Gần 100 cán bộ công nhân các Trạm Hải đăng ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn gan góc bám trạm, bám biển để thắp và giữ nguồn sáng đèn biển, soi tỏ vùng biển địa đầu ngày Xuân.
Trạm trưởng hải đăng Tiên Nữ Vũ Sĩ Lưu bên bàn thờ sáng mồng 1 Tết, tại hải đăng Tiên Nữ - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Xa gần Tiên Nữ
Trạm trưởng Hải đăng Đá Lát Vũ Sĩ Lưu, năm nay là lần thứ 15 đón Tết ngoài Trường Sa, nên cứ xuýt xoa: “So với cái Tết đầu tiên, tôi ra nhận công tác tại hải đăng Đá Tây vừa hoàn tất xây dựng và bàn giao quản lý sử dụng, năm 1994 thì đúng là 1 trời 1 vực” và lẩn mẩn: "Tết năm 1994, toàn chân ướt chân ráo ra Trường Sa. Điện đóm không có, thông tin liên lạc chỉ nhờ máy vô tuyến điện của bộ đội, biển thì động liên tục nên mấy ngày Tết, chỉ có duy nhất đĩa cá khô và mấy hộp thịt đặt lên bàn thờ, cũng mới làm vội bằng lon sữa bò, thùng gỗ. Cả trạm trồng được mấy chậu rau thì nâng như nâng trứng, cả đến khi đi ngủ cũng lịch kịch bê rau để sát giường, sợ bị gió táp hỏng…".
Trạm trưởng Hải đăng Tiên Nữ Vũ Sĩ Lưu kiểm tra thiết bị đảm bảo hoạt động của đèn biển - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Tết Bính Thân 2016 này, tàu tiếp tế Hải đăng 05 của Công ty Biển Đông và Hải đảo (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) chở hàng Tết cho các trạm hải đăng trên khắp quần đảo Trường Sa từ cuối tháng 12.2015, với cơ số hàng quà đầy đủ hơn các năm trước, từ quà của Bộ GTVT, tổng công ty, công ty cho đến những đơn vị ngoài như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Công nhân Lương Ngọc Sơn (Trạm hải đăng Tiên Nữ) với món tươi vừa đánh bắt, cho bữa ăn những ngày Tết - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Với Hải đăng Tiên Nữ, do đặc thù xa xôi nhất quần đảo (đứng chân cách xa điểm đóng quân của bộ đội cả chục km, chạy xuồng hơn nửa tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết tốt), thời tiết biển lại cực kỳ khắc nghiệt nên được ưu ái cấp cho 1 con heo hơn 20kg, 3 con gà sống và đầy đủ lá dong, đậu đỗ làm bánh chưng, rau củ quả… Khổ nỗi, cuối năm biển động, gió độc ù ù cuối năm nên 3 con gà dự định làm thịt cúng mấy ngày Tết, dù được chắn gió như… bà đẻ, cũng lăn ra chết và anh em phải làm thịt, chạy xuồng sang gửi tủ cấp đông của bộ đội.
“Trạm có mỗi tủ lạnh cũ nhỏ, điện lại phập phù nên không bảo quản nhiều đồ ăn” – Trạm trưởng Lưu cười vậy và khoe: “Ngày 28 Tết, trừ người trực, còn lại chạy xuồng sang điểm đóng quân của bộ đội đảo chìm Tiên Nữ cùng mổ lợn chia nhau, mang về làm Tất niên ở nhà mình. Rằm tháng Giêng, anh em bộ đội lại chạy xuồng sang mình mổ lợn. Có qua lại cùng nhau như vậy, mới là Tết”.
Trạm Hải đăng Đá Tây nhận quà Tết từ đất liền - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Trạm Hải đăng Tiên Nữ có 5 anh em đều là người Bắc, hầu hết đều đã có thâm niên cả chục năm đón Tết ngoài đảo, trừ cậu công nhân mới toe Lương Ngọc Sơn. Sơn sinh năm 1995, quê ở Quỳnh Phụ (Thái Bình). Học xong Trung cấp nghề GTVT Hải Phòng, vào làm việc tại Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông – Hải đảo, được cử ngay ra Hải đăng Trường Sa, cuối năm 2014. Tết Bính Thân 2016 là năm thứ 2 ăn Tết ngoài đảo xa nhà, Sơn vẫn nhớ khung cảnh vui vầy, ấm cúng của trại Tết thanh niên ở quê và kể rất thật: “Từ tối cho đến giao thừa, em phải nói chuyện điện thoại liên tục. Không chỉ bố mẹ gọi mà họ hàng bà con kéo đến thăm nom gia đình có con đang công tác ngoài Trường Sa. Hết động viên bố mẹ, lại gọi điện thoại hỏi thăm, mong em vững vàng làm nhiệm vụ ngoài đảo”.
Bộ đội và công nhân hải đăng đảo Tiên Nữ gói bánh chưng chiều 28 tháng Chạp - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Vất vả An Bang
Trạm Hải đăng An Bang nằm ở nơi gọi là "lò vôi thế kỷ" của quần đảo Trường Sa, quanh năm nắng như thiêu như đốt, sóng lừng rập rình và cả sóng cũng khô cong. Biên chế của Trạm Hải đăng đúng ra là 5 người, nhưng hiện tại chỉ có 3 anh em cùng canh giữ nguồn sáng.
Bộ đội và công nhân hải đăng trên đảo An Bang đổ dồn ra bãi cát, ngóng chờ tàu tiếp tế - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Trạm trưởng Đào Văn Tấn (sinh năm 1962, quê ở TP.Hải Phòng), đã có 22 năm gắn bó với Trường Sa, trong đó 15 năm ăn Tết ngoài đảo, cười nhè nhẹ: "Một người ngoài vườn rau, một người nấu bếp và một người trông máy. Tết nhất cứ lủi thủi vậy, chỉ đến bữa mới được ngồi nói chuyện với nhau" và rất thật: "Nói ăn Tết ngoài đảo, không tâm tư nhớ nhà là nói xạo. Là con người, ai chả nhớ người thân, nhất là những lúc thời khắc chuyển giao, trong bờ quây quần trong khi ngoài này mình cô độc giữa biển cả. Nhưng cái chính là vượt lên nỗi nhớ, nhớ nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ công nhân với đèn biển và tròn nghĩa vụ công dân với Tổ quốc, khi đã chấp nhận ra công tác ngoài đảo".
Đảo An Bang bé tý, Trạm hải đăng lại nằm ngoài rìa đảo, cứ biển động tý là sóng đánh lên ầm ầm, đi ngoài hiên nhà không khéo là dính sóng, quần áo ướt lép nhép. Tết năm nay đúng dịp biển động, sóng to gió lớn nên anh em công nhân phải tăng cường trực máy, đảm bảo nguồn sáng dẫn đường cho các con tàu ngang qua phía Nam quần đảo Trường Sa. "Thế nhưng cũng rảo đi thăm nhà nhau khắp đảo" - anh Tấn kể vậy và giải thích: "Thường thì anh em Hải đăng nấu ăn riêng, nhưng ngày Tết ăn chung với bộ đội trên đảo. Mấy ngày Tết, ngoài các hoạt động tập thể, còn kéo nhau sang các phân đội trên đảo thăm và mỗi phân đội - bộ phận, dù có nhiều ít anh em, vẫn gọi là nhà như trong đất liền".
Hậu phương lớn lo cho biển lớn
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam Phạm Quốc Súy vốn trưởng thành từ cơ sở, nên những ngày tết nhất, nỗi lo lớn nhất của ông là động viên anh em công nhân ngoài đảo xa, luồng lớn an tâm làm việc.
Lãnh đạo Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam thăm và tặng quà đầu Xuân cho các công nhân làm nhiệm vụ điều tiết luồng đường thủy - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Đặc thù của ngành Bảo đảm an toàn hàng hải là... không có Tết, do vẫn phải dẫn dắt tàu bè, giữ an toàn luồng lạch, điều tiết giao thông thủy và thắp sáng hải đăng, nên đa số cán bộ công nhân vẫn làm việc như ngày thường, thậm chí còn làm việc với cường độ cao hơn. Có lẽ vì thế mà thời điểm trước Tết vài tháng, Tổng Giám đốc Súy đã đôn đáo họp với Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo (đơn vị phụ trách 13 Trạm hải đăng ở Trường Sa và nhà giàn DK1) bàn chuyện lo Tết cho công nhân ngoài đảo, cẩn thận từ việc: Cấp phát cho mỗi trạm Hải đăng 1 con lợn, 3 con gà còn sống, cùng bánh chưng, gạo nếp, đỗ xanh, giò... cho đến việc thăm nom các gia đình của công nhân ngoài đảo.
Quà Tết đến từng trạm hải đăng Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Chu toàn vậy, nên trước Tết 2 tháng, tàu Hải Đăng 05 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo chở hàng Tết cho các Trạm Hải đăng ngoài Trường Sa, lặc lè như một cái chợ: Lợn gà kêu eng éc, quang quác; rau củ quả lá dong mướt mát, giò thịt đỗ lạc thơm nức suốt chuyến đi và thuyền trưởng Trần Văn Nga, tuy vất vả nhưng cứ cười suốt: "Không chỉ anh em ngoài đảo được lo đến tận răng, mà anh em thủy thủ tàu cũng được lãnh đạo xuống tận nơi động viên, chúc Tết".
Ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo thăm và tặng quà Tết cho gia đình các công nhân hải đăng đang làm nhiệm vụ ngoài Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Thế nhưng, cái sự lo lắng chu đáo nhất, ít nơi nào làm được là: Ngay từ giữa tháng Chạp, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hài Biển Đông và Hải đảo Nguyễn Duy Hiết cùng Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Đức Huy, tay xách nách mang quà Tết của công ty đến từng gia đình công nhân đang làm nhiệm vụ ngoài đảo, để động viên - thăm hỏi và chúc Tết, thay cho những người đang làm nhiệm vụ biển xa. Gần 30 công nhân ở khắp các địa phương trong cả nước, từ thị xã cho đến miền núi - miền biển được tìm đến, tính ra cả Giám đốc Hiết và Chủ tịch Công đoàn Huy mất toi nửa số phép năm và họ cũng chỉ chính thức được ăn Tết, khi kết thúc thăm nhà công nhân cuối cùng, vào 28 Tết.
Vừa đảm bảo an toàn hàng hải, cán bộ công nhân các trạm Hải đăng Trường Sa còn nâng cao cảnh giác bảo vệ trạm và chủ quyền biển đảo Tổ quốc - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Những người lính ở Trường Sa bảo: Công nhân hải đăng Trường Sa là những "chiến sĩ công nhân", bởi cũng phải đối mặt với mọi vất vả, thiếu thốn gian lao và sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ trạm, đảo như bộ đội. Mấy chục năm, bao thế hệ bám đèn bám đảo để thắp lên những nguồn sáng nhân đạo chỉ đường dẫn lối cho các con tàu đi qua vùng biển Trường Sa, rất nhiều mồ hôi - nước mắt và cả máu đã đổ xuống, cho những tia sáng hình rẻ quạt nhẫn nại dẫn đường từng đêm, nhưng họ không kêu ca, mà chỉ cười nhẹ: "Nhiệm vụ công nhân, nghĩa vụ công dân". Lý tưởng để sống, của những "chiến sĩ công nhân" hải đăng Trường Sa, chỉ đơn giản mà ấm lòng vậy, ngay trong những ngày Xuân mới...
Bình luận (0)