Trả lời Thanh Niên hôm qua (2.5), ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho rằng không chỉ dựa vào việc sẽ mạnh tay hơn trong xử phạt mà cần sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng, đặc biệt là chính quyền địa phương.
“Chính phủ đã cho phép triển khai thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) đến tận xã, phường, quận, huyện tại hai điểm nóng là Hà Nội và TP.HCM nhằm tăng tính chủ động, nhưng vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương lại chưa quyết liệt triển khai”, ông Phong đánh giá.
“Không hiểu gì”
Bộ Y tế có tham gia hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm, qua đó ông đánh giá cấp cơ sở đã sẵn sàng cho việc nắm quyền thực hiện thanh tra ATTP hay chưa?
Thanh tra ATTP cấp, xã phường được thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội, triển khai đến 20 xã, phường thuộc 10 quận, huyện. Mỗi TP chọn 5 quận, huyện; 10 xã, phường cả khu vực nội và ngoại thành, nông thôn. Với mô hình thí điểm, các đoàn thanh, kiểm tra được quyền xử phạt tại chỗ, tiền xử phạt được giữ lại 100% phục vụ cho thanh kiểm tra. Chính phủ cho phép cả viên chức tham gia thanh, kiểm tra; cả thanh tra độc lập, chỉ một thanh tra viên cũng được xử lý vi phạm, do đó tính chủ động rất cao.
Sau 4 - 5 tháng thực hiện cho thấy, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, phó chủ tịch TP phụ trách về ATTP đã trực tiếp tham gia và có văn bản yêu cầu lãnh đạo xã, phường, quận, huyện hằng tuần phải có lịch đi cùng các cán bộ, và có biên bản làm việc để kịp thời nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ. Cách tổ chức ban đầu như vậy khá bài bản, sát sao. Chúng tôi cũng xuống Q.Nam Từ Liêm, H.Đông Anh, Q.Đống Đa, thấy khá rõ sự vào cuộc của chính quyền. Dù kết quả vẫn chưa thể như mong muốn nhưng thái độ nghiêm túc.
|
Thực tế tại các cuộc làm việc, ông có đề xuất gì với chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP?
Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo địa phương phải rất quan tâm đến việc này, thậm chí thanh tra của 3 sở (Y tế, Công thương, NN-PTNT) phải trực tiếp hướng dẫn mang tính cầm tay chỉ việc. Công tác quản lý ATTP không chỉ là xét hồ sơ, thẩm định, cấp phép mà cần chú trọng thanh, kiểm tra, hậu kiểm phát hiện những vi phạm để hướng dẫn các hộ, cơ sở, doanh nghiệp khắc phục, đảm bảo các điều kiện theo quy định. Nếu chính quyền địa phương quan tâm chắc chắn tình trạng ATTP sẽ có thay đổi. Một quán bán nước chè tự phát, hay một ngôi nhà xây dựng, sửa chữa có vài viên gạch rơi ra… đã thấy lực lượng địa phương đến xử lý. Thế mà cả xe thịt thối, cả xưởng làm nước giải khát bẩn, lò giết mổ không phép tồn tại thời gian dài mà lại lọt được qua mắt chính quyền địa phương vậy có hợp lý hay không?
Nếu cán bộ được giao nhiệm vụ về quản lý ATTP vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn sẽ thay đổi. Ví dụ như ở chợ Kim Biên (TP.HCM) từng nhiều năm là địa chỉ bán phụ gia thực phẩm không an toàn. Nhưng mới đây khi đoàn của Bộ Y tế kiểm tra đột xuất, thì thấy việc tổ chức kinh doanh đã thay đổi nhiều. 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được bố trí riêng; các sản phẩm có hàng đủ nhãn mác, đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của ban quản lý chợ. Người kinh doanh nhờ đó cũng thêm kiến thức để tuân thủ, người tiêu dùng được mua sản phẩm an toàn.
Minh bạch thông tin, không bao che sai phạm
Thưa ông, đâu là vấn đề nóng được lựa chọn cho công tác đảm bảo ATTP tại thời điểm này?
Trong cuộc họp về công tác quản lý ATTP mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh điểm nóng về ATTP lúc này là sản phẩm tươi sống. Đó là mặt hàng thiết yếu cần chú trọng giám sát. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong quản lý ATTP.
Nhưng nhiều người cho rằng việc phân công chồng chéo, nhiều bộ ngành, nhiều cấp quản lý nên không quy được trách nhiệm cụ thể?
Theo tôi, việc phân công trách nhiệm về quản lý đảm bảo ATTP không chồng chéo, mà vấn đề là không chịu đọc kỹ văn bản. Nếu đọc kỹ sẽ thấy rõ: Chẳng hạn một cơ sở có nhiều sản phẩm thuộc nhiều bộ ngành quản lý thì sẽ giao cho một bộ quản lý trực tiếp chứ không để 3 - 4 bộ cùng vào gây rườm rà.
|
Nhưng thưa ông, ngay cấp T.Ư, các bộ ngành vẫn còn đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm khi có sự cố thực phẩm bẩn…
Về cơ bản cấp lãnh đạo các bộ đều đã trao đổi phối hợp tốt, thẳng thắn nhưng tôi cho rằng cấp tham mưu: các vụ, cục (của các bộ) còn lúng túng trong chia sẻ thông tin. Khi giải thích chưa thật rõ ràng thuyết phục, khiến báo chí và người dân khó chấp nhận. Vấn đề là ngay tại cấp vụ, cục cũng phải quyết liệt và công khai, minh bạch thông tin. Dám nhìn nhận thực tế, cái nào chưa phù hợp trong quy định phải báo cáo lãnh đạo của bộ mình để có hướng thay đổi.
Ông từng cam kết không bưng bít thông tin, nhưng vừa qua, một số địa phương lấy mẫu măng xét nghiệm chất vàng ô, lấy mẫu bim bim xét nghiệm chất lượng, phụ gia nhưng kết quả vẫn... im lìm?
Nếu các giám sát, xét nghiệm do Bộ Y tế lấy và thực hiện, chúng tôi khẳng định công bố minh bạch, không bao che. Nhưng mỗi bộ, ngành, địa phương cũng có giám sát nên thuộc quyền công bố riêng. Tuy nhiên, theo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nếu sản phẩm vi phạm chất lượng thì sẽ bị thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế; vi phạm này nếu không khắc phục trong vòng 7 ngày thì khi đó cơ quan chức năng mới công bố.
Còn trong tình huống thực phẩm ô nhiễm chất độc thì lập tức phải công bố ngay. Việc không công bố theo luật định thì người bưng bít thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về động cơ của việc mình làm. Tôi cho rằng, ngay cả trường hợp kết quả tốt cũng cần thông báo để người tiêu dùng an tâm, lựa chọn.
Kỳ vọng chuyển biến mới
Từ ngày 1.7.2016, bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, theo đó, các vi phạm về ATTP không chỉ chịu xử phạt tiền mà còn phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù có thể lên đến 20 năm. Người đứng đầu Cục ATTP (Bộ Y tế) kỳ vọng sẽ có chuyển biến mới trong tuân thủ các quy định về ATTP. Nhưng để hiệu quả thì trước hết cơ quan chức năng phải thực thi đầy đủ, chính xác, công tâm, khách quan, khoa học để đảm bảo tính nghiêm minh và tránh oan sai.
|
Bình luận (0)