Choáng váng với rừng ở Mường Nhé: Cuộc chiến bi hài

04/11/2009 10:50 GMT+7

Người dẫn đường cho tôi đi "choáng váng" ở nơi vốn là rừng nguyên sinh của Mường Nhé là đại uý Chu Ngọc Lệ, Đồn phó trinh sát, Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn, người có tới 8 năm gắn bó với miền rừng Mường Nhé vốn hoang rậm kỳ ảo, nay đã và đang bị tàn sát thê lương...

Những bức ảnh lẽ ra không nên chụp

Suối sâu, nước ngập ngang lưng, đường mòn vượt núi đều lở lói, bé đến mức con trâu ăn no đi qua còn phải mài bụng vào taluy dương thì mới vừa, những nương sắn bạt ngàn sau bước chân đoàn người cạo trọc rừng "cướp" đất... cứ dần dắt chúng tôi lên dọc các đỉnh mây mù của xã Chung Chải. Nơi đây vốn là rừng già. Chỉ mấy năm trước, đại úy Lệ cùng đồng đội từng say lử đử khi "tả xung hữu đột" đi phá những nương thuốc phiện tím rắt, rộng miên man được lén trồng ở nơi hoang vắng này. Rừng ở đây giàu rậm lắm, cây gỗ to mấy người ôm chưa tròn vòng gốc.

Chúng tôi đi đến lúc mặt trời chếch ở đằng tây thì các nương lúa vàng rười rượi trong gió thu tháng 10 Tây Bắc cùng hiện ra. Một biển lúa vàng tươi, dậy màu no ấm. Ai đó trong đoàn chúng tôi chợt quên nỗi đau rừng bị cắt tiết, họ lăn mình vào các thảm lúa vàng và xúc cảm. Cái màu vàng no ấm ấy vô tội, nhưng nó là sự màu mỡ có được từ các cuộc di dân tự do coi thường luật pháp để xẻ thịt các cánh rừng vàng hiếm hoi còn sót lại của tất cả chúng ta.

Lấm lem bùn đất, dốc cạn sức mình để leo núi, toàn bộ thiết bị điện tử mang theo được gói trong các túi nylon lớn để vượt những con suối xanh rêu, như các chiến sĩ đặc công tinh nhuệ nhất, chúng tôi đã tận mục cảnh các "phi đội lính dù" phá rừng nguyên sinh Mường Nhé.

Rừng bị phá triệt để, lúa lúa vàng, những triền núi... bát ngát vàng. Trong biển lúa có tiếng trẻ con khóc văng vẳng. Chúng tôi lăn vào biển lúa như những đứa mục đồng chơi trò trốn tìm. Tìm ra một cái tổ "chim rừng" gồm 4 đứa trẻ, đứa khóc, đứa ngủ gật, mũi dãi xanh lèo trong một cái ổ quây bằng những thân lúa nương vạm vỡ.

Bố chúng là Giàng A Thứ, cầm dao, từ một cánh rừng còn lóp ngóp sót lại vài cây gỗ lớn chạy lại; mẹ chúng là Tráng Thị Sung, bụng chửa kềnh, tay cầm hai cái liềm cong như hai vành trăng khuyết cũng nhao tới.

Họ là một gia đình trẻ "đông tre ấm bụi" với 4 người con trứng gà, trứng vịt; cô bé Sung sinh năm 1984, giờ lại đang chửa đứa con thứ năm. Thứ bảo, ta không muốn đẻ, nhưng cứ thế rồi nó lại... chửa.

Thứ cũng như rất nhiều bà con ở hai bản "nhảy dù" Pá Lùng, Xà Quế mới được công nhận này đều là người tại Nậm Hàng, Mường Tè, Lai Châu kéo sang. Đã có 2 mùa lúa nương vô cùng tốt tươi ở miền rừng cách đây vài năm vẫn là nguyên sinh này. Thấy mùi rừng tốt, đất rộng là bà con tá hoả kéo sang. Họ "bay" như những đàn chim di cư không bao giờ mỏi cánh. Hiện nay, ở khu vực Xà Quế, Pá Lùng có tới cả trăm hộ "tá túc giữa rừng" rồi!

... Trong đám nương của người Xà Quế, đứng từ dưới chân núi, chúng tôi đã thấy những trảng rừng cháy đen thui, nhiều cây gỗ bị chặt to hai vòng tay người lớn ôm mới kín. Chặt rồi đốt rừng, dựng bản, trồng lúa; người di cư tự do để mặc các cây gỗ lớn nằm sóng soài trong ruộng lúa vàng như mật ong rừng. Những nương lúa xốp vàng, ngon nghẻ như có thể dùng thìa dĩa xúc từng miếng lên thưởng thức được ngay.
 
Người di dân tự do, họ chỉ cần vài khoảnh mặt bằng và chút ít cây gỗ xẻ ra để dựng nhà dựng bản; còn cái quan trọng hơn là họ rất cần chặt tiệt nọc rừng đi để soán lấy của rừng những quả núi lớn, những thung lũng rộng phục vụ việc trồng lúa, trồng sắn.

Đói thì đầu gối phải bò, Thứ bảo thế: "Người đẻ, đất không đẻ, bên Mường Tè hết ruộng nương rồi, nên Thứ phải dắt vợ và đàn con ra đi. Biết phá rừng là sai chứ, chỉ mong chính quyền nương tay thương xót". Thứ nói khá văn vẻ, văn vẻ như đã được ai đó dạy cho học thuộc lòng từ trước lúc khăn gói quả mướp, cất bước ra đi tìm vùng đất hứa.

Vượt qua những chỏm nương chi chít các thân gỗ lớn cháy đen nằm cuồn cuộn như mãng xà bị nướng, tôi và Đồn phó Chu Ngọc Lệ cùng đoàn tuỳ tùng thấp thểnh tiến vào phía bản Xà Quế, Pá Lùng. Hai bản với gần sáu chục nóc nhà nằm ềm ệp trong sương núi, toàn bộ là nhà tranh, hầu hết chỉ bé nhỏ, liêu xiêu như cái lều trông vịt.

Thấp thoáng bên những lều nương nhẵn bóng vệt mồ hôi ám vào các thanh tre là những tấm bạt nylon lớn trải ra để phơi lúa mới thu hoạch, lúa tươi mẩy hạt rải kín những triền rơm rạ vàng óng.

Trên mái lều nọ, các đám cây mướp đã trùm phủ kín, đã nở mùa hoa thứ hai trên vùng đất mới vừa mãn kiếp là rừng nguyên sinh. Đầu bản Xà Quế còn vài "chứng tích buồn thương" của bà mẹ rừng nguyên sinh: Những thân gỗ lớn đứng như bức tường thành khổng lồ, có khi đã bị xẻ mất một nửa, có khi đã bị đốt thành than một nửa.

Đám trẻ con lang thang như đá cuội, như bùn lấm khắp các rông núi, chúng chui vào các bức tường thành gỗ đen nhẻm, nham nhở để chạy trốn khi thấy người lạ. Tôi chụp bức ảnh cháu gái ở truồng trắng như thân măng mới bóc bẹ, bé cùng mẹ đứng trên một thân gỗ lớn, nhún nhẩy, bập bênh, giã cối gạo ngoài bìa núi khi trời đã nhá nhem tối; gần đó là một bé trai ngồi bần thần, bẩn thỉu, tay khư khư cục đá làm đồ chơi, cậu bé ngoạc miệng khóc khi có chiếc máy ảnh giơ lên... Hai bức ảnh cứ mỗi lần xem xong, tôi lại thấy: Lẽ ra mình không nên chụp.

18 tuổi, ba lần bắn chết bạn săn

Đại uý Lệ vừa mới vào Xà Quế giải quyết một "án mạng" mà có lẽ nó là thứ "kỷ lục" chỉ có thể gặp được ở riêng cái bản di cư tự do khốc hại này: 18 tuổi, cậu thanh niên Sùng Giả Thầu ở bản Pá Lùng rủ bạn đi săn hoang thú; Thầu cùng người hàng xóm Vừ A Lầu xách cơm nắm, đi từ lúc mặt trời lên, nửa đêm thì đến cánh rừng già giáp ranh với xã Mù Cả của huyện Mường Tè. Hai cậu bé nhanh chóng tổ chức kế hoạch dồn đuổi một đàn nai béo nục nạc.

Lầu và Thầu thủ thỉ giao ước với nhau là, để tránh "săn thú bắn nhầm người", trước khi thằng nào bóp cò thì cũng phải huýt sáo một tiếng, nếu "con mồi" không huýt sáo giả lời, thì nhất định đó là thú rừng, cứ thế mà bắn. Thấy một bóng đen, huýt sáo, im lặng, chắc mẩm sắp... có con nai béo, Thầu xiết cò. Đạn xuyên từ chẩm (trước trán) lên đỉnh đầu, khiến Vừ A Lầu chết ngay tại chỗ. Điều đáng choáng váng hơn, theo kết luận điều tra của lực lượng biên phòng, cậu bé 18 tuổi Sùng Giả Thầu kia từng có thành tích kinh khủng: 3 lần săn thú bắn nhầm người.

Những lớp học "từ trên giời rơi xuống"!

Ông Vi Văn Phanh - Phó Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Mường Nhé, người đang dẫn đường cho tôi vào Pá Lùng tỏ ra hết sức ngán ngẩm trước sự tinh ranh, trây ỳ, coi thường luật pháp của các đoàn người di cư tự do.

Đúng lúc ấy, tất cả chúng tôi đang phải nghe một câu chuyện oái oăm nhất của... ngành kiểm lâm Việt Nam. Rằng: Một cậu bé học hết lớp 10 hẳn hoi, theo cha mẹ từ Mường Tè sang Pá Lùng phá rừng, em vừa chặt gỗ, mặc cho quay phim chụp ảnh; vừa tâm sự: Em chặt gỗ, dọn rừng đi để dựng căn nhà mới vào chỗ này, nhà báo ạ. Là bởi vì trong bản mới công nhận kia chưa có sóng điện thoại di động, ra chỏm núi này, có ít sóng "lạc đường" đến!

Gã Vừ Đủ Sáng thì hoan hỉ lôi trong áo thổ cẩm cài khuy đính cả tua rua đỏ ra một chiếc điện thoại di động "trên cả sành điệu". Lưng đeo dao, tay đeo đồng hồ điện tử nhấp nháy, miệng cười ha hả, Đủ Sáng khoe: Dựng nhà ra chỏm núi này, tự dưng được gọi di động mà. Nhà anh trai Sáng, anh Hồng Sinh cũng đang ngả gỗ dựng nhà. Quê gốc tận ngoài Mường Chà, tỉnh Điện Biên, Đủ Sáng khoe, điện thoại của hắn dùng 2 sim, đang khuyến mãi rẻ lắm. Bọn Việt - theo (Viettel) và bọn Vina đang lồng lộn lên khuyến mãi, chỗ này Vina gọi thoải mái, tao có cả vốc sim!

Bằng cách ứng xử tàn nhẫn với rừng của mình, thật khó để người ta không cảm thấy căm phẫn hành động nhảy dù vào rừng nguyên sinh dựng nhà lập bản ở Mường Nhé. Tuy nhiên, nếu đã từng sống trong không khí tạm bợ, đói khát, nhếch nhác ngoài sức tưởng tượng ở những cái bản "trên trời rơi xuống" kiểu như Xà Quế, Pá Lùng, Cà Là Pá... thì chúng ta sẽ nhận ra một điều khác nữa. Đó là số phận thật sự của những người phụ nữ, những bé trai, bé gái tội nghiệp đang theo bước chân đoàn người đi "bất phóng bất phú" kia.
 
Việc huyện Mường Nhé được phép (bất đắc dĩ) "công nhận" thêm 33 bản mới chỉ nội trong ít tháng đầu năm 2009 là một kỷ lục đau buồn khi nói về thảm trạng phá rừng, di dân tự do; song, mặt khác, đây cũng là một hành động rất tình nghĩa, rất con người. Ví như chuyện những thiên thần bé giữa đại ngàn của chúng ta cần được chăm sóc, bảo vệ, cần được đưa đến trường.

Trong tổng số chưa ai thống kê được những người di dân tự do đang nương náu ở rừng Xà Quế, Pá Lùng, nhưng ít nhất, hiện nay (tính đến tháng 10.2009), đã có tới 200 em được các giáo viên chân trần tứa máu luồn rừng, vận động đưa trẻ đến lớp.

Thầy Hà Thanh Tình, SN 1986, quê ở tận Bá Thước, Thanh Hoá nhận trọng trách lên Xà Quế đánh gianh, chặt nứa, mở lớp, rồi kiêm luôn chức: "Phụ trách phân trường". Trường của họ lợp gianh, cắm tre nứa liêu xiêu, đứng đỉnh núi trông sang nó như một ngôi nhà dài Tây Nguyên trườn dọc bản Pá Lùng.

Cái vệt màu nâu đó cứ xám mượt như lông thú nằm ở vị trí chính giữa, xung quanh là leo pheo các lều vịt tội nghiệp của 12 thầy - cô giáo trẻ. "Một điểm trường thế này mà đã có tới 9 lớp với hơn 200 học sinh rồi, toàn bộ là bà con di dân tự do! Là bởi vì sắp tới, huyện yêu cầu mở thêm 3 lớp học nữa để đón thêm các cháu ở các hộ tá túc giữa rừng (chưa được công nhận bản) đến học. Trường vừa mở, mà lớp học và số học sinh cứ tăng vùn vụt, vì người nhảy dù càng đông" - thầy Tình nói.

Lúc mới mở điểm trường, tất tật thầy - cô ai cũng phải dạy lớp "vỡ lòng". Bởi hầu hết các cháu, ở các độ tuổi đều... chưa bao giờ đi học.

Theo Đỗ Doãn Hoàng (Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.