Gà nòi xuất ngoại

27/08/2008 08:59 GMT+7

Cứ cách vài ngày người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lại thuê xe du lịch đưa gà nòi xuất khẩu qua Campuchia. Giá gà nòi xuất khẩu có con tới hơn 800 USD.

“Vương quốc” gà nòi

Chợ Lách được mệnh danh là “xứ gà chiến”, cách vài căn nhà lại có trại gà, trại ít nhất 10 con, có trại cả 100 con. Cả xóm suốt ngày vang tiếng gà gáy, gà kêu rân trời. Ở đây khó thấy bóng một con gà công nghiệp.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Kinh tế Chợ Lách, toàn huyện có hơn 120.000 con gà nuôi. Gà nòi con “bèo” nhất cũng có giá 500.000 đồng, thông thường từ 3 triệu đồng/con trở lên. Như con gà xám của ông H., “đá” không có đối thủ, chủ trường gà yêu thích quá nài giá 3.000 USD nhưng ông H. lắc đầu. Giữa trưa chúng tôi gặp anh Út Tầy ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành đang ngồi tỉa tót lông cho con gà khét. Anh Tầy nói: “Vài ngày nữa tôi đưa con khét này và 3 con xám đi Campuchia”.

Khi được hỏi vì sao các chủ trường gà Campuchia không lấy giống gà nòi mà phải nhập gà từ Chợ Lách, một chủ gà cho biết: “Gà trống giỏi thì con mái cũng phải hay, nếu không đổ ra gà nòi dở ẹt”.

Một năm Chợ Lách xuất 10.000 con gà đi các nơi thì trong đó qua Campuchia không dưới 300 con gà độ. Ở Chợ Lách có nhiều người đưa gà xuất khẩu nhưng anh Tầy là người “đi gà” nhiều nhất. Anh Tầy chìa cho chúng tôi xem passport rồi kể: “Trước đây xuất gà độ đi các tỉnh thành và qua Campuchia, người chuyển gà thường dùng xe honda chở theo 2-4 cặp. Khoảng 18-22 giờ khởi hành, đi đêm mệt người nhưng bù lại gà không mất sức. Thời gian đầu vận chuyển gà êm xuôi, sau này bọn xấu biết được gà độ là gà đắt tiền nên tập hợp băng nhóm 3 người trở lên dùng hung khí tấn công để cướp gà”.

Theo anh Tầy, đã có rất nhiều vụ vận chuyển gà sang Campuchia qua An Giang, Đồng Tháp... bị cướp khiến người nuôi gà bị tổn thất và mất uy tín với các “chủ trường” vì giao gà trễ. “Gà bị cướp là gà chiến, được tuyển chọn kỹ, nên kẻ xấu kêu bán dưới 2 triệu đồng/con là các tay chơi gà mua lẹ. Chủ gà nào cũng bị vài vụ cướp nên hoang mang. Lúc đó người nuôi gà mới họp nhau tìm cách khắc phục. Sau cùng họ mới bàn nhau hùn tiền thuê xe du lịch vận chuyển gà. Một chiếc 4 chỗ ngồi đi từ Bến Tre sang đất Campuchia khoảng 1 triệu đồng, như thế vừa an toàn vừa tiện lợi”, anh Tầy nói.

Gà Chợ Lách được các chủ trường gà Campuchia ưa chuộng vì gà đá hay, khi giao đấu bị đòn đau vẫn gan lỳ chống trả, không chạy hoảng như gà xứ khác. Những con gà chiến chủ trường gà xem dáng hình, màu lông, chân cẳng, đầu mỏ rất kỹ, họ coi gà đá xổ nhau thấy gà ra đòn đẹp, né giỏi mới ưng. Sau khi định giá gà, họ thanh toán tiền ngay và hẹn ngày giao gà đợt mới. Giao dịch nhiều, chủ trường gà thấy người giao gà uy tín cũng bao luôn tiền thuê xe chở gà.

Nghề chăm sóc gà

Anh Mai Hồng Thảo (ngụ ấp Đông Nam, xã Vinh Thành) là một “trùm” nuôi gà nòi lâu năm, mỗi năm cung cấp hàng trăm gà nòi cho các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu; kể cả TP.HCM và sang tận Campuchia.

“Việc nuôi gà nòi không phải cứ cho gà ăn, ngủ là được. Hằng ngày phải tắm rửa nước nóng, lau mặt, lau cánh cho gà mát. 5 giờ sáng đem gà ra hứng sương, 12 giờ đêm thức cho gà uống nước. Hằng ngày phải kiểm tra nếu thấy phân màu trắng xanh mới yên bụng gà không bị bệnh...”, anh Út Tầy, một “chủ gà” ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết.

Anh Thảo nói: “Nuôi gà kinh tế lắm nghen, nuôi dê, bò heo không bằng đâu. Có vài cặp mái tốt, trống dữ đổ ra bầy trống tơ bán không kịp”. Một con gà mái mẹ tốt giá không dưới 5 triệu đồng nhưng ít ai chịu bán. Anh Thảo nói hầu như chủ gà nào cũng phải thuê hàng xóm nuôi gà mẹ. Sau khi gà mẹ ấp, lứa gà con lớn lên thì chủ gà đến chọn gà trống con bắt về và thanh toán tiền công nuôi. “Việc này cũng phải tin cậy nhau nếu không người được thuê hám lợi giấu gà con, gà mái mẹ rồi chối biến gà bị trộm hay bị bệnh thì vừa mất tiền, còn mất lòng với láng giềng”, anh Thảo nói.

Đối với gà trống tơ, chủ gà thuê người nuôi dưỡng, khi gà được 10 tháng tuổi thì cho gà “đá xổ”. Nếu thấy đá “ngon lành” mới tính chuyện đưa đi bán. Theo anh Thảo, các chủ gà ở đây rất phục ông G., một người nuôi gà với công nghệ khép kín. Chuồng gà ông lúc nào cũng lúc nhúc hàng trăm con gà, trong đó có những con gà mái ông tuyển lựa rất kỹ. Các cặp “gà bố mẹ” tốt ai trả giá cao ông cũng không bán mà giữ lại đổ giống, khi gà tơ lớn lên mới tung ra thị trường.

Dường như gà đá luôn “bình ổn đầu ra” nên làng gà Chợ Lách lúc nào cũng nhộn nhịp. Anh Luyện, người đang chăm sóc bầy gà độ 20 con cho anh Tầy, nói một tháng anh được trả lương 1,5 triệu đồng. Công việc của anh Luyện là cho gà ăn, làm vệ sinh chuồng trại, tối ngủ ở trại canh trộm. Các chủ gà sợ nhất là nạn trộm, nên trại nào cũng nuôi 3-5 con chó dữ và có 2-3 người ngủ canh chừng. Ở Chợ Lách cũng có hàng trăm thanh niên có việc làm ổn định như Luyện từ nghề... chăm sóc gà.

Dân chơi gà có câu: “Nhất Chợ Lách, nhị Gò Công, tam Long An, tứ Đồng Tháp”. Những chủ gà Chợ Lách từ lâu đã đam mê và gắn kết với nghề này nên đến thời điểm hiện nay cũng chưa nghe thấy ai bị vướng vào nợ nần, tù tội vì chơi gà độ.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.