Đó là đề nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại phiên họp cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán 2016 của Ủy ban TVQH hôm qua (21.9).
Dự án đường Hồ Chí Minh nằm trong nhóm được đề nghị cơ quan kiểm toán “cần quan tâm” - Ảnh: Trần Ngọc Quyền |
Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) đề nghị Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tăng cường kiểm toán đối với các dự án, công trình lớn; chú trọng kiểm toán hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó cần quan tâm tới dự án hoàn thành trong năm 2015, dự án kiểm toán năm 2015 chuyển sang, dự án cải tạo nâng cấp QL1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, một số dự án nhóm A, một số công trình kết cấu hạ tầng, quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển, trong năm 2015 tình hình giải ngân vốn ODA đang có xu hướng vượt dự toán khá cao, dẫn tới bội chi ngân sách, không giữ được mức trần đã được QH quyết định. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị KTNN cần tập trung phân tích đánh giá sâu sắc các yếu tố tác động đến thu, chi ngân sách để giúp QH, Chính phủ trong quá trình điều hành kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Về kiểm toán chuyên đề, Ủy ban TC-NS cho rằng mặc dù kế hoạch năm 2016 có tăng 2 chuyên đề so với năm 2015 nhưng đề nghị KTNN cân nhắc kiểm toán vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương để đưa ra đánh giá khách quan về mức độ an toàn về nợ quốc gia giúp QH, Chính phủ có kế hoạch vay nợ, trả nợ hợp lý và hiệu quả hơn. Trong đó, cần làm rõ tình trạng huy động, quản lý, sử dụng và tính hiệu quả của nguồn vốn vay và khả năng bảo đảm trả hết nợ khi đến hạn.
Làm rõ chính sách miễn giảm thuế
Cho ý kiến về dự thảo luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), ông Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: “Dự kiến trong vòng 10 năm tới, mức độ tự do hóa thương mại sẽ đạt 97 - 98% dòng thuế. Vì vậy, ngoài đánh giá tác động tăng, giảm thu ngân sách, cần bổ sung đánh giá một cách tổng thể của chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu ngân sách do sửa đổi luật từ các phương án khác để đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới”.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần đánh giá thêm về tác động của dự luật đến ngành chăn nuôi nhỏ lẻ trong 10 năm tới, khi hiện nay các loại thịt nhập như gà Mỹ, bò Úc... đã có mặt phổ biến trên thị trường VN. “Chính phủ đã có chuẩn bị gì để đối phó với tình trạng này nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ trong nước?”, bà Mai đặt câu hỏi.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ về chính sách miễn, giảm thuế. “Miễn thuế đối với những mặt hàng cụ thể nào? Ai có thẩm quyền quyết định? Tôi đề nghị phải quy định rõ ràng và minh bạch hơn... ”, bà Nga nêu vấn đề. Cũng theo bà Nga, Chính phủ cần tổng kết để trả lời vấn đề được nêu ra trong báo cáo thẩm tra về việc miễn thuế với mặt hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập rất khó kiểm soát, thường bị lách luật, lợi dụng. Làm rõ những mặt hàng tạm nhập tái xuất nào thời gian qua thường bị lợi dụng, từ đó xem lại việc tuân thủ các quy định về hàng hóa tạm nhập tái xuất, tránh thất thu cho ngân sách, ảnh hưởng sản xuất trong nước.
Bà Nga cho biết nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. “Trong 4 năm thì có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Chúng tôi thấy rằng việc cho tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng nào thì phải căn cứ vào quy định của quốc tế, nhất là công ước Kyoto”, bà Nga nói.
Thuế nhập nhiều loại xe tải có thể tăng kịch trần
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi đối với ô tô tải và linh kiện, phụ tùng ô tô tải. Lý do, theo kiến nghị của Công ty CP ô tô TMT, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, chi phí để sản xuất, lắp ráp trong nước lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu nguyên chiếc xe tải từ Trung Quốc. Bởi theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, nhiều loại ô tô tải từ Trung Quốc có mức thuế nhập khẩu rất thấp khiến các doanh nghiệp trong nước “ồ ạt” nhập khẩu ô tô tải Trung Quốc những tháng đầu năm 2015.
Theo Bộ Tài chính, trong danh mục biểu thuế hiện hành, tổng cộng có 19 dòng thuế của xe tải thường, trong đó 16 dòng thuế có mức thuế nhập khẩu thấp hơn cam kết WTO. Bộ dự kiến tăng thuế của các dòng thuế này lên kịch trần như cam kết WTO. Cụ thể, xe tải dưới 5 tấn tăng thuế nhập khẩu từ 68% lên 70%; xe tải 5 - 10 tấn tăng từ 50% lên 70%; xe tải 10 - 20 tấn tăng từ 30% lên 70%; xe tải trên 24 tấn đến dưới 45 tấn, dự kiến tăng từ 15% lên 25%. Đối với xe tải trên 45 tấn giữ nguyên thuế xuất 0% vì thuộc chủng loại trong nước không có sản xuất, lắp ráp.
Ngoài các dòng xe tải thường, nhiều dòng xe tải tự đổ cũng có thể phải chịu mức thuế nhập khẩu tăng khá mạnh với mức thuế tăng thêm 30% so với mức thuế hiện tại, trừ các dòng xe tải tự đổ trên 45 tấn chạy trên quốc lộ trong nước chưa sản xuất được.
Đối với những dòng xe chuyên dùng như xe đông lạnh, xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, xe bồn chở xi măng... xem xét điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu 5% để phù hợp với năng lực sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, láp ráp xe chuyên dùng.
Hà Nam
|
Bình luận (0)