(TNO) Chỉ cần một cú “click chuột”, một tấm ảnh, một dòng “status” chia sẻ có thể hủy hoại uy tín được xây dựng từ lâu của các doanh nghiệp, các sao cũng như bất kì người nào tham gia sử dụng mạng xã hội.
>> Mạng xã hội và hành lang pháp lý - Kỳ 2: Thế giới ảo nhưng nỗi đau thật
>> Mạng xã hội và hành lang pháp lý - Kỳ 1: Sự đan xen giữa thế giới ảo và thật
Chỉ cần một cú “click chuột”, một tấm ảnh, một dòng “status” chia sẻ có thể hủy hoại uy tín được xây dựng từ lâu - Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Một cá nhân, tổ chức có thể dùng biện pháp gì để bảo vệ danh dự, uy tín của mình và Nhà nước đã có những chế tài nào để ngăn chặn, trừng trị và răn đe những hành vi lợi dụng mạng xã hội?
Điều 20 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Bên cạnh đó, Ðiều 37 Bộ luật Dân sự 2005 khẳng định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Như vậy, luật pháp đã khẳng định và thừa nhận quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ; vì vậy, ta hoàn toàn có cơ sở pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội.
Khi xem xét đến mức độ nghiêm trọng, biện pháp xử lý và vai trò của cá nhân, tổ chức lẫn Nhà nước trong vấn đề này, ta thấy có ba loại chế tài pháp luật có thể áp dụng: hành chính, dân sự, hình sự.
Đối với chế tài hành chính, hình phạt vi phạm cơ bản nhất vẫn là phạt tiền. Việc này được quy định rõ tại Điều 66.3.g Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tuy nhiên, khi phân tích trường hợp như việc Hồ Ngọc Hà bị kêu gọi tẩy chay, đặc biệt là tẩy chay các sẩn phẩm mà nữ ca sĩ này làm đại diện, nhiều ý kiến cho rằng đứng sau những trang facebook này là các doanh nghiệp cạnh tranh thông qua hành vi tẩy chay để gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp có sản phẩm mà ca sĩ trên là đại diện.
Nếu các chứng cứ đưa ra có thể xác minh được việc đó, những hành vi của các doanh nghiệp đứng sau vụ việc đó sẽ vi phạm pháp luật cạnh tranh, là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Điều 43 hành vi “Gièm pha doanh nghiệp khác” và Điều 44 “Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác” của Luật cạnh tranh số 27/2004/QH11 ngày 03.12.2004. Lúc này, các doanh nghiệp trên có thể bị xử phạt theo Điều 31 và Điều 32 Nghị định 71/2014/NĐ-CP nếu các chứng cứ được thu thập đầy đủ.
Đối với chế tài dân sự, một cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện đòi bồi thường người đăng những bài viết xúc phạm. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, khoản 1 Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Bên cạnh đó, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, quy định cụ thể hơn nghĩa vụ của người sử dụng mạng xã hội. Theo đó, lợi dụng việc cung cấp sử dụng dịch vụ internet và các thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân là hành vi bị cấm .
Không chỉ có vậy, người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin mà mình lan truyền trên mạng xã hội. Như vậy, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, hoàn toàn có cơ sở pháp lý để chủ thể có hành vi xâm phạm về uy tín, danh dự, nhân phẩm của chủ thể khác trên mạng xã hội phải bồi thường thiệt hại, và đây cũng chính là căn cứ để doanh nghiệp, những người nghệ sĩ nổi tiếng, hay những chủ thể khác bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp trên mạng xã hội khởi kiện đòi bồi thường.
Trong hơn 1 tỉ người dùng internet ở châu Á, ít nhất 811 triệu người đang sử dụng mạng xã hội bao gồm trong đó là mối đe dọa đến hình ảnh - - Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Đối với chế tài hình sự, việc đăng tải các thông tin gây tổn hại tới danh dự và nhân phẩm của người khác có thể cấu thành các tội danh như vu khống; làm nhục người khác; hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân được qui định tại các điều 121 , 122 và 258 Bộ Luật Hình sự hiện hành.
Cá nhân, tổ chức bị xúc phạm cần trình báo lên cơ quan công an để cơ quan điều tra sự việc. Sau khi điều tra và thu thập chứng cứ, vụ việc sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Một điểm cần lưu ý là chế tài hình sự chỉ được áp dụng nếu hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có đủ các yếu tố cấu thành các tội đã nêu.
Đừng để một dòng trạng thái nhấn chìm cuộc đời
Bất kể sử dụng mạng xã hội vì mục đích gì, người tham gia mạng xã hội cần có những cẩn trọng cần thiết để bảo vệ chính mình cũng như giảm thiểu các rủi ro khi thực hiện các hành vi trái với quy định pháp luật. Các công ty truyền thông, mạng xã hội cần cẩn trọng hơn nữa trong việc truyền tải các thông tin. Các doanh nghiệp cần biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá về công ty mình ở một mức độ phù hợp.
Bởi trong hơn 1 tỉ người dùng internet ở châu Á, ít nhất 811 triệu người đang sử dụng mạng xã hội bao gồm trong đó là mối đe dọa đến hình ảnh doanh nghiệp khi mặt trái của mạng xã hội là cả một thế giới bí ẩn, rất khó lường trước được.
Chỉ cần một cú “click chuột”, một tấm ảnh, một dòng “status” chia sẻ có thể hủy hoại uy tín được xây dựng từ lâu của các doanh nghiệp, các sao cũng như bất kì người nào tham gia sử dụng mạng xã hội. Vì vậy, mọi người cần có nhận thức đúng đắn về việc sử dụng mạng xã hội cũng như cần có “cái đầu tỉnh” để nhận biết và bảo vệ chính mình.
Căn cứ theo Hiến pháp và quy định pháp luật, rủi ro bị xử lí hành chính, hình sự và bị khởi kiện dân sự là hoàn toàn có thể xảy ra khi một người sử dụng mạng xã hội để xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, hay uy tín của cá nhân, tổ chức khác.
Cần làm gì khi bị xâm hại?
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, người dân thường có khuynh hướng tìm đến sự phân xử của tòa án để yêu cầu công lý được thực hiện. Vì vậy, ở các xã hội có nền pháp luật chặt chẽ, công dân thường khởi kiện để yêu cầu sửa sai và/hoặc bồi thường các tổn thất về tinh thần và vật chất của những xâm hại gây ra.
Ở Việt Nam, các vụ kiện yêu cầu bồi thường hoặc cải chính đã dần xuất hiện ngày một phổ biến hơn. Tuy nhiên, qua quan sát các quy định của pháp luật hiện hành về hành chính về hình sự lại rất chi tiết, và mức độ cũng như cách thức phạt có tính răn đe hơn.
Do vậy, người bị hại thường tìm đến các biện pháp chế tài hành chính và hình sự nhiều hơn là dùng các biện pháp dân sự. Ví dụ, khi bị xâm phạm bởi cộng đồng mạng, người dân thường có khuynh hướng nhờ công an can thiệp, tạm giam để điều tra hơn là khởi kiện ra tòa.
Một số nguyên nhân dẫn đến khuynh hướng này là việc khởi kiện ra tòa thường mất nhiều thời gian và việc chứng minh cho các tổn thất tinh thần và vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, mức bồi thường do bị xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm còn thấp, quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại chưa phù hợp với tình hình thực tế và chưa thực sự bảo vệ được quyền lợi của người bị xâm phạm.
Trong khi đó, nếu muốn trừng trị ai được cho là lạm dụng dùng mạng xã hội hay dùng các quyền tự do ngôn luận của mình thông qua mạng xã hội, người cho là mình bị xâm phạm hoặc bất kỳ ai khác cũng có thể báo công an hoặc tố cáo theo luật tố cáo khiếu nại để đối tượng bị cho là sử dụng mạng xã hội xâm hại cá nhân tổ chức sẽ được mời lên để điều tra hoặc được tạm gia để điều tra.
Vì vậy, pháp luật hiện hành xét trên một phương diện nào đó cần được củng cố để có thể bảo vệ toàn vẹn và đầy đủ lợi ích của cá nhân, tổ chức mà không nhất thiết phải “hình sự hóa” phương cách xử lý việc xâm phạm tinh thần và vật chất của một cá nhân tổ chức thông qua mạng xã hội.
Nhiệm vụ khó khăn của nhà làm luật và nhà quản lý là phải vừa tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn các hành vi xâm phạm người khác của cư dân mạng vừa phải bảo đảm quyền hiến định của công dân trong việc tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến của mình
Xét trên phương diện khác, các biện pháp hành chính, hình sự có thể vô hình trung vô hiệu hóa quyền tự do ngôn luận. Khi đó, chủ nghĩa “tẩy chay”, châm biếm, nói xấu trên mạng xã hội có thể chuyển thành chủ nghĩa “mackeno” và kéo theo đó mạng xã hội sẽ không phát huy hết vai trò “phản biện xã hội” của mình.
Không ai bảo vệ quyền lợi của mình tốt hơn chính mình. Vì vậy, thiết nghĩ pháp luật nên quy định theo hướng khuyến khích người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị xâm phạm, nghĩa là quy định theo hướng mở rộng khả năng khởi kiện cũng như tăng mức bồi thường thiệt hại danh dự, uy tín, nhân phẩm mà cá nhân, tổ chức được hưởng khi bị chủ thể khác xâm phạm.
Bình luận (0)