Ngày 28.9, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, ngụ xã Tân Dân, H.Đầm Dơi,
Cà Mau) cho biết đã gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH xây dựng - thương mại
- du lịch Công Lý (Công ty Công Lý), chủ quản Nhà máy xử lý rác thải Cà
Mau, đến TAND TP.Cà Mau, yêu cầu xác định quyết định chấm dứt hợp đồng
lao động của Tổng giám đốc Công ty Công Lý với chị là trái luật.
Ngày 28.9, chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, ngụ xã Tân Dân, H.Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết đã gửi đơn khởi kiện Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (Công ty Công Lý), chủ quản Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau, đến TAND TP.Cà Mau, yêu cầu xác định quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của Tổng giám đốc Công ty Công Lý với chị là trái luật.
Trong đơn khởi kiện, chị Mai trình bày mình đã làm việc tại Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau từ năm 2011, có hợp đồng lao động và tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Chiều 4.8.2014, chị có nhặt được một số nhẫn, dây chuyền, vòng đeo, bông tai bằng kim loại màu vàng tại bãi phân loại rác. Sau đó, lãnh đạo nhà máy lập biên bản, cho rằng chị vi phạm quy định công ty do không giao nộp vàng cho nhà máy. Tiếp theo, chị Mai và công ty cùng gọi điện báo cho công an, rồi đến trụ sở Công an P.Tân Xuyên để giao nộp số vàng trên.
Đến ngày 13.8.2014, công ty họp xử lý vụ việc, cho rằng chị Mai đã vi phạm quy định của tổng giám đốc công ty về việc kiểm soát ra, vào cổng và chống trộm cắp, sau đó bảo chị về. “Đến ngày 5.9.2014, công ty gọi điện thoại kêu tôi đến rồi giao quyết định của Tổng giám đốc Công ty Công Lý (ký ngày 1.9.2014) về việc chấm dứt hợp đồng lao động với tôi kể từ ngày 13.8.2014”, chị Mai nói.
Quyết định sai luật
Trong 3 văn bản dùng làm căn cứ để sa thải chị Mai đều thể hiện rõ chị Mai bị chấm dứt hợp đồng là do không chịu nộp vàng cho lãnh đạo nhà máy. Về vấn đề này, luật sư (LS) Trần Thanh Phong (Đoàn LS TP.Cần Thơ) cho rằng việc công ty ra quyết định cho chị Mai nghỉ việc với lý do nêu trên là không đúng theo quy định của luật Lao động. LS Phong viện dẫn: “Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 đã quy định rất rõ về các trường hợp áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động. Không có trường hợp nào quy định nhặt được của rơi rồi thông báo và giao cho công an là vi phạm kỷ luật lao động”.
“Ngoài ra, nếu đúng như lời chị Mai trình bày thì Công ty Công Lý cũng vi phạm về nguyên tắc và trình tự xử lý vi phạm. Điều 123 BLLĐ quy định khi xét xử lý kỷ luật phải có đại diện tập thể người lao động và người bị xử lý cũng có quyền bào chữa, nhưng biên bản ngày 13.8.2014 không thấy ai đại diện cho tập thể người lao động và không thấy phát biểu nào của chị Mai khi công ty xét kỷ luật chị. Nói tóm lại, việc sa thải chị Mai cả về hình thức lẫn nội dung đều không đúng quy định của pháp luật”, LS Phong nhận xét.
Bình luận (0)