Ra tay thu phục giang hồ - Kỳ 1: Thoát chết trong gang tấc

06/07/2009 00:23 GMT+7

Vào "hang cọp", xuất chiêu dẹp "loạn" ở ngã ba Cua Heo, trấn áp và thu phục hàng loạt giang hồ, đem sổ đỏ nhà mình thế chấp ngân hàng vay tiền làm kinh tế nuôi lực lượng dân phòng, tổ chức lớp học tình thương cho trẻ em nghèo... là những việc làm rất đáng nể của trung tá Võ Minh Thành - Trưởng công an phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Võ Minh Thành là người con của quê hương Bảo Vinh, Long Khánh, Đồng Nai. Năm 1982 anh vào ngành công an, công tác tại Công an thị xã Long Khánh khi mới 17 tuổi. Truyền thống cách mạng của gia đình đã hun đúc tinh thần và chí khí giúp Thành không ngừng phấn đấu trưởng thành để rồi 7 năm sau anh được cử giữ chức Phó công an xã Xuân Hòa.

Vào vai "bị kỷ luật"

Mới ba tháng sau khi nhậm chức, Thành cùng ba chiến sĩ an ninh huyện Xuân Lộc và công an tỉnh nhận "kỷ luật buộc thôi việc" để khoác vai lâm tặc vào rừng truy lùng bọn phản động.

Khi Thành xin làm lơ xe đạp thồ, Hạnh "cổ" - trùm thồ gỗ lậu - hỏi: "Sao phó công an xã mà ra nông nỗi này?". "Tại rượu và gái nó hành", Thành nói và đưa quyết định bị kỷ luật cho Hạnh "cổ" xem. Hạnh "cổ" tin và nhận Thành vào làm lơ.

Việc Thành "bị kỷ luật" gia đình rất buồn. Mẹ ruột anh la rầy "mày làm mất danh dự uy tín gia đình quá, tao ăn nói sao với bà con dòng họ". Mẹ nuôi thì động viên bảo "đi học nghề gì đó kiếm sống". Thành chỉ biết im lặng dạ vâng rồi lủi thủi cầm rựa vào rừng "đốn củi" cùng đồng đội. Mơ ước đi làm công an, được làm trinh sát hình sự thì oai lắm, Thành nghĩ. Và lúc này được làm trinh sát an ninh lần tìm dấu vết bọn phản động, anh thấy càng oách hơn. Thời điểm này đời sống còn rất khó khăn, sống ở rừng càng khổ. Thế nhưng tuổi trẻ nào quản chi gian khó, Thành cùng đồng đội quyết bám rừng, "săn" cho bằng được "con mồi".

Bốn anh em sống trong rừng ròng rã 6 tháng trời với công việc đốn củi, lơ xe thồ gỗ... đổ biết bao mồ hôi và gặp không ít nguy hiểm. Chuyện muỗi, vắt, rắn, rít cắn không sao tránh khỏi, nhưng nguy hiểm nhất là địa bàn này giáp rừng lá Bình Thuận, nơi bọn cướp có vũ trang thường xuyên hoạt động nên dân quân, du kích thường hay tuần tra đêm và nổ súng vào bất cứ sự nghi vấn nào.

Vào một đêm tháng 10, khi cơn mưa rừng vừa nhẹ hạt, lòng dạ bồn chồn không ngủ được, Thành cầm chai rượu bảo các chiến sĩ ra gốc cây uống rượu rồi mắc võng ngủ. "Khùng sao ra ngoài ngủ, muốn trúng gió hả?" - một chiến sĩ nói. "Tao nghe nóng ruột quá. Tao mà nóng ruột là có chuyện. Ngủ trong chòi cũng nguy hiểm lắm. Du kích mà nghi ngờ chuyện gì rồi xả súng vào là toi mạng như chơi". Nghe Thành nói, anh chiến sĩ giật mình rồi cùng đồng đội xách võng ra ngoài. Sau khi làm hết xị rượu với mấy cái lá rừng chua chua, bốn anh em mắc võng vào gốc cây ngủ. Nửa đêm, bất ngờ những loạt súng bắn xối xả vào căn chòi. Thành cùng đồng đội lập tức lăn xuống đất, nấp mình vào các gốc cây to tránh đạn. Thì ra, do nghe tiếng động của các chú chồn sau căn chòi, lực lượng du kích tưởng bọn cướp liền nã súng. Sau lần chết hụt ấy, anh em thường bảo Thành: "Nếu có nóng ruột thì nói để đề phòng nghe cha nội".

Gian nguy là vậy, song Thành và đồng đội vẫn không nản chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Khi thì dưới vỏ bọc lơ xe, khi thì đi làm quảng cáo trong nhóm sơn đông mãi võ, Thành cùng đồng đội đã nắm được nhiều tin tức về bọn phản động đang chui rúc trong rừng.

Đến tháng thứ 6 của hành trình đầy gian khổ nơi rừng thiêng nước độc, tổ công tác đặc biệt của anh đã lần ra nơi ẩn núp của tên Nguyễn Văn Tâm. Hắn đổi tên thành Nguyễn Văn Tám, sống trong một căn chòi sát bờ suối bằng nghề làm rừng và săn thú. Từ báo cáo của tổ trinh sát đặc biệt, các lực lượng phối hợp của công an tỉnh đã tổ chức bao vây, truy bắt tên Tâm và làm rõ vụ án.

Trị giang hồ, triệt phá băng nhóm...

Sau khi cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Thành được "phục hồi" chức Phó công an xã Xuân Hòa. Lúc này đồng đội càng nể phục anh hơn. Gia đình thì mừng vui khôn xiết. Hai người mẹ lại khóc nhưng là nước mắt của hạnh phúc sướng vui vì đứa con yêu đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong bữa cơm mừng Thành "phục chức", một người bạn thân hỏi Thành: "Sao không nói cho hai mẹ biết trước, để hai bà buồn tủi và trách oan?". "Đâu có được, nguyên tắc bí mật của ngành đâu cho phép - Thành nói - Hơn nữa tôi muốn dành cho hai bà sự bất ngờ thú vị để hai bà được hạnh phúc gấp bội. Mấy bữa nay hai bà sướng quá cứ khóc hoài đó thôi".

Khi Thành được tái nhận chức Phó công an xã cũng là lúc tình hình địa bàn ngày một phức tạp, đội ngũ công an xã vừa thiếu lại vừa yếu nên công tác giữ gìn an ninh trật tự rất khó khăn. Được sự lãnh đạo của cấp trên, Thành cùng ban chỉ huy tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền xã củng cố lực lượng công an xã, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, tình hình đã chuyển biến tích cực. Hàng loạt băng nhóm trộm cướp bị triệt phá, nhiều đối tượng bị truy nã từ các tỉnh trốn vào địa bàn đã bị quần chúng phát giác giúp công an bắt giữ.

Một kỷ niệm mà đến bây giờ Thành không thể nào quên là vào buổi sáng thi đấu bóng chuyền của xã, mọi người đang hào hứng vỗ tay tán thưởng những cú đập trời giáng của anh thì bất ngờ anh bỏ ra ngoài, lấy xe đạp đi. Các đồng chí lãnh đạo xã giữ lại hỏi: "Sao đang thi đấu bỏ đi ngang hông vậy cha?". "Có chuyện đột xuất", Thành nói rồi đạp xe phóng đi. Thì ra lúc ấy, nhận được ám hiệu về việc đối tượng truy nã Nguyễn Văn Nờ xuất hiện, anh biết ngay là hắn đang có mặt tại nhà cô bồ ở ấp 2. Anh cùng hai chiến sĩ lập tức đến nơi. Thành bước vào, tên Nờ đang ôm cô bồ ngủ trên tấm phản. Bị trói ngay lập tức, tên Nờ gân cổ cãi: "Các anh bắt nhầm. Tôi không phải Nờ". Nhưng khi Thành nói rõ hắn bị Công an Bình Thuận truy nã ngày tháng năm nào, về tội gì thì hắn cúi đầu chịu tội. Sau đó bốn tên khác là đồng bọn lần lượt bị bắt giữ. Chúng khai đã thực hiện gần 20 vụ trộm cướp ở Bình Thuận.

Vào thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bọn giang hồ quậy phá đánh nhau gây thương tích nổi lên gây bất ổn cho nhân dân, Thành cùng đồng đội phải hết sức vất vả mới dẹp được. Trong số những tay giang hồ có số má ấy có Nguyễn Văn S. là khét tiếng nhất. Phải trị được tên này thì những giang hồ khác mới chùn bước, Thành nghĩ và dựng lại toàn bộ hồ sơ các vụ việc S. đã gây ra. Sau khi có đầy đủ tài liệu chứng cứ, anh đề xuất cấp trên ra lệnh bắt cưỡng bức lao động đối với S. Quả nhiên sau khi S. đi cưỡng bức lao động, các giang hồ khác không dám quậy phá nữa, tình hình an ninh trật tự mới yên.

Nỗ lực của Thành không chỉ vực dậy một xã yếu về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc mà còn xây dựng công an xã đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng 2 năm liền 1989 - 1990. (Còn tiếp)

Phạm Thanh Nghị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.