Chính sách tín dụng cần có 'dự lệnh' trước khi có 'động lệnh'

Lê Quân
Lê Quân
17/02/2023 16:58 GMT+7

Với bất động sản, tín dụng là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp nên chính sách về tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh", để tránh những khó khăn đột ngột cho thị trường, doanh nghiệp như thời gian qua.

Đây là ý kiến đáng chú ý của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest), nêu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 17.2.

Chính sách tín dụng cần có 'dự lệnh' trước khi có 'động lệnh' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest

NHẬT BẮC

Xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá khoản vay

Ông Hiệp giới thiệu GP.Invest là doanh nghiệp chuyên đầu tư phân khúc bất động sản trung, cao cấp ở khu vực phía bắc. Gần đây, công ty này đã mở rộng hoạt động ra địa bàn ngoài nội thành Hà Nội nhưng gặp nhiều vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mặc dù chính quyền địa phương ủng hộ tích cực nhưng khi đưa ra giá đền bù theo quy định, doanh nghiệp vấp phải sự không đồng thuận của người dân. Đây là khó khăn kéo dài làm phát sinh nhiều chi phí và thời gian của chủ đầu tư.

GP.Invest đang chuẩn bị đầu tư một loạt dự án với tổng mức lên đến 15.000 tỉ đồng. Quan điểm của doanh nghiệp là bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu sẽ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài.

Vì vậy, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định không siết tín dụng với bất động sản trong cuộc họp ngày 8.2, doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn vì dự kiến phải vay tín dụng ngân hàng khoảng 8.000 tỉ đồng để triển khai các dự án.

Ông Hiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án xin vay làm tài sản đảm bảo nếu phương án có hiệu quả, mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Chính sách tín dụng cần có 'dự lệnh' trước khi có 'động lệnh' - Ảnh 2.

Doanh nghiệp kiến nghị cho dùng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án làm tài sản đảm bảo cho khoản vay

LÊ QUÂN

Đồng thời, Chủ tịch GP.Invest cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể, tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200%.

"Với bất động sản nói chung, tín dụng vẫn là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp. Chúng tôi kính đề nghị về chính sách tín dụng cần có "dự lệnh" trước khi ra "động lệnh" để tránh những khó khăn đột ngột cho doanh nghiệp. Về tổng thể, xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có biện pháp chỉ đạo để hạ lãi suất sớm nhất", ông Hiệp nói.

Nhắc tới vướng mắc về pháp lý, đặc biệt là khi các cơ quan quản lý đều e ngại, sợ trách nhiệm không dám xử lý, giải quyết những vấn đề chưa thống nhất giữa các luật liên quan, khiến nhiều khi dự án bất động sản bị ách tắc, ông Hiệp cho rằng vừa qua Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những vấn đề này.

"Đề nghị Thủ tướng giao thẩm quyền cho Tổ công tác yêu cầu các địa phương phải tập hợp, cập nhật báo cáo những dự án bị chậm, nêu nguyên nhân cụ thể và đề xuất hướng giải quyết để Tổ công tác xử lý (ví dụ về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, định giá đất …),  tránh việc "ngồi im" để không bị sai của cơ quan quản lý", ông Hiệp đề xuất.

Chính sách tín dụng cần có 'dự lệnh' trước khi có 'động lệnh' - Ảnh 3.

Cần gia hạn các trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực dòng tiền thanh toán

LÊ QUÂN

Gia hạn cho trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán

Về trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, ông Hiệp bày tỏ, năm 2023 sẽ có một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng. Có một số doanh nghiệp đã quá đà trong việc phát hành trái phiếu để "ôm" dự án, gây ra biến động phức tạp cho thị trường tài chính và ảnh hưởng lớn đến niềm tin của thị trường bất động sản.

Để tháo gỡ, cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu này để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành. Sau đó, bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành, cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang chuẩn bị phải thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Đối với một số trường hợp cụ thể, các dự án của các doanh nghiệp này nếu khả thi về pháp lý nên cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hoặc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) tiếp cận đánh giá tài sản, dự án đang sử dụng trái phiếu để có thể xử lý triệt để, giúp "hạ nhiệt" thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.