'Hiện chúng tôi đang phân vân có nên mời luật sư hay không. Tôi đang chờ lệnh của chủ xe...', tài xế Nghiệp nói khi đề cập đến việc cơ quan chức năng cưỡng chế kéo xe để 'giải phóng' trạm cân.
Một xe đầu kéo được lực lượng chức năng thuê đến để kéo rơ moóc BS 51R - 003.06 ra khỏi trạm cân - Ảnh: Hoàng Trọng |
Sáng 8.3, lực lượng chức năng tỉnh Bình Định đã dùng 2 xe cẩu để kéo xe đầu kéo BS 86H - 4139 và rơ moóc BS 51R - 003.06 ra khỏi Trạm cân Phước Lộc (xã Phước Lộc, Tuy Phước).
Sau đó, lực lượng thanh tra giao thông yêu cầu tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, ở H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), người điều khiển xe đầu kéo BS 86H-4139, tự quản lý xe và hàng hóa trên xe.
Tài xế Nghiệp không chấp nhận vì cho rằng lực lượng chức năng tổ chức cưỡng chế kéo xe từ trạm cân ra bên ngoài thì phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho xe cũng như hàng hóa.
Các cơ quan chức năng chuẩn bị kéo xe đầu kéo và rơ moóc ra khỏi trạm cân - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Theo trung tá Ngô Cự Vinh, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Bình Định, các cơ quan chức năng và trạm cân không có trách nhiệm bảo vệ xe đầu kéo và rơ moóc cùng với hàng hóa trên xe.
“Nếu tài xế Nghiệp không chấp nhận kết quả cân tải trọng và cách xử lý của cán bộ Trạm cân tải trọng xe lưu động Phước Lộc thì cũng phải điều khiển xe ra khỏi trạm cân và sau đó làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Trạm cân không giữ xe đầu kéo và rơ moóc mà do tài xế cố ý đậu đỗ ngay tại trạm cân. Đây là hành vi cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức”, trung tá Vinh nói.
Tài xế Nghiệp (áo sọc trắng) chứng kiến xe đầu kéo bị cưỡng chế kéo ra khỏi trạm cân - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó giám đốc Sở GT-VT tỉnh Bình Định, cho biết lực lượng chức năng tỉnh Bình Định đã xác minh là trên hành trình từ Ninh Bình đến Bình Định, xe đầu kéo 86H - 4139 và rơ moóc không có cân tải trọng tại trạm cân ở tỉnh Thừa Thiên Huế như tài xế Nghiệp khai báo.
Hai xe cẩu tham gia cưỡng chế - Ảnh: Hoàng Trọng
|
“Cán bộ trạm cân đã làm theo đúng quy định, không có gì sai. Thiết bị cân tại trạm Phước Lộc mới kiểm định chất lượng nên kếu quả cân là chính xác, sai số trong 2 lần cân chênh lệnh 60 kg là nằm trong mức độ cho phép", ông Đức khẳng định.
"Sau khi cưỡng chế xe, tài xế Nghiệp và chủ xe phải đóng tiền nộp phạt hành chính về hành vi vận chuyển hàng hóa quá tải và hành vi cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức cũng như chịu toàn bộ chi phí cho việc cưỡng chế kéo xe đầu kéo ra khỏi trạm cân”, ông Đức nói thêm.
Xe đầu kéo BS 86H - 4139 được kéo ra khỏi trạm cân - Ảnh: Hoàng Trọng
|
Tài xế Nghiệp cũng thừa nhận xe đầu kéo do mình điều khiển không cân tải trọng tại trạm cân ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà là một xe khác ở cùng đoàn, cũng tham gia vận chuyển 28 tấn phân bón mới bị lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra tải trọng, kết quả vượt quá tải 70 kg.
Tài xế Nghiệp còn cho biết trong đêm 7.3 đã nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ hăm dọa yêu cầu phải cho xe ra khỏi trạm cân. Để bảo đảm an toàn, tối 7.3, tài xế Nghiệp và phụ xe đã đến một nhà người quen ở gần đó để ngủ.
“Hiện chúng tôi đang phân vân có nên mời luật sư để tiếp tục theo vụ việc này hay không. Tôi đang chờ lệnh của chủ xe để có hướng giải quyết tiếp theo”, tài xế Nghiệp nói.
Theo tài xế Lê Thành Nghiệp, người điều khiển xe đầu kéo BS - 86H 4139, xe tải này nhận 28 tấn phân đạm (560 bao phân đạm) tại Ninh Bình vận chuyển đi Tây Nguyên.
Trên hành trình, xe tải này có cân tại trạm cân tải trọng xe lưu động ở Thừa Thiên - Huế và kết quả chỉ vượt quá tải quy định 60 kg; nằm trong mức cho phép nên không bị lập biên bản xử phạt. Đến 21 giờ 22 ngày 6.3, khi xe tải này vào Trạm cân tải trọng xe lưu động Phước Lộc thì kết quả cân vượt quả tải trọng cho phép tham gia giao thông hơn 6 tấn. Vì vậy, ca trực trạm cân kết luận là xe đầu kéo BS 86H - 4139 kéo rơ moóc BS 51R - 003.06 chở hàng vượt tải trọng thiết kế 20%.
Tài xế Nghiệp cho rằng kết quả cân sai nên không chấp nhận ký vào biên bản, dừng xe ngay tại trạm cân để phản đối.
Đến sáng 7.3, cán bộ trạm cân cho phép xe đầu kéo BS 86H - 4139 kéo rơ moóc BS 51R - 003.06 cân lại lần thứ hai; kết quả cân có tăng hơn so với lần cân thứ nhất là 60 kg. Tài xế nghiệp vẫn không điều khiển xe ra khỏi trạm cân, không chấp nhận lời giải thích của cán bộ trạm cân.
Khi ca trực trạm cân cho xe cẩu đến kéo xe đầu kéo BS 86H - 4139 và rơ moóc BS 51R - 003.06 ra khỏi trạm cân, tài xế Nghiệp kiên quyết ngăn cản.
Theo ông Đỗ Nguyên Đức, khi cân tải trọng xe thì sẽ tính đến các yếu tố như đầu kéo, rơ moóc, số người cho phép chở và trọng lượng của hàng hóa chở trên xe. Cách tính của tài xế Nghiệp là chở 560 bao phân đạm thì hàng hóa trên xe chỉ nặng 28 tấn là sai, vì theo quy định thì trọng lượng của container cũng tính vào trọng lượng hàng hóa chở trên xe.
|
Bình luận (0)