Trong một giai đoạn dài của lịch sử, vịnh Cam Ranh là nơi tập trung của nhiều cường quốc và từng được sử dụng làm quân cảng quan trọng vào loại bậc nhất khu vực tây Thái Bình Dương.
Chiến hạm chống ngầm Đô đốc Zakharov của Nga đậu trong vịnh Cam Ranh năm 1991 - Ảnh: V.K |
Theo Tự điển bách khoa Encyclopædia Britannica, Cam Ranh là cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á đồng thời nằm trong số 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới bên cạnh San Francisco (Mỹ) và Rio de Janéiro (Brazil).
Vịnh Cam Ranh có diện tích mặt nước hơn 100 km2, chỗ rộng nhất khoảng 6 km, ăn sâu vào nội địa chừng 12 km. Cửa biển tương đối hẹp, khoảng 3 km nhưng bù lại phần lớn vịnh có độ sâu từ 18 - 32 m, có khả năng đón nhận nhiều hạm đội cùng lúc, bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm.
Những ưu điểm quan trọng khác là Cam Ranh được bán đảo che chắn nên khá kín gió, là nơi trú bão tốt cho tàu thuyền và chỉ cách đường hàng hải quốc tế 1 giờ tàu biển, thủy triều đều đặn trong khi đáy vịnh gần như bằng phẳng, thuận tiện cho việc thả neo.
Về chiến lược, Cam Ranh có vị trí cực kỳ “đắc địa” dễ thủ khó công. Nếu đặt tên lửa tại vịnh và các điểm cao xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca đều nằm trong tầm ngắm. Từ Cam Ranh còn có thể triển khai hệ thống giám sát cũng như lực lượng khắp Thái Bình Dương lẫn Ấn Độ Dương.
Với những đặc tính trên, từ lâu vịnh Cam Ranh có vị trí cực kỳ quan trọng về quân sự. Theo nghiên cứu năm 2002 của 2 học giả Carl Thayer và Ian Storey, Hạm đội Baltic của đế quốc Nga do Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy từng ghé Cam Ranh vào năm 1905 để chuẩn bị trước trận hải chiến Tsushima với hải quân Nhật Bản.
Đến năm 1911, Pháp quyết định xây dựng một quân cảng ở vịnh Cam Ranh với chủ trương biến nơi đây thành cứ điểm lớn trong kế hoạch phòng thủ ở Đông Dương. Năm 1942, phát xít Nhật chiếm quân cảng Cam Ranh để làm bàn đạp chính tiến đánh Malaysia lẫn các thuộc địa của Anh, Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong chiến tranh VN, Cam Ranh là một trong những căn cứ quan trọng nhất của quân đội Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn. Theo tài liệu của Cơ quan Nghiên cứu lịch sử không quân Mỹ, ngày 10.6.1965, 4.000 công binh Mỹ đến Cam Ranh xây dựng căn cứ quân sự và sân bay Cam Ranh. Tháng 8.1965, 4.000 binh sĩ thuộc Lữ đoàn 1 Sư đoàn dù 101 theo chân và 2 tháng sau đến lượt Trung đoàn 30 Sư đoàn Bạch Mã Nam Triều Tiên.
Năm 1967, Cam Ranh trở thành trung tâm chỉ huy cho các hoạt động tuần dương trên không của hải quân Mỹ cũng như là địa điểm chính sửa chữa tàu chiến, cung cấp đạn dược, hậu cần cho Hạm đội 7. Cùng năm, lực lượng tuần duyên chuyển hẳn sở chỉ huy từ Sài Gòn ra Cam Ranh để giám sát Chiến dịch Market Time nhằm ngăn chặn quân giải phóng đổ bộ vào miền Nam. Vào cao điểm năm 1968, có tới 30.000 quân nhân Mỹ và đồng minh hiện diện tại Cam Ranh. Sau khi Mỹ rút quân năm 1973, căn cứ Cam Ranh trở thành cứ điểm quan trọng của không lực miền Nam VN cho đến khi được giải phóng vào ngày 3.4.1975.
Đến năm 1979, VN ký hợp đồng cho Liên Xô thuê Cam Ranh và nơi đây trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô bên ngoài lãnh thổ của liên bang. Ngoài vai trò cung cấp hậu cần cho tàu chiến hoạt động ở Biển Đông cũng như hỗ trợ thu thập tin tức tình báo, Cam Ranh có vị thế hết sức quan trọng đối với hải quân Liên Xô vì đây là căn cứ duy nhất của lực lượng này ở Thái Bình Dương không bị hạn chế tiếp cận do băng tuyết. Theo chuyên trang The National Interest, cho đến năm 1989, luôn có 20 tàu chiến, 6 tàu ngầm tấn công của Liên Xô hiện diện hằng ngày ở Cam Ranh cùng chiến đấu cơ MIG 23, oanh tạc cơ Tu-95 và máy bay giám sát biển Tu-142.
Năm 2002, khu liên hợp quân cảng Cam Ranh được trao trả cho VN và vào năm 2004, sân bay Cam Ranh được chuyển thành sân bay dân sự rồi được nâng cấp thành sân bay quốc tế vào năm 2007. Thông báo “mở cửa lại” Cam Ranh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố trong ngày bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Hà Nội (30.10.2010). Khi đó, Thủ tướng cho biết VN sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm.
Bình luận (0)