Thời điểm mua vào

27/01/2008 23:17 GMT+7

Chỉ số VN-Index chỉ còn 776,04 điểm, tương đương với cuối năm 2006. Theo nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đây là thời điểm tốt nhất để mua vào.

Hàng loạt cổ phiếu (CP) từ blue-chips đến penny-stock đều đã có mức giá mà trước đây hầu như khó có nhà đầu tư (NĐT) nào dám mơ đến. Ở sàn TP.HCM, trong tuần qua, REE xuống 115.000 đồng/CP, STB còn 58.500 đồng/CP, FPT xuống 170.000 đồng/CP, KDC xuống 153.000 đồng/CP, DPM còn 60.000 đồng/CP... Trên sàn Hà Nội, nhiều CP mà chỉ số P/E chỉ còn dưới 10 trong khi EPS cả năm đều đạt từ 4.000 đồng/CP trở lên như CLC, NLC... Ông Nguyễn Thế Lữ (Louis), Tổng giám đốc Quỹ Anpha Capital Group, nhận định mức P/E chung của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện chỉ khoảng 25 lần. "Đây là con số không tệ lắm nếu so sánh với nhiều nước khác.

Vì vậy giá nhiều loại CP không còn cao nữa. Bên cạnh đó Việt Nam còn có những điểm mạnh riêng", ông Nguyễn Thế Lữ nói. Với nhận định đó, Anpha Capital Group vẫn tiếp tục lựa chọn nhiều CP trên sàn để mua vào. Đây là cơ hội "vàng" cho quỹ này khi vừa hoàn thành việc huy động vốn. Tính đến hiện nay, quỹ đầu tư chứng khoán của Anpha Capital Group đã giải ngân được 30 triệu USD trong tổng vốn 125 triệu USD của mình. "Chúng tôi đang cố gắng giải ngân càng nhiều càng tốt vì tiền để trong ngân hàng thì lãi suất thấp. Các NĐT của quỹ cũng sẽ sốt ruột vì không thấy chúng tôi làm gì. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho chúng tôi", ông Nguyễn Thế Lữ nói.

Cùng quan điểm trên, ông Trịnh Việt Cường, Giám đốc Công ty đầu tư Asiavantage Global cho biết thị trường lúc này thật sự là rẻ. "Nếu các NĐT vẫn muốn tham gia vào TTCK thì đây là cơ hội mua vào. NĐT phải tự định hướng cho mình. TTCK đang là hàn thử biểu của nền kinh tế Việt Nam vì chiếm trên 30% GDP. Nền kinh tế của Việt Nam không có chuyện thụt lùi mà chỉ có tiến lên nhưng nhanh hay chậm mà thôi", ông Trịnh Việt Cường nói. Không chỉ riêng giá CP trên sàn niêm yết mới đang ở mức hấp dẫn mà trên sàn OTC, CP của nhiều công ty cũng đang có nhiều tiềm năng đáng để đầu tư. Trong khi đó, lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp niêm yết một năm qua trung bình từ 20-30%.

Lo lắng, bán cắt lỗ là tâm lý của nhiều NĐT trong tháng qua. Đây là động thái hoàn toàn bình thường. Nhiều chuyên gia cho rằng bất lợi chủ yếu của thị trường vẫn thuộc về tâm lý. Đó là những thông tin sửa đổi Chỉ thị 03 và giãn nguồn cung hàng hóa chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các NĐT trong nước còn bị áp lực về nguồn tiền để chi tiêu, thanh toán các khoản nợ... nhân dịp Tết Nguyên đán. Theo ông Trịnh Việt Cường, trước Tết Nguyên đán, nhiều NĐT phải gom tiền về vì nhiều người tham gia với nguồn vốn không phải nhàn rỗi. Tổng giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư Nhật tại TP.HCM cũng nhận định thị trường chắc chắn sẽ không xuống nữa. "Trong tuần trước, đã có những phiên một số NĐT nước ngoài bán CP ra là do họ phải chia nguồn tiền đầu tư sang một số thị trường khác mà giá cũng đã xuống đến mức hấp dẫn.

Hơn nữa, theo một quy trình gần như không thể thay đổi là nếu giá một loại CP nào đó xuống thấp bao nhiêu phần trăm so với giá mua vào thì họ sẽ bán ra để cắt lỗ. Điều đó cũng không có gì gây ngạc nhiên", vị tổng giám đốc này nói. Ngoài ra, khối NĐT nước ngoài cũng gồm nhiều dạng, cả nhà NĐT cá nhân và chuyện mua bán ngắn hạn, lướt sóng cũng là chuyện bình thường. Niềm tin của các quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng TTCK Việt Nam sẽ không giảm quá sâu vì hiện nay, TTCK nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn.

Ông Nguyễn Thế Lữ cho rằng sau Tết Nguyên đán, TTCK sẽ bắt đầu tăng trưởng tốt hơn và ít nhất đến tháng 6, chỉ số VN-Index sẽ không còn dưới 900 điểm. Tuy nhiên, nói như thế không hẳn là tất cả mọi CP đều đang ở mức giá tốt. Các quỹ đầu tư trên cho rằng vẫn phải lựa chọn CP của các công ty có tiềm năng tốt như có kết quả lợi nhuận năm qua cao và kế hoạch kinh doanh tốt trong năm tới. Đồng thời, nếu công ty nào có cơ cấu cổ đông tốt và ít bán ra sẽ không tác động xấu đến giá CP. Ông Trịnh Việt Cường cho rằng Nhà nước phải có chính sách về lâu dài chứ không phải trong trước mắt. Đó là chính sách ngoại hối xuyên suốt, tạo niềm tin cho NĐT nước ngoài yên tâm và dễ dàng chuyển đổi từ đồng ngoại tệ sang tiền đồng và ngược lại khi tham gia vào TTCK cũng như sau đó. Điều đó sẽ khuyến khích và tạo thêm những vốn đầu tư mới cho thị trường.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.