Chung cư chưa sổ hồng, nhà mua vi bằng đăng ký hộ khẩu ở đâu?

11/12/2022 14:45 GMT+7

Đại diện Công an TP.HCM giải đáp hàng loạt thắc mắc của người dân có nhà bị giải tỏa, nhà mua giấy tay, chung cư chưa sổ hồng về nơi đăng ký thường trú khi sổ hộ khẩu hết "sứ mệnh" vào ngày 31.12.2022.

Sáng 11.12, HĐND TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề "Đăng ký và quản lý cư trú", nhằm giải đáp thắc mắc của người dân khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31.12.2022.

Điều kiện đăng ký thường trú khi chung cư chưa có sổ hồng

Ông Nguyễn Văn Lượm, cử tri P.Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức nêu thực tế sau khi bị giải tỏa trắng thì không còn nơi cư trú nên con cháu ông không thể nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc học hành, bảo hiểm, y tế. Một số cử tri khác thì băn khoăn chung cư chưa cấp sổ hồng, hoặc mua nhà bằng giấy tay vi bằng thì có được đăng ký thường trú hay không, điều kiện gồm những gì?

Giải đáp những thắc mắc này, thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.HCM) cho biết theo luật Cư trú, chỗ ở hợp pháp là nơi sử dụng để sinh sống thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người dân, trong đó bao gồm nhà ở.

Nếu nhà đã giải tỏa trắng dẫn đến không còn chỗ ở hợp pháp thì sẽ không được giải quyết thủ tục đăng ký thường trú, kể cả trẻ em nhập sinh, sau khi kết hôn nhập hộ khẩu con dâu, con rể, hoặc kể cả đi tù về.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 - Công an TP.HCM) giải đáp thắc mắc về đăng ký thường trú, tạm trú

CHỤP MÀN HÌNH

Đối với các trường hợp này, bà Lãnh cho biết nếu nhà đã giải tỏa nhưng vẫn còn hộ khẩu thường trú thì công an vẫn mời làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip để thực hiện các giao dịch.

Nếu công dân được chủ sở hữu hợp pháp nơi ở mới cho đăng ký thường trú là nơi cho thuê, mượn, ở nhờ với điều kiện đảm bảo diện tích theo quy định (tối thiểu 8 m2 sàn/người), thì công an hướng dẫn đăng ký thường trú theo diện ở nhờ. Nếu không đủ điều kiện đăng ký thường trú vào nơi ở mới thì công an hướng dẫn người dân khai báo nơi ở hiện tại, sau đó cấp thông báo định danh cá nhân và xác nhận thông tin về cư trú để làm giao dịch hành chính thay thế sổ hộ khẩu.

Công an TP.HCM lưu ý với những trường hợp công dân vắng mặt tại địa phương từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú hoặc khai báo tạm vắng thì sẽ bị xóa hộ khẩu. Do đó, người dân có nhà thuộc diện giải tỏa nhanh chóng liên hệ công an để được hướng dẫn làm giấy tờ.

Đối với chung cư chưa cấp sổ hồng, thượng tá Lãnh hướng dẫn người dân sử dụng một trong 3 loại giấy tờ sau làm thường trú: hợp đồng mua bán nhà ở, giấy tờ chứng minh nhận nhà hoặc bàn giao nhà của chủ đầu tư, xác nhận của UBND cấp xã không tranh chấp về quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Người dân có thể đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc trực tiếp tại công an phường, xã nơi cư trú để đăng ký thường trú.

Trong trường hợp chưa đủ điều kiện nêu trên thì liên hệ công an phường, xã cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp giấy xác nhận mã số định danh cá nhân và thông báo thông tin cư trú (gọi tắt là CT07).

Cẩn trọng mua nhà giấy tay vi bằng

Đối với trường hợp mua nhà giấy tay hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận, thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết nếu người dân đã có sổ hộ khẩu thường trú nơi khác thì công an sẽ thu thập, cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó cấp mã số định danh cá nhân và làm CCCD gắn chip. Nếu chưa có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người dân khai phiếu thu thập thông tin cư trú, công an sẽ cấp mã số định danh và làm CCCD gắn chip.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết "sứ mệnh" từ tháng 1.2023

SỸ ĐÔNG

Những người dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì công an hướng dẫn khai báo nơi ở hiện tại và cấp thông báo định danh cá nhân và giấy thông báo thông tin về cư trú. “Đây là 2 loại giấy tờ có thể thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để giao dịch khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sau ngày 31.12.2022”, bà Lãnh nói.

Trao đổi thêm về mua bán nhà đất bằng giấy tay vi bằng, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Văn Vũ giải thích vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại chứng kiến và trực tiếp lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, là tài liệu để tòa xem xét chứng cứ, bằng chứng trong các vụ việc hành chính, dân sự. Vi bằng không được thay thế bởi văn bản công chứng, chứng thực hoặc văn bản hành chính khác. Do đó, việc mua bán vi bằng là không đúng quy định.

Sở Tư pháp khuyến cáo người dân khi thực hiện giao dịch mua bán tài sản nhà, đất thì liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức công chứng để công chứng hợp đồng mua bán theo đúng quy định pháp luật.

Nhập khẩu hay tách khẩu phải xin ý kiến chủ hộ

Trước lo ngại không biết ai đã nhập vào hoặc chuyển đi khỏi hộ khẩu của chủ hộ, thượng tá Hồ Thị Lãnh hướng dẫn chủ hộ muốn biết thông tin về nhân khẩu thì đề nghị công an cấp xã cấp thông tin về cư trú, trong đó sẽ hiện đầy đủ thông tin các thành viên trong hộ. Giấy tờ này có thể thay thế sổ hộ khẩu.

“Theo luật Cư trú, muốn nhập khẩu, tách khẩu thì phải được sự đồng ý của chủ hộ. Do đó, không thể có trường hợp thay đổi nhân khẩu vào trong hộ mà chủ hộ không biết”, thượng tá Lãnh khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.