(TNO) Các kiến thức pháp lý cho những người tham gia mạng xã hội tự bảo vệ mình khỏi bị xâm hại cũng như thực thi quyền tự do ngôn luận một cách an toàn là rất cần thiết.
Cư dân mạng cần tránh những rủi ro pháp lý - Ảnh: Shutterstock
|
Tiếp theo loạt bài về nghề báo, rủi ro pháp lý và những cẩn trọng không bao giờ thừa, luật sư Trinh Nguyễn cùng các cộng sự trong công ty Trinh Nguyễn & Partners tiếp tục chia sẻ với bạn đọc những quan sát về thế giới phẳng - Mạng xã hội và hành lang pháp lý.
Kỳ 1: Sự đan xen giữa thế giới ảo và thật
Trong thời đại internet, mọi công dân có thể tiếp cận thông tin thông qua nhiều kênh, trong đó báo chí chính thống ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội. Khi mà việc sử dụng mạng xã hội cụ thể là facebook, Instagram, Google plus, Twitter đã trở nên phổ cập và quá thiết thân với mọi người dân, từ bà mẹ bỉm sữa đến anh trí thức và các doanh nghiệp, tổ chức.
Khi mà thông tin trở nên đa dạng và thông qua nhiều kênh như vậy, việc nhìn nhận tầm ảnh hưởng, sự đóng góp cũng như mặt trái của mạng xã hội là thật sự tối cần thiết đối với nhà làm luật và nhà quản lý. Thay vì ngăn cản hoặc không thừa nhận tính chính danh của các mạng xã hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cái nhìn khá thấu đáo và có một nhận định tiến bộ về thực trạng này.
Trong một phát biểu gần đây về tầm ảnh hưởng và tính phổ quát của mạng xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: “mấy chục triệu người dùng internet và mạng xã hội không thể ngăn cấm được. Vấn đề là làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội. Quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác kịp thời để người dân có lòng tin đúng vào thông tin chính thống” (1).
Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của nó, mạng xã hội, do tính lan tỏa cao có thể bị các đối thủ cạnh tranh trên thương trường lợi dụng. Do vậy, báo chí chính thống đưa tin kịp thời, chính xác và có tính cạnh tranh cũng là một cách hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội. Việc đưa tin nhanh nhạy chính xác kịp thời của báo chính thống sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với các biện pháp quản lý thông tin thông qua “an ninh thông tin” hay “an toàn thông tin ” như đã đề cập trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (“Nghị định 72”). Theo định nghĩa trong Nghị định 72, khái niệm an ninh mạng trong Nghị định 72 là việc bảo đảm thông tin trên mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khái niệm an ninh thông tin trong Nghị định 72 không giới hạn các biện pháp nào sẽ được sử dụng để thực hiện an ninh mạng. Do đó việc duy trì an ninh mạng có thể dẫn đến lo lắng về khả năng các biện pháp chắt lọc hay loại trừ thông tin sẽ được sử dụng khi người thực hiện an ninh mạng cho rằng cần thiết. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc hạn chế tiếp cận về thông tin. Hơn nữa khi sự diễn dịch Nghị định 72 về những thông tin trở thành đối tượng để có các biện pháp an ninh đôi khi quá rộng và mang tính cảm tính nhiều hơn là định tính. Ví dụ như “những thông tin không chính xác, xuyên tạc vu khống xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” là những thông tin cấm phát tán như qui định tại Nghị định 72 có thể được diễn dịch mở rộng thành những thông tin “nói xấu” và trở thành đối tượng bị nghiêm trị theo luât hình sự. Phương cách mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất để cân bằng thông tin và lọc độ chính xác của các trang mạng bằng cách đưa báo chí chính thống vào “cạnh tranh” trực tiếp và lành mạnh mang một tư tưởng rất thoáng và tiến bộ bên cạnh những biện pháp luật định cần thiết. Bởi lẽ, khi có đủ thông tin chính xác cư dân mạng sẽ tự dùng bộ lọc của mình để loại trừ những thông tin không chính xác.
Người sử dụng mạng xã hội cũng cần ý thức rằng mạng xã hội không chỉ đơn thuần là thế giới ảo - Minh họa: DAD
|
Ngoài những biện pháp từ phía nhà làm luật và nhà quản lý, đối tượng tham gia sử dụng mạng xã hội cũng cần ý thức được mạng xã hội không chỉ đơn thuần là thế giới ảo mà những gì diễn ra trên mạng xã hội ấy, phản ảnh và thể hiện cuộc sống thật của từng cá nhân. Do vậy, cũng như các nhà báo có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với thông tin của mình (như đã phân tích trong loạt bài: “Nghề báo - những rủi ro pháp lý và các cẩn trọng không bao giờ thừa”) những người tham gia mạng xã hội cũng cần có những kiến thức pháp lý cơ bản và đạo đức trách nhiệm xã hội nhất định để các thông tin của mình không bị lợi dụng cũng như các phát biểu hay thông tin mà mình đăng tải trên mạng xã hội không xâm phạm đến các mảnh đời khác, không vi phạm pháp luật hay được lợi dụng để gây phương hại đến uy tín và vật chất của cá nhân hay tổ chức khác.
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội còn được gọi là “cư dân mạng” (2). Đây là công cụ để cư dân mạng sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến… Mạng xã hội theo Nghị định 72 cũng được định nghĩa tương tự như vậy. (3)
Như vậy, bất kì thông tin nào được đăng trên mạng xã hội đều có thể được chia sẻ rộng rãi với tốc độ “chóng mặt” thông qua rất nhiều hình thức khác nhau. Đây vừa là điểm tốt nhưng cũng đồng thời là mặt trái của mạng xã hội, và vì vậy mạng xã hội có thể được xem như “con dao hai lưỡi” đối với các chủ thể sử dụng.
“Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” - Theo Nghị định 72
|
Tác động tích cực của mạng xã hội đối với đời sống
Mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 1,4 tỉ người dùng toàn cầu - Ảnh: AFP
|
Với sức lan truyền như “vũ bão”, mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích để cá nhân thể hiện bản thân cũng như “đánh bóng tên tuổi”, và điều này càng đúng với những người nổi tiếng – những người của công chúng. Trong giới showbiz Việt hiện nay, các sao đã ý thức được sức mạnh lan truyền của mạng xã hội và dành nhiều thời gian đầu tư cho các trang cá nhân của mình. Thủy Tiên, Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi… là những cái tên cực kì “đình đám” với hàng triệu người theo dõi trên fanpage, fan của những ca sĩ này tăng chóng mặt theo từng ngày trên mạng xã hội (6). Có thể nói, mạng xã hội chính là “cánh tay kết nối” của các sao với người hâm mộ của mình, tạo sự gần gũi gắn kết giữa nghệ sĩ và công chúng. Đây cũng là một công cụ rất hiệu quả để nghệ sĩ có thể quảng bá một bài hát, một bộ phim… đến với công chúng thông qua một kênh kết nối rộng lớn là mạng xã hội.
Ngoài ra, mạng xã hội còn tác động đến mọi “ngóc ngách” của đời sống, đặc biệt đối với đời sống của giới trẻ hiện nay. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, lợi ích đầu tiên mà một cá nhân đạt được chính là nguồn tiếp cận thông tin phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn có tính tương tác rất cao. Ai cũng có thể đăng nhập vào Twitter, Facebook, Instagram… mọi lúc mọi nơi. Tất cả các vấn đề từ đời tư cá nhân, đến vấn đề văn hóa xã hội đều có thể được đem lên bàn “mổ xẻ” trên mạng xã hội. Chính vì vậy, mạng xã hội vô hình trung thực hiện chức năng “phản biện xã hội” đôi khi còn hiệu quả hơn cả kênh báo chí chính thống bằng việc tự do bình luận, đóng góp ý kiến về vấn đề mình quan tâm, cộng với tốc độ lan truyền nhanh chóng, mạng xã hội trở thành diễn đàn chia sẻ của hàng triệu người.
Tác hại khôn lường của mạng xã hội
Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi khi vừa có nhiều tác động tích cực, nhưng cũng mang đến sự tiêu cực. Ví dụ điển hình có thể bàn luận là trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen với sự kiện Nick Vujicic đến Việt nam vào tháng 5.2013. Tuy trên thực tế sự kiện này thu hút rất nhiều sự tham gia của cộng đồng, thế nhưng trên mạng xã hội lại lan truyền vấn đề tranh cãi việc sử dụng số tiền rất lớn để mời Nick Vijicic là quá lãng phí, và cho rằng thay vào đó nên được sử dụng cho mục đích từ thiện.
Nick Vujicic giao lưu với các bạn trẻ khuyết tật trong lần đến Việt Nam năm 2013 - Ảnh: Phúc Duy
|
Xét thấy, khi công nghệ số phát triển chóng mặt trên toàn cầu, những quốc gia có dân số trẻ như Việt Nam sẽ lệ thuộc rất nhiều vào internet, và đặc biệt là mạng xã hội. Nguồn thông tin trên mạng xã hội lại rất “đa dạng và phong phú”. Nó có thể là những tin tức thời sự đang diễn ra, hay chỉ là những bình luận, quan điểm cá nhân của bất kì ai. Vì vậy, việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là rất khó, và dù các nguồn thông tin này đúng hay sai, được kiểm chứng hay chưa, thì rủi ro bị phát tán cũng rất lớn.
Hay chuyện nói xấu các sao trên mạng xã hội hiện trở nên quen thuộc và bình thường như “cơm bữa” trên mạng xã hội. Hiện tượng này ngày một trở nên nghiêm trọng hơn khi vấn đề “bình luận chém gió” ban đầu đã trở thành trào lưu tẩy chay, lăng mạ các sao trên các trang mạng xã hội. Không chỉ có vậy, trào lưu tẩy chay này không chỉ dừng lại ở “danh dự của các sao”, mà còn mở rộng đến cả các thương hiệu, sản phẩm mà các sao này đại diện. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nghiệp của những người nổi tiếng, mà còn có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ các nhãn hiệu sản phẩm của doanh nghiệp do các sao này đại diện.
Bình luận (0)