Khắc tinh của rắn độc

26/04/2009 00:08 GMT+7

Theo sổ sách ghi lại thì tính từ năm 1975 trở lại đây, ông đã điều trị cho hơn 5.000 người bị rắn độc cắn thoát khỏi cơn nguy kịch, mà không hề lấy tiền. Người có tấm lòng nhân ái đó chính là lương y Lê Khánh Gia, 60 tuổi, hiện ngụ ấp Tây, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Nghe đọc bài

Chỉ vì không có 5 đồng...

Lương y Khánh Gia kể: “Chuyện bắt đầu vào thế kỷ trước khi một người em của ông nội tôi chẳng may bị rắn độc cắn. Khi đưa bà đến thầy thuốc thì họ ra giá 5 đồng thời bấy giờ nhưng gia đình không có. Không còn cách nào khác, ông nội tôi đành phải đem bà về và đau xót nhìn người thân ra đi. Sau cú sốc lớn đó, ba tôi là Lê Bá Thoại có lời nguyền phải tìm thầy và học cho bằng được phương thuốc trị rắn cắn. Vậy là nghe đâu có thầy rắn giỏi thì ba tôi tìm tới. Sau nhiều năm phiêu bạt giang hồ, năm 1941 ba tôi trở về quê và mở phòng điều trị tại xã Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây bây giờ) với tâm nguyện bất kể bệnh nhân giàu, nghèo đều được chữa trị miễn phí”.

Nối nghiệp cha từ năm 1971, lương y Khánh Gia nói hồi đó có khi cả tháng chỉ điều trị vài ba trường hợp. Nhưng từ sau năm 1975, khi người dân tập trung về vùng nông thôn khai hoang, sản xuất, thì số người chẳng may bị rắn cắn ngày càng nhiều. Cụ thể như từ năm 2000 đến 2008, ông đã điều trị 1.758 trường hợp. Mấy năm gần đây ông được mời vào Bệnh viện đa khoa Gò Công Tây phụ trách điều trị rắn cắn bằng phương pháp gia truyền, mỗi trường hợp đều được lập hồ sơ bệnh án đầy đủ, nhưng chi phí thuốc men vẫn do gia đình ông đảm trách. Thông thường, với những thầy thuốc điều trị lấy tiền thì có người tìm cách lưu giữ bệnh nhân, nhưng theo quan niệm của ông thì rắn cắn là tai nạn. Vì vậy phải điều trị càng nhanh càng tốt, vì giữ càng lâu thì chi phí càng tăng. Thường mỗi ca điều trị từ 3 đến 6 tiếng đồng hồ. Nhưng cũng có những trường hợp nặng phải kéo dài đến 2 ngày mới khỏi hẳn.

Sau gần 40 năm trong nghề, lương y Khánh Gia nói hầu hết những người bị rắn cắn đều thuộc gia đình nghèo ở nông thôn. Họ là những người ban ngày làm không đủ ăn nên tối phải đi soi ếch, cắm câu, giăng lưới... Những năm trước ở nhiều vùng quê chưa có điện, khi ra đường, người dân xách chiếc đèn lồng tối om nên dễ thành nạn nhân của rắn độc. Nhưng đôi khi chỉ vì chén cơm manh áo, có người đã liều và bất chấp hiểm nguy.

Liều... vì chén cơm manh áo

 Đọc lại một số bệnh án còn lưu giữ tại Bệnh viện đa khoa Gò Công Tây, thật là khủng khiếp: Vào đêm 4.6.2008, anh Phạm Văn Bạch, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây, ra đồng soi cá thì gặp một con rắn hổ mang (còn gọi là hổ đất) bằng ngón chân cái. Thay vì bỏ chạy, anh đưa tay chộp... con rắn rồi bẻ sợi kẽm từ quai giỏ mang theo để may miệng nó lại. Do sơ suất, anh bị rắn cắn vào bàn tay. Sau khi chạy về nhà lấy dây vải buộc cổ tay, gia đình đưa anh tới chỗ lương y Khánh Gia và mang theo cả “hung thủ” đã bị may miệng. Lúc đó, nạn nhân trong tình trạng vật vã, mắt mờ, mạch nhanh, khó thở, cổ bị nghẹn, lưỡi bị đớ và miệng sùi bọt... Trường hợp này dân gian gọi là “thầy chạy”.

Theo lương y Khánh Gia: Nếu chẳng may bị rắn cắn thì trước tiên phải dùng dây buộc ga-rô cách từ 5-10 cm phía trên vết cắn. Tiếp theo là rửa vết thương bằng nước. Nếu có chanh, khế, rượu, giấm hoặc thuốc tím thì càng tốt. Trong trường hợp ở giữa đồng không có nước sạch thì dùng nước tiểu vẫn tốt hơn là nước ruộng bị nhiễm thuốc trừ sâu. Trên đường đi, nếu gặp cây có chất chua, chát, đắng như chòi mòi, bù ngót, búp ổi non, rau diệu, rau đắng đất... thì hái nhai nuốt nước và lấy xác đắp chỗ vết thương để giải độc một phần.
Ngay lập tức, lương y Khánh Gia cho nạn nhân thở ô-xy, uống xạ hương và thuốc cấp cứu do ông bào chế để giải độc, đồng thời tẩy rửa và đắp thuốc hủy nọc trực tiếp ở vết thương. Bệnh nhân được theo dõi diễn biến suốt từ 21 giờ tối đến 1 giờ sáng hôm sau thì qua cơn nguy hiểm rồi... xin về nhà. Giải thích về trường hợp quá “liều” này, lương y Khánh Gia cho rằng nếu bắt sống con rắn thì sẽ bán được vài trăm ngàn đồng một ký. Còn nếu đập trầy trụa rồi thì bán chẳng ai mua. Do vậy mà người nghèo đôi khi lại liều. Theo ông, nếu muốn bắt sống thì phải nhanh tay chụp vào đuôi rắn và quay vòng thật nhanh để cho con rắn bị giãn xương sống, đồng thời vật xuống đất cho nó bất tỉnh rồi mới bắt.

Hoặc như trường hợp anh Nguyễn Văn Mậu, ngụ xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Sáng ngày 7.10.2006, trong lúc đi thăm câu, gặp rắn hổ mây lai, anh bắt nhưng bị cắn thủng 5 dấu vào 2 ngón tay. Mặc dù đã tự sơ cứu bằng cách dùng miệng hút máu độc và nhai cỏ đắp vào vết thương, nhưng khi gia đình đưa đến (và mang theo cả con rắn bị đập) thì nạn nhân trong tình trạng khó thở, mắt mờ, nói khó nghe... và vết thương có màu bầm đen. Nhận định nạn nhân đã bị nọc độc thấm sâu vào cơ thể, lương y Khánh Gia điều trị bằng liều tấn công mạnh nhưng phải mất gần 6 giờ sau, sức khỏe nạn nhân mới dần ổn định.

Rồi trường hợp của chị Trần Thị Ngọc Điệp, ngụ ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây. Tối 21.12.2008, khi ra ngoài nhốt gà vào chuồng thì chị đạp phải rắn. Gia đình đã buộc dây ga-rô nhưng lại buộc không đúng cách. Khi gia đình đưa đến thì chị trong tình trạng rất nguy kịch: thở nhanh, mắt mờ, đồng tử giãn và nghẹn cổ họng... Sau khi xem xét vết thương, nhận định nạn nhân bị rắn hổ mang cắn, lương y Khánh Gia cho uống thuốc giải độc, đắp thuốc hủy nọc, đồng thời trợ tim, trợ hô hấp... thì sau đó nạn nhân hồi phục.

Kinh nghiệm cứu người

Với Đông y, theo ông Lê Khánh Gia thì mỗi thầy thuốc rắn đều có phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng theo ông, rắn lục cắn sẽ tác động tới đường máu, làm xuất huyết, tán huyết. Rắn hổ thì làm ức chế hệ thần kinh và tuần hoàn. Mức độ độc và vị trí cắn cũng khác nhau. Ví dụ bị cắn ở cổ tay hoặc cổ chân thì nọc độc phát tán chậm hơn trên đầu hoặc vùng cổ. Thời điểm cũng quan trọng. Chẳng hạn, với rắn hổ thì nguy hiểm nhất là từ 5 giờ chiều tới khoảng 10 giờ đêm, vì lúc này rắn chưa ăn mồi, hoạt động dữ dội nên dễ tiết ra nọc cực độc. Thậm chí như loài rắn nước vốn không độc, nhưng với người đau tim thì lo sợ sẽ dẫn đến trụy tim mạch, còn người đau gan thì không tự giải độc được.

Nhận xét về hiệu quả điều trị của lương y Lê Khánh Gia, BS Trần Sơn Lâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Gò Công Tây, nói: “Từ khi ông Khánh Gia vào làm việc tại khoa Y học cổ truyền của bệnh viện thì hầu hết những ca cấp cứu vì rắn độc bệnh viện không điều trị bằng Tây y mà chuyển hết cho ông. Rất ít những trường hợp phải chuyển lên tuyến trên, trừ những lúc ông vắng nhà hoặc nạn nhân được đưa tới quá muộn. Trước đây ông điều trị không có bệnh án nhưng sau này chúng tôi yêu cầu phải làm bệnh án để theo dõi. Mặc dù chưa có tổng kết, nhưng trong trường hợp rắn độc cắn, nếu nạn nhân không tử vong hoặc phải chuyển lên tuyến trên thì theo tôi đó là hiệu quả”.

Còn theo BS Nguyễn Hùng Vĩ, Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, thì: “Hiện nay chỉ mới có bệnh viện tỉnh được trang bị huyết thanh kháng rắn độc, còn tuyến huyện thì chưa. Nhưng theo tôi, điều trị rắn độc cắn bằng kinh nghiệm Đông y xưa nay có hiệu quả, nhưng không tuyệt đối. Riêng trường hợp của ông Lê Khánh Gia thì chúng tôi chưa có thông tin chính thức từ Bệnh viện Gò Công Tây”.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.