Liên tục những nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng khi bản phối (được xem là công đoạn quan trọng và là 1 trong 3 yếu tố tạo nên sự thành công của bài hát, bên cạnh ca khúc, ca sĩ) của họ bị “xào”, “chôm” làm của riêng mang đi biểu diễn. Vấn nạn này đã âm thầm nhiều năm qua nhưng chỉ rộ lên gần đây khi YouTube trở thành kênh để phát nhạc lẫn… phát hiện.
Đã có những bài hát khi được ca sĩ hoặc chương trình đăng tải trên kênh YouTube bị cảnh báo vi phạm bản quyền bản phối, yêu cầu gỡ bỏ. Và theo đó là đã có không ít những cuộc “thương lượng” giữa những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất… với nhau để “xử lý êm thấm” (vì đều là người quen biết trong nghề) những vi phạm bản quyền bản phối vì nhiều lý do. Nhưng như nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ, đã đến lúc cần phải lên tiếng trước hiện trạng này, vì “môi trường âm nhạc trong sạch khởi đầu từ sự tôn trọng sản phẩm sáng tạo của người khác”.
Quyền lợi cho nhạc sĩ hòa âm chưa phổ biến
Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, để hiểu rõ hơn vấn đề, cần phải hiểu rõ hai khái niệm cốt lõi. Một, là quyền tác giả: quyền của tổ chức, cá nhân đối với những tác phẩm do mình sáng tạo ra, thuộc quyền sở hữu của mình. Hai, là quyền liên quan đến quyền tác giả: quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Như vậy, bản quyền hòa âm phối khí thuộc về một trong những quyền liên quan đến quyền tác giả.
The cover show là chương trình đề cao giá trị của sự sáng tạo qua việc thực hiện các bản phối mới cho ca khúc quen thuộc |
Lê Trần |
“Cụ thể, quyền liên quan của một bài hát chính là bản quyền tổ chức sản xuất ghi âm của bài hát, trong đó bao gồm giọng hát của ca sĩ và bản phối của nhạc sĩ hòa âm. Thông thường, nếu một ca sĩ hay nhà sản xuất là người đầu tư cho bản ghi âm, họ mặc nhiên là chủ sở hữu bản ghi đó, bao gồm cả phần hòa âm phối khí. Nhưng khi bản hòa âm phối khí đó được bên thứ ba dùng cho một chương trình biểu diễn khác, hay một sản phẩm băng đĩa khác, bản hòa âm phối khí ấy phải được trả tiền thù lao”, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho biết.
Song như anh nói, lý thuyết là vậy còn thực tế ở VN việc đòi quyền lợi cho nhạc sĩ hòa âm phối khí hầu như chưa phổ biến. “Trước đây, những tụ điểm ca nhạc ở TP.HCM vô tư cover y chang những bản phối của các hãng băng đĩa trong nước và quốc tế mà không hề hấn gì. Đến thời đại của các game show, YouTube... thì vấn đề bắt đầu phức tạp. Sự độc quyền các bản hòa âm phối khí, những quyền liên quan thật sự rất quan trọng”, anh nhìn nhận. Bởi khi bài hát được đăng lên YouTube thì cả thế giới sẽ soi.
Từng có vụ kiện của Zack Hemsey - chủ sở hữu bản ghi âm The Way - đối với ca sĩ Noo Phước Thịnh vì nhạc sĩ người Mỹ này phát hiện MV của Noo sử dụng một đoạn nhạc ngắn trong The Way (đang được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan) để làm nhạc nền mà chưa có sự đồng ý của ông. Hay đình đám trên thế giới (để có thể so sánh) là vụ kiện giữa Taylor Swift và Hãng đĩa Big Machine. Taylor sáng tác và hát, nhưng bản thu là do hãng đĩa sản xuất nên quyền bản quyền thuộc về hãng đĩa (theo hợp đồng, cô được quyền sở hữu trí tuệ các bài hát, được phép sử dụng để biểu diễn trực tiếp, nhưng không được sử dụng các bản thu và các ấn phẩm làm từ bản thu). Do đó sau khi thua kiện, cô đã phải tự sản xuất lại hết các bài hát cũ, đặt tên bên cạnh các bài hát dấu mở ngoặc là Taylor’s Version.
“Trở lại chuyện ở VN, mình chưa có nền công nghiệp âm nhạc thực sự, mọi chuyện còn khá manh mún. Vài năm gần đây chuyện bản quyền được để ý hơn do YouTube trở thành kênh nhạc phổ biến, và YouTube cung cấp cho người dùng công cụ để bảo vệ bản quyền, YouTube đánh gậy hoặc bị kiện thì mới biết, chứ có vẻ như hồn ai nấy giữ”, một nhạc sĩ tâm tư.
Lại kỳ vọng vào ý thức và tự trọng nghề nghiệp ?
Liên quan đến bản quyền bản phối, nhạc sĩ Đức Trí cho biết anh (cũng như nhiều nhạc sĩ khác) hằng ngày viết và phối rất nhiều bài, rất nhiều chương trình cho mình, cho khách hàng, cho ca sĩ hay nhà tổ chức… “Như vậy, bản phối đó không tự nhiên trở thành sở hữu của ai đó không nằm trong circle (cái vòng) đó được. Do đó, bạn sẽ chỉ nên hát bản phối của mình, được mình thuê phối, hoặc chép cho mình. Không nên lượm lặt trên mạng hay chia sẻ nhau (qua airdrop) để dùng thoải mái cả chương trình được”, anh nói.
Taylor Swift đã phải thu lại các album dưới thời Hãng đĩa Big Machine |
Twitter ca sĩ |
Theo Đức Trí: “Lâu nay, khi chúng tôi được thuê làm giám đốc âm nhạc hoặc trưởng ban nhạc, chúng tôi làm công việc phối bài, dựng bài, hoặc ít ra là ghi lại bản phối (đã lâu, kinh điển) để ban nhạc biểu diễn. Nhưng có vẻ như các show bây giờ “lơ” vai trò giám đốc âm nhạc (nhằm giảm chi phí) mà thường “lục”, “nhặt” những bản phối cũ, rồi cứ thế lấy xài cho cả chương trình”. Đó là lý do gần đây khi có một chương trình làm hẳn đêm nhạc Đức Trí nhưng không chủ động xin phép anh, mà chỉ thông qua ca sĩ tham gia để xin bản phối của anh sử dụng cho cả show, anh đã từ chối.
Mới đây, có 2 chương trình tranh chấp bản quyền bản phối bài Bóng mây qua thềm của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh (do nhạc sĩ trẻ phối). Tuy anh không liên quan, nhưng từ vụ việc này cũng như khi ngày càng có nhiều những vụ tranh chấp hoặc khiếu nại bản quyền bản phối “ồn ào” trong giới làm nhạc, Võ Thiện Thanh cho rằng các nhạc sĩ hòa âm “chắc cũng phải đi đăng ký quyền sở hữu bản phối ngay từ hôm nay”. Nói là vậy, nhưng theo anh, “quy trình đăng ký bản quyền buộc phải chép bản phối, mà có mấy ai lưu ý bản phối giấy, thành ra lại kỳ vọng vào ý thức và tự trọng nghề nghiệp của người sáng tác, làm nhạc”.
Dù vậy, theo ý kiến một số nhạc sĩ, ca sĩ/nhà sản xuất - người đi thuê và nhạc sĩ - người thực hiện bản phối thì nên làm hợp đồng thỏa thuận nhằm cụ thể rằng ai sẽ giữ bản quyền bản phối, điều khoản sử dụng ra sao, phân chia lợi nhuận thế nào… Bởi khi chưa hiểu luật (Sở hữu trí tuệ) hoặc cố tình không hiểu luật, nếu không thỏa thuận rõ ràng thì ai cũng nghĩ mình đúng và có quyền nên cứ thế vi phạm.
Bình luận (0)