Lâm vào ngõ cụt

29/11/2008 11:02 GMT+7

Phần đông phụ nữ VN lấy chồng Đài Loan tuổi chỉ đôi mươi, học vấn thấp, vốn sống, hiểu biết không nhiều. Họ xem những cuộc hôn nhân mai mối không tình yêu như phương tiện đổi đời, giúp gia đình thoát khổ. Thế nên, khi hôn nhân lỡ làng, vì cuộc sống và vì tiền, họ dễ dàng sa ngã

Tối chủ nhật, chúng tôi đến Đào Viên và gặp một thanh niên tên Nam, quê Nghệ An, sang Đài Loan lao động hợp tác. Nam rủ chúng tôi đi nhậu. Anh ta nháy mắt: “Làm chút cho ấm người rồi đi nhảy cho vui. Mấy anh phải lòng em nào thì cứ việc “over night” luôn!”.

“Over night... 3.000 khoai”!

Đúng 24 giờ, chúng tôi đến sàn nhảy Thái OK. Nam cho biết khu vực này có 3 sàn nhảy, chủ đều người Thái Lan. Khách lui tới chủ yếu là lao động nước ngoài, nhiều nhất vẫn là người VN, trong đó có cả cô dâu Việt. Sàn nhảy Thái OK nằm ở tầng hầm của một tòa nhà cao tầng, rộng chừng 1.000 m2. Vừa thoát qua cửa chính, chúng tôi lọt thỏm vào giữa đám đông đang tưng bừng nhảy nhót theo tiếng nhạc giậm giật. Tôi giật mình vì có tới 2/3 các cô gái ở đây là người Việt, ăn mặc đủ kiểu khêu gợi, đang uốn éo với đám thanh niên lao động hợp tác.

Chưa uống hết một tuần bia, một lao động VN tên Tuấn đi cùng Nam đứng dậy, ra hiệu cho chúng tôi lên sàn nhảy. Tôi cũng lên nhún nhún, lắc lắc vài cái cho có rồi đi vòng sang bên kia sàn nhảy, nơi có 3 cô gái ăn mặc hở hang đang õng ẹo, ngả nghiêng. Vừa thấy tôi, một cô dáng thấp đậm đã lả lơi: “Anh yêu!”. Ngay lập tức, cô choàng tay bá cổ tôi, mắt lúng liếng. Tôi dọ hỏi: “Anh xỉn quá rồi. Giờ có chỗ ngả lưng chút thì sướng nhỉ...”. Cô gái càng bám riết lấy tôi: “Over night nhé, anh yêu, chỉ 3.000 khoai (tức 3.000 Đài tệ- PV), còn đi chút thì 1.500 khoai”. Tôi bảo để bàn với đám bạn, rồi quay lại chỗ Tuấn và Nam.

Trong tiếng nhạc ồn ào, Tuấn ghé sát tai tôi, nói: “Từ chỗ ly dị, bỏ chồng con ở nhà đi nhảy cho vui, nhiều em quen luôn cách sống tự do, buông thả, sẵn sàng qua đêm với bạn tình ở khách sạn”. Tuấn còn cho biết có cô còn dắt theo cả con vào sàn nhảy, để con ngồi một góc rồi vô tư nhảy nhót, múa may, rất khó coi.

Karaoke thác loạn

Ở TP Trung Lịch, một chủ doanh nghiệp lắp ráp điện tử người Đài Loan nói với tay phiên dịch mời chúng tôi đi “hát karaoke VN”. Người phiên dịch cho tôi biết tiệm karaoke này có rất đông cô dâu Việt đã ly dị chồng Đài Loan, đến đây xin làm tiếp viên. Chúng tôi vào một con đường nhỏ thuộc khu phố Bình Chấn, dừng trước một căn nhà đóng kín cửa. Lát sau, một phụ nữ trạc 40 tuổi là chủ tiệm karaoke bước ra niềm nở đón khách. Bà chủ nói nhanh với chúng tôi: “Mấy anh nói mình là người Thái hay Campuchia, Lào gì đó, đừng nói người Việt kẻo mấy em ngại”. Khi cánh cửa phòng vừa khép lại, trước mắt chúng tôi xuất hiện hơn chục cô gái ăn mặc cực kỳ hở hang.

Phòng hát karaoke rộng gần 20 m2, cách bố trí giống như ở VN. Vừa ngồi xuống ghế, các cô gái xinh đẹp nói giọng Nam Bộ ríu rít bắt chuyện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa. Chúng tôi giả vờ xì xào vài câu tiếng Anh, một cô bực bội quay sang nhóm bạn: “Mấy chả nói gì tao hiểu chết liền!”. Tiếng là đi hát karaoke nhưng khách vào đây chẳng ai hát. Ông chủ doanh nghiệp người Đài Loan móc bóp, “đổ xăng” cho mỗi cô 200 Đài tệ. Có “nhiên liệu”, các cô bắt đầu “quậy”, nhảy loạn cào cào, leo cả lên bàn múa may, uốn éo, tốc váy... đầy khiêu khích...

Cuộc vui chơi với bia bọt, tiền bo và múa may thác loạn cứ thế diễn ra. Cứ khoảng 5 phút, để không khí vui nhộn hơn, ông chủ người Đài Loan lại “đổ xăng” cho mỗi cô 100-200 Đài tệ. Khoảng một giờ sau, tôi cáo mệt, bảo về. Ông chủ doanh nghiệp người Đài Loan vẫn chưa muốn dừng cuộc vui, bảo chúng tôi cứ đi trước.

Rời phòng karaoke, trong lòng tôi đọng đầy cảm giác xót xa. Câu nói của bà chủ tiệm karaoke cứ văng vẳng bên tai tôi: “Mấy em này cũng đáng thương lắm. Tụi nó lỡ làng hôn nhân rồi cứ trượt dài, không vào đây cũng chẳng biết đi đâu nữa”...

Hạnh phúc, thành đạt

Trong bức tranh làm dâu xứ Đài đầy u ám - hệ lụy của những cuộc hôn nhân môi giới vội vã - có không ít mảng màu tươi tắn. Nhiều cô dâu Việt theo chồng sang Đài Loan đã tìm được hạnh phúc, vươn lên thành đạt. Theo ông Nguyễn Bá Cự, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế- Văn hóa VN tại Đài Bắc, khoảng 15% trong số 100.000 cô dâu VN tại Đài Loan hiện có đời sống kinh tế khá, 60% trung bình và 25% còn những khó khăn nhất định.

Trong lần tham quan Đài Tưởng niệm Trung Chính ở Đài Bắc, tôi gặp chị Lê Kim Mỹ, 35 tuổi, quê Cai Lậy - Tiền Giang, mang thai sắp đến ngày sinh, được người chồng Đài Loan dìu đi thăm cảnh. Chồng Mỹ - Lục Quán Văn, lớn hơn chị một tuổi - cười tươi: “Cô ấy giỏi lắm, chịu thương chịu khó nên tôi rất yêu thương”. Ở thị trấn Đài Phận, huyện Miêu Lật, tôi gặp chị Trần Thanh Trang, nhà ở quận 6 – TPHCM, lấy chồng Đài Loan năm 2001, có 2 con, hiện ở chung với mẹ chồng. Chồng Trang làm công nhân xây dựng, còn cô làm trong nhà máy. Trang tâm sự: “Thấy em chịu khó làm ăn, lo cho gia đình, nên làm được đồng nào là ảnh đưa cho em giữ. Dù không giàu có gì, thậm chí làm lụng còn cực nhọc hơn hồi ở VN, nhưng em rất hạnh phúc”.

Chị Mai Thụy Trinh, 37 tuổi, chủ quán ăn Đài Việt ở Trung Lịch, quê ở Bến Lức - Long An, đi hợp tác lao động và quen biết một người đàn ông Đài Loan lớn hơn 19 tuổi. Hai người kết hôn và 9 năm nay, từ hai bàn tay trắng, họ đã có nhà riêng, mở quán ăn, tiệm karaoke, sống dư dật, hạnh phúc. Trên đường Đại Đồng, phía sau ga Đào Viên, có một tiệm vàng cùng dịch vụ buôn bán điện thoại di động và cắt uốn tóc do chị Mộng Thắm, quê Ninh Kiều - Cần Thơ, làm chủ. Chị Thắm lấy chồng Đài Loan năm 2001. Vợ chồng đều nghèo, chăm chỉ làm lụng, tích cóp, đến nay đã có cơ ngơi vững vàng.

Ở Đào Viên có 2 cô dâu Việt được xem là thành đạt nhất trên đất Đài: Chị T.S, 28 tuổi, quê Đồng Nai, và chị Chương Thị Thanh Phương, 34 tuổi, ở Long Xuyên - An Giang. Cùng chồng chí thú làm ăn, cả hai đã mua được căn hộ chung cư cao cấp ở trung tâm TP, có công ăn việc làm ổn định. Chị Thanh Chương tâm sự: “Ở xa xứ có vô vàn cạm bẫy. Nếu lười biếng lao động, sống buông thả, không lo vun vén hạnh phúc gia đình, sẽ va vấp thất bại ngay”.

Theo Duy Quốc / NLĐ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.