Sự ‘bùng nổ’ của Lê Bá Khánh Trình

15/09/2013 04:02 GMT+7

Khác với vẻ bề ngoài và lời tự nhận xét về bản thân là “hơi nghiêm, khó cởi mở”, thầy giáo Lê Bá Khánh Trình ẩn giấu nét tính cách dí dỏm, thậm chí là những khoảnh khắc bùng nổ đầy bất ngờ.

Khác với vẻ bề ngoài và lời tự nhận xét về bản thân là “hơi nghiêm, khó cởi mở”, thầy giáo Lê Bá Khánh Trình ẩn giấu nét tính cách dí dỏm, thậm chí là những khoảnh khắc bùng nổ đầy bất ngờ.

Sự ‘bùng nổ’ của Lê Bá Khánh Trình
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình - Ảnh: Như Lịch

“Tại sao phải nói giá như ?”

Câu chuyện bắt đầu từ nghề giáo của ông. Khi được hỏi có bằng lòng với nghề này, tiến sĩ (TS) Trình hài hước: “Tôi cảm nhận sự hài lòng ở nhiều khía cạnh, trong đó có chuyện gia đình. Nhờ nghề giáo mà tôi có thể dạy dỗ được con cái, thông cảm với những thầy cô khác trong việc giáo dục con mình. Bên cạnh đó, nếu vợ mình có ý định dạy dỗ, uốn nắn thì mình cũng có thể thông cảm được”.

Tôi nghĩ mình nên chất chứa bên trong, đừng có phô bày ra ngoài hết. Chỉ khi nào thật cần thiết, bất đắc dĩ thì mới bùng nổ thôi

TS Trình cho hay, nghề giáo không phải là sự lựa chọn của ông mà đó như là cái nghiệp, cái duyên số. Hồi học tại ĐH Tổng hợp Lomonosov (Nga), thấy giáo viên dạy cái gì hay hay, ông đều tưởng tượng sau này mình sẽ truyền đạt vấn đề này cho học trò. Và, sau khi về nước, ông trở thành giảng viên Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM suốt từ năm 1991 cho đến bây giờ.

Giải thích vì sao không chọn một nghề nào khác có thể khiến ông nổi tiếng hơn, “thần đồng toán học” một thời ví von: “Tôi không mạo hiểm nhận thêm cái gì khác, những cái có khi rất nguy hiểm. Tôi không hiểu vì sao lại có những người hay nói câu: “Giá như hồi đó tôi đừng lấy ông/bà, thì bây giờ tôi không khổ thế này”. Chắc gì! Tại sao phải nói điều đó? Chắc là họ rơi vào một nghịch cảnh, cái thế nào đó không gỡ ra được? Vì tham lam quá hay sao nhỉ, tôi không hiểu được! Tôi nghĩ lúc đó, cách suy nghĩ phải khác đi. Và tốt nhất là làm sao đừng rơi vào nghịch cảnh đó”.

Đi tìm “cách giải của Chúa”

TS Lê Bá Khánh Trình bộc bạch: “Trong công việc, mình luôn cố gắng để tiến bộ. Tiến bộ ở đây có nghĩa không những giúp ích cho học sinh mà còn giúp ích cho mình nữa. Chính sự tiến bộ đem lại cảm giác hào hứng, mở ra một cái gì đó cho mình. Còn những cái khác như tiền bạc này nọ thì cũng vừa phải thôi”. Theo TS Trình, không có cái gì khô khan, kể cả lĩnh vực toán - tin. Ông quan niệm: “Nếu nói rằng thầy giáo như nghệ sĩ thì nghe hơi lấn sân, nó không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong công việc giảng dạy, có những cái cần phải xử lý bằng nghệ thuật”.

Chuyên dạy học sinh, sinh viên giỏi toán, ông luôn ý thức các bạn trẻ này “biết rất nhiều”, nên không thể lấy vấn đề nào đó trong sách hay đề thi đưa ra lớp học. “Thế thì mình phải tìm một vấn đề nào đó mới hoàn toàn. Mới không phải là nó quá mới mà là có thể lật lại vấn đề. Cái ý đưa cho học trò phải đạt hai yêu cầu: thứ nhất, không gặp trong một tài liệu nào cả và phải có ý hay, ý sâu sắc để rèn luyện học trò; thứ hai, nó phải gọn gàng, không được lùm xùm, rối rắm. Làm được cả hai điều này đâu đơn giản chút nào”, thầy giáo Trình chia sẻ. Ông thẳng thắn: “Có những lúc rất khó khăn, cảm thấy khổ sở vì đến ngày mai mình gặp học trò mà cái mình đưa ra còn ngổn ngang. Nếu bí lắm, cách đơn giản là lấy một tài liệu hay một đề khó nào đó trong sách đưa cho học trò, nhưng làm như vậy không hợp với tiêu chí của mình”.

Thường xuyên vắt óc tìm được vấn đề khó để tôi luyện học trò đã là thử thách, việc tìm ra cách giải hay lại càng là thử thách lớn. Trong câu chuyện, thầy Trình nhiều lần nhắc đến cụm từ “cách giải của Chúa” với một niềm hứng thú say mê cao độ. Ông nói: “Khi tôi đưa một bài toán nào đó cho học trò, tất nhiên học trò càng giỏi càng tốt, tôi rất muốn tìm ra hoặc cùng các em tìm được một cách giải tối ưu mà người ta gọi là “cách giải của Chúa”. Cách giải này cho thấy mọi sự trong trẻo, có nghệ thuật sắp đặt trong đó, mang lại cảm giác an tâm nhất, thông suốt nhất, thậm chí là hơi rợn người về vấn đề nào đó”. Chủ nhân huy chương vàng Olympic toán quốc tế ngày trước nhìn nhận: “Cũng có những lúc cả thầy lẫn trò tìm hoài không ra “cách giải của Chúa”, nên giữ vấn đề đó lại. Theo thời gian, có thể tìm ra lời giải. Hoặc, có những lúc mình tưởng đã tìm ra rồi, nhưng sau này có người đưa cho cách giải mà mình phải thừa nhận đó mới chính là cách giải của Chúa!”.

Lý giải vì sao tự chọn phương thức dạy học đầy áp lực như thế, TS Lê Bá Khánh Trình hóm hỉnh: “Đó có thể là vì cách khác mình làm không được, mình không đủ cái tài lưu loát, diễn giải hay mở rộng liên hệ thực tế. Nên tôi chọn cách nào phù hợp nhất với mình. Còn thử thách là chuyện đôi khi ai cũng có. Nhưng trong cái thử thách này, tôi có thể học được. Tôi không chỉ muốn cho mà còn muốn nhận lại nữa, tức là cũng tham lam, muốn huề vốn chứ không muốn lỗ!”.

Ẩn giấu con người thứ hai

Nếu chỉ đánh giá qua vẻ bề ngoài hoặc cách nói chuyện không mấy “lưu loát” như lời tự đánh giá của thầy giáo Lê Bá Khánh Trình, rất dễ có cái nhìn phiến diện về ông.

“Chân dung tự vẽ của ông trên bục giảng là như thế nào?”. Ngừng một lát, TS Trình quả quyết: “Là không cởi mở, hơi nghiêm, chủ đề nói thường không thoát ra xa nội dung bài giảng”. “Có bao giờ ông muốn thay đổi hình ảnh đó?”. “Khó lắm. Đó là cố hữu rồi, nếu thay đổi thì khó là mình nữa”. Rồi ông trải lòng: “Tôi nghĩ mình nên chất chứa bên trong, đừng có phô bày ra ngoài hết. Chỉ khi nào thật cần thiết, bất đắc dĩ thì mới bùng nổ thôi”.

Trong vai trò trưởng đoàn đưa học sinh giỏi Việt Nam ra nước ngoài tranh tài Olympic toán quốc tế năm 2013 (diễn ra từ ngày 18 - 28.7 tại Colombia), bên cạnh niềm vui chung về thành tích rực rỡ của đoàn với 3 huy chương vàng và 3 huy chương bạc, TS Lê Bá Khánh Trình còn lưu giữ những kỷ niệm riêng mình. Giọng hồ hởi hẳn lên, ông kể: “Trong buổi tiệc cocktail do một thị trưởng ở Colombia tiếp đãi trưởng đoàn các nước, có một vũ nữ đến mời tôi và một ông trưởng đoàn nước khác ra múa. Lúc đó tôi ngẫu hứng liền! Được một lúc, có vẻ thấy tôi nhảy khí thế, một vũ công đưa tôi cái mũ, thế là tôi vừa cầm mũ vừa nhảy vừa quay rất tự nhiên. Đến nỗi một thành viên trong đoàn Việt Nam ngạc nhiên bảo: “Mày học ở đâu mà nhảy tốt như vậy, nên tao quay phim lại rồi!”… Theo tôi, trong tình huống đó, mình cần phải thể hiện, để người ta biết đoàn Việt Nam cũng có khả năng tham gia”.

Hằng ngày khoác cái vẻ nghiêm nghị nên những lúc “bùng nổ”, thầy giáo Trình thường gây ngạc nhiên lớn cho mọi người. Trước đây, khi học trò đang hát mừng ngày 20.11, ông ngẫu hứng đứng lên làm “nhạc trưởng”, khiến các em “ngớ người” và vỗ tay rần rần. Lần khác, trong cuộc chia tay kết thúc một chuyến công tác dài ngày, ông đã tếu táo hát “Thôi là hết ăn chơi từ đây”, kết hợp nhảy tango và tấu hài một đoạn về những điều vợ cấm lúc xa nhà, khiến nhiều người đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác… “Những lúc đó, mình khám phá ra con người thứ hai nào đó bên mình. Nó cho mình thêm năng lượng, sống hết mình, không phải đắn đo suy nghĩ chuyện này chuyện kia nữa”, TS Trình khẳng định. Ông mở ngoặc nói thêm: “Nhưng tôi chẳng có khả năng bùng lên thường xuyên. Mà nếu thường xuyên, cũng dễ nhàm chán lắm!”. 

TS Lê Bá Khánh Trình sinh ngày 19.5.1962, tại Huế. Năm 1979, tại cuộc thi Olympic toán quốc tế ở Anh, ông đã đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này, và là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi toán quốc tế tính đến nay. Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của toán học Việt Nam".

Hiện nay, ông là giảng viên Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kiêm thỉnh giảng Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông đã hai lần làm trưởng đoàn đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic toán quốc tế (năm 2005, năm 2013) và một lần làm phó đoàn (năm 2012). 

Biết nhiều nhưng không đa năng

Nhận xét về học sinh, sinh viên ông tham gia giảng dạy, thầy giáo Lê Bá Khánh Trình nói: “Nhìn chung, các em hiện nay biết rất nhiều. Thậm chí đôi khi có những cái mới mình cũng phải học các em. Thế nhưng, tôi cảm giác nhiều em không có sự đa năng. Biết nhiều quá có khi hóa ra lại là gánh nặng cho chính các em. Bởi vì, có những vấn đề cần giải quyết với đầu óc tươi mới, không chứa quá nhiều, không bị ảnh hưởng thành kiến có sẵn”.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.