ 'thiêu đốt' kinh tế toàn cầu

31/01/2024 06:46 GMT+7

Tình hình Trung Đông sau vụ tấn công làm chết 3 binh sĩ Mỹ ở Jordan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp khu vực này mà còn ẩn chứa rủi ro lớn cho toàn thế giới.

Rạng sáng 30.1 (theo giờ VN), Reuters dẫn lời phát ngôn viên Sabrina Singh của Lầu Năm Góc cho rằng Iran không muốn chiến tranh. Phát ngôn được đưa ra giữa nhiều căng thẳng sau vụ một căn cứ của Mỹ ở Jordan bị tấn công ngày 28.1 khiến 3 binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Lực lượng gây ra vụ tấn công được Mỹ cho là do Iran hậu thuẫn.

Căng thẳng Trung Đông chực chờ 'thiêu đốt' kinh tế toàn cầu- Ảnh 1.

Cuộc tuần hành ủng hộ Palestine diễn ra ở thủ đô Tehran (Iran) gần đây

Ảnh: Reuters

Phát biểu trên từ Lầu Năm Góc vẫn chưa đủ để trấn an dư luận khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa gây sức ép để Tổng thống Mỹ Joe Biden phải có biện pháp đáp trả mạnh mẽ đối với Iran, thậm chí tấn công quân sự nhằm vào nước này.

Lo ngại kinh tế toàn cầu

Trong khi đó, nếu Mỹ thật sự tấn công Iran thì dư luận thế giới lo ngại sẽ khiến cho xung đột lan rộng tại khu vực Trung Đông mà không thể cứu vãn. Ngay cả cựu Tổng thống Donald Trump dù chê trách đương kim Tổng thống Biden là "yếu đuối", nhưng đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ nhân loại đang đứng trước lằn ranh Thế chiến 3.

Tình hình căng thẳng gây nhiều lo ngại khi suốt vài tháng qua, việc lực lượng Houthi ở Yemen, được cho là do Iran hậu thuẫn, tiến hành nhiều cuộc tập kích nhằm vào các tàu hàng qua biển Đỏ đã gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Biển Đỏ được xem là một trong các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới khi kết nối với Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez, là một đường dẫn quan trọng cho các chuyến hàng container Á - Âu, chiếm tới 15% thương mại toàn cầu.

Liên quan vấn đề này, Công ty phân tích Moody's, thuộc Tập đoàn Moody's - một trong 3 đơn vị đánh giá tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, mới đây đã đưa ra báo cáo phân tích. Theo đó, việc lực lượng Houthi liên tục tập kích nhiều tàu thương mại qua biển Đỏ khiến cho lưu lượng hàng hóa qua khu vực này giảm gần 2/3, theo báo cáo trên dẫn dữ liệu vận chuyển hàng hải dự báo trong tháng 1.2024. Các vụ tấn công khiến nhiều công ty vận tải biển định tuyến lại các tàu xung quanh mũi Hảo Vọng ở châu Phi, tăng gấp đôi chi phí vận chuyển và kéo dài thời gian giao hàng tới 25%.

Về ngắn hạn trước mắt, khó khăn vừa nêu được cho là vẫn có thể tạm khắc phục. Mặc dù vậy, Công ty phân tích Moody's cũng đã cảnh báo nếu tình trạng trên kéo dài thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, nếu xung đột lan rộng thì tình hình biển Đỏ khó có thể hạ nhiệt.

Tương tự, trong một báo cáo về những rủi ro lớn cho thế giới năm 2024, Eurasia Group (Mỹ) - công ty tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới - cũng khẳng định xung đột lan rộng ở Trung Đông không chỉ là mối đe dọa lớn cho an ninh khu vực mà còn gây khó khăn cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Mới đây, Trung Quốc cũng đã phải lên tiếng đề nghị Iran kiềm chế một số lực lượng ở khu vực để đảm bảo an ninh cho biển Đỏ.

Mỹ cần phản ứng thế nào ?

Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quân sự Mỹ, là đại tá tình báo quân đội nước này về hưu, cho rằng: "Phản ứng của Mỹ đến nay là yếu ớt. Chỉ trích và đe dọa có thể vẫn có hiệu quả nhưng nếu sự hỗ trợ bằng những hành động đơn thuần thì khó đủ sức ngăn chặn các cuộc tấn công". Ông cho rằng thay vì chỉ tấn công vào lực lượng Houthi ở Yemen, Mỹ nên tiến hành một phản ứng toàn diện về ngoại giao, kinh tế và quân sự.

"Về mặt kinh tế, Washington cần khôi phục việc thực thi các lệnh trừng phạt đối với Tehran để cắt nguồn thu nhập của Iran. Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt để Tehran quay lại Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) dường như là sai lầm. Các biện pháp trừng phạt là đòn bẩy quan trọng để kiềm chế những người theo đường lối cứng rắn ở Iran", vị chuyên gia đánh giá.

Về mặt ngoại giao, theo ông, Mỹ cần thu hút sự ủng hộ của đồng minh. "Mỹ phải chỉ ra rằng việc vận chuyển qua biển Đỏ bị ảnh hưởng do các cuộc tập kích sẽ tác động đến châu Âu. Một nỗ lực đa quốc gia sẽ tăng cường biện pháp trừng phạt và đẩy mạnh khả năng phối hợp bảo vệ vận tải biển. Mỹ cũng nên tiếp cận, hỗ trợ các đối thủ của Houthi".

Về mặt quân sự, vị chuyên gia trên đánh giá: "Mỹ có thể phát động một chiến dịch tấn công bằng tên lửa và không quân mạnh mẽ chống lại toàn bộ cơ sở hạ tầng quân sự của Houthi và kéo dài chiến dịch cho đến khi các cuộc tấn công trên biển Đỏ dừng lại". Theo ông, các cuộc oanh kích kiểu "ăn miếng trả miếng" sẽ không hiệu quả.

Tờ The Wall Street Journal cũng vừa đăng tải phân tích cho rằng nhiều khả năng Mỹ sẽ tập trung tấn công một số lực lượng được cho là do Tehran hậu thuẫn, chứ Washington sẽ không trực tiếp tấn công vào đất Iran nhằm tránh gây xung đột lan rộng.

Căng thẳng Trung Đông chực chờ 'thiêu đốt' kinh tế toàn cầu- Ảnh 2.

Người Palestine nhận viện trợ do UNRWA phân phát ngày 29.1

Ảnh: Reuters

AFP hôm qua đưa tin đã có ít nhất 12 quốc gia thông báo sẽ ngừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) sau cáo buộc của Israel rằng một số nhân viên UNRWA tham gia vụ tấn công của Hamas vào Israel ngày 7.10.2023. Con số này cho thấy có thêm 3 quốc gia thông báo dừng tài trợ cho UNRWA, dù Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 28.1 tuyên bố sẽ buộc "bất kỳ nhân viên LHQ nào liên quan đến hành vi khủng bố" phải chịu trách nhiệm và kêu gọi chính phủ các nước tiếp tục hỗ trợ UNRWA.

Những quốc gia thông báo dừng tài trợ cho UNRWA gồm có Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Phần Lan, Na Uy, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và Nhật Bản. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 29.1 cho hay Washington sẽ xem xét kỹ lưỡng những bước đi của UNRWA nhằm giải quyết cáo buộc trên, và nhấn mạnh UNRWA phải lập tức điều tra như đã tuyên bố, theo Reuters.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.