HƯỞNG ỨNG THÁNG NHÂN ĐẠO QUỐC GIA 2023

Chuyên mục Lá lành đùm lá rách: Ủ ấm những mảnh đời bất hạnh

22/05/2023 00:00 GMT+7

Tính từ năm 2020 đến nay, chuyên mục Lá lành đùm lá rách đã đăng tải trên trang bạn đọc - Báo Thanh Niên gần 300 hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Với tình cảm yêu thương, bạn đọc khắp nơi đã đóng góp hơn 21 tỉ đồng giúp những gia đình, cá nhân rơi vào hoàn cảnh kém may mắn.

Những hoàn cảnh ấy, có khi đến với tòa soạn một cách tình cờ qua một lời nhắn day dứt trên mạng xã hội, có khi là phát hiện của PV Thanh Niên ở các vùng miền trên cả nước, đôi khi lại từ các cuộc tiếp xúc với bạn đọc tại phòng tiếp khách gần xa hay lá đơn cầu cứu gửi qua bưu điện… Tất cả, với tôn chỉ của những người làm báo, chúng tôi đã tiếp nhận với một chân tình chia sẻ.

Và khi đăng tải lên mặt báo, với nhiều hình thức khác nhau, bạn đọc Báo Thanh Niên luôn dang rộng vòng tay sẻ chia với những phận đời kém may mắn đó, giúp họ vượt qua bệnh tật nghèo khó, tai ương ập xuống hoặc hoạn nạn cấp kỳ… Mỗi ngày, khi theo dõi sự kết nối nhân văn này qua mục Những tấm lòng vàng để phản hồi trở lại cho bạn đọc biết, chúng tôi không khỏi dậy lên trong lòng sự cảm kích, xúc động đến tận cùng câu chuyện tình người.

Chuyên mục Lá lành đùm lá rách: Ủ ấm những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 1.

Một bài báo đăng trên chuyên mục Lá lành đùm lá rách - trang bạn đọc Báo Thanh Niên ngày 16.5 vừa qua

CHUNG TAY SẺ CHIA

Như mới đây thôi, sáng 18.5, chị Nguyễn Thị Thanh Diệu đã nhờ người nhà đến tòa soạn Báo Thanh Niên tại TP.HCM góp 500.000 đồng giúp cha con ông Trần Thanh Tâm (53 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, An Giang), nhân vật được đề cập trong bài Vợ qua đời sau sinh 3, chồng nuôi 6 con trong khốn khó đăng trên Thanh Niên ngày 16.5. Trước đó, hàng chục bạn đọc khác cũng sẻ chia với gia đình ông Tâm bằng hình thức chuyển khoản hoặc đóng góp trực tiếp, sau khi bài báo đăng.

Có thể nói, từ rất lâu, chuyên mục Lá lành đùm lá rách hiện diện trên Báo Thanh Niên với những bài viết về các hoàn cảnh thương tâm, mắc bệnh hiểm nghèo… cần sự giúp đỡ từ cộng đồng, đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc có tấm lòng thiện nguyện, cũng là chỗ dựa cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Và sự giúp đỡ cha con ông Tâm như nêu trên, là một trong số hàng trăm hoàn cảnh mà Thanh Niên đề cập trong thời gian qua, được bạn đọc khắp nơi chung tay sẻ chia, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Và chúng tôi biết, số tiền ấy là sự đồng cảm với nhiều cảnh ngộ rất thương tâm. Bởi, trong số bạn đọc ấy, có những em bé, cụ già, người buôn thúng bán bưng, chạy xe ôm nhưng cũng chắt chiu từng đồng để gửi đến những người nghèo khó, bất hạnh. Cũng hết sức tình cờ, chúng tôi mới biết được chút ít thông tin của những bạn đọc này, vì hầu như không ai chịu hé lộ về mình. Nhưng có một điều, chúng tôi rất hiểu là bạn đọc luôn dõi theo sự kết nối của tòa soạn, để xem những hoàn cảnh mà mình giúp đỡ nay sống ra sao, đã vượt qua kiếp sống cơ hàn hay chưa, được xuất viện về nhà chưa, hay vẫn còn loay hoay với sự túng bấn phải đối diện hằng ngày…

Chuyên mục Lá lành đùm lá rách: Ủ ấm những mảnh đời bất hạnh - Ảnh 2.

Ông Phạm Hoàng Tuấn thay mặt gia đình làm thủ tục đóng góp giúp anh Vỹ 100 triệu đồng chi phí mổ tim

BÙI CHIẾN

SỰ TIẾP SỨC CẤP KỲ

Còn nhớ, sáng sớm 12.3 năm ngoái, chúng tôi nhận cuộc điện thoại gọi tới tòa soạn tại TP.HCM của một người đàn ông. Người này cho biết đang ở P.Lái Thiêu, TP.Thuận An, Bình Dương, thay mặt anh em trong gia đình liên hệ tòa soạn để góp ít tiền giúp anh Nguyễn Ngọc Vỹ (38 tuổi, quê Bình Định) mổ tim. Chúng tôi hiểu ra ngay, vì anh Vỹ là nhân vật được đề cập trong bài Không có tiền để cứu chồng đăng trên chuyên mục Lá lành đùm lá rách của Thanh Niên ngày 1.3.2022. Rồi ông nói sẽ đến tòa soạn trong thời gian sớm nhất. Khoảng 1 giờ sau, người đàn ông ấy đi cùng em trai đến tòa soạn. Thuyết phục mãi, ông mới cho biết mình tên Phạm Hoàng Tuấn, mấy hôm trước gia đình ông đọc Báo Thanh Niên rất xúc động khi thấy anh Vỹ bị bệnh tim, cần 500 triệu đồng để mổ, nhưng anh và vợ đang làm thuê, làm mướn không có tiền. Rồi ông Tuấn lấy ra 100 triệu đồng và nói: "Thấy thương quá! Anh em chúng tôi chẳng giúp được gì nhiều, chỉ có chút ít này nhờ báo chuyển đến anh Vỹ, sẻ chia một phần kinh phí điều trị, mong anh sớm vượt qua bệnh tật, thành người khỏe mạnh để chăm lo cho con cái". Ngay sau đó, Báo Thanh Niên đã chuyển số tiền này đến chị Phạm Thị Phương Thanh (vợ anh Vỹ), để trang trải chi phí mổ tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ vậy, một thời gian sau, anh Vỹ xuất viện trở về nhà và sức khỏe dần hồi phục.

Hoặc mới đây thôi, một bạn đọc là chị Lộc liên hệ qua điện thoại với chúng tôi để tìm hiểu thêm hoàn cảnh cụ Ngô Thị Xuân, 71 tuổi, ngụ ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM, nhân vật trong bài Cụ bà bán hàng rong nuôi chồng bị tai biến và cháu nhỏ trên Thanh Niên ngày 21.3.2023. Sau khi biết cụ Xuân đang chăm sóc chồng là cụ Sìa tại bệnh viện, chị Lộc đã tới tận nơi thăm và trao 4,5 triệu đồng của chị, người thân và bạn bè, kịp thời giúp hai cụ vượt qua khó khăn…

Cứ như thế, trong hành trình làm nhịp cầu nối đến với người nghèo khó, Báo Thanh Niên luôn đón nhận sự tin yêu, sẻ chia từ bạn đọc, để trong hành trình bao năm qua, cùng nhau chung tay giúp những mảnh đời bất hạnh thoát khỏi bế tắc, nghịch cảnh. Đó có thể là một mái nhà sau một trận hỏa hoạn, là cơn đau dịu lại nhờ có kinh phí bạn đọc giúp đỡ, là sự vượt thoát qua cảnh ngặt nghèo khốn đốn hay chút học phí cho con cái tiếp tục được đến trường…

Tất cả tình cảm, nghĩa cử ấy của quý bạn đọc gần xa, Báo Thanh Niên luôn ghi nhận và hết sức trân quý, và một lần nữa, là người đón nhận và cập nhật mục Những tấm lòng vàng của bạn đọc trên số báo mỗi ngày, xin thay mặt cho những hoàn cảnh nghèo khó từng nhận giúp đỡ, được nói hai chữ tri ân tận đáy lòng! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.