Có còn cần bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn?

Đỗ Ngọc Thống
Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông - môn ngữ văn 2018
01/08/2023 19:54 GMT+7

Dư luận xã hội và báo chí dậy lên vấn đề bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT sau buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, SGK vào chiều 27.7 đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK "của bộ". Có đại biểu cho rằng vẫn cần phải có một bộ SGK do bộ biên soạn như quy định tại Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 của Quốc hội khoá XIII. Còn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thì đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK như Nghị quyết số 122 ngày 19.6.2020 của Quốc hội khoá XIV: "không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước".

Có còn cần bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn? - Ảnh 1.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thực hiện theo hướng một chương trình nhiều bộ SGK

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lý do yêu cầu có bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn

Năm 2014, tôi là một trong vài người trực tiếp chuẩn bị nội dung báo cáo của Chính Phủ do Bộ GD-ĐT khởi thảo để trình Quốc hội khóa X ra Nghị quyết 88/2014. Khi đó, một trong những vấn đề được bàn luận nhiều là SGK nên triển khai theo hướng xã hội hóa ngay hay vẫn do Bộ GD-ĐT biên soạn như trước đây. Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị nên theo hướng xã hội hóa luôn và ngay, Bộ GD-ĐT không nên đứng ra biên soạn một bộ sách. Lý do vì bộ đã biên soạn thì các nhà trường sẽ chỉ dùng bộ sách của bộ và như thế việc cạnh tranh sẽ không bình đẳng.

Cũng khi đó, ban soạn thảo có nêu ý kiến: Đúng là cần thiết phải tiến hành xã hội hóa việc biên soạn SGK, tuy nhiên khi đã xã hội hóa thì khó bắt buộc các tổ chức và cá nhân biên soạn tất cả các môn học. Nghĩa là có một số môn học như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, kỹ thuật... có thể không được biên soạn do yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh. Ngoài ra, cũng không có gì bảo đảm các bộ sách xã hội hóa biên soạn đúng tiến độ để kịp cho việc triển khai nghị quyết... Vì thế ban soạn thảo đề nghị: "Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn".

Có còn cần bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn? - Ảnh 2.

Năm học này học sinh các khối lớp 4, 8, 11 học theo chương trình, SGK mới

ĐÀO NGỌC THẠCH

Vì sao Bộ GD-ĐT không thể biên soạn bộ SGK?

Tuy nhiên, như mọi người biết, sau đó, do không lường hết được việc chuẩn bị đội ngũ tác giả SGK, việc tổ chức bộ sách của bộ trở nên bất khả thi do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết. Bộ GD-ĐT đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước (trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách này). Bộ cũng yêu cầu các đơn vị tham gia biên soạn SGK như Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Công ty VEPIC phải tổ chức biên soạn bộ SGK với đầy đủ các môn học và đúng tiến độ triển khai liên tục như Nghị quyết 88 đã đề ra.

Đồng thời chính Quốc hội cũng đã xem xét tình hình thực tế để có sự chỉ đạo, điều chỉnh bằng Nghị quyết số 122 của Quốc hội khoá XIV: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của luật Giáo dục số 43/2019/ QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó".

Cho đến thời điểm này, SGK của các lớp 5, 9 và 12 đã biên soạn xong, chuẩn bị thẩm định để thực hiện trong năm học tới. Không hiểu tại sao lại có ý kiến yêu cầu Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức biên soạn bộ sách của bộ như thời điểm ban đầu (2014).

Có còn cần bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT biên soạn? - Ảnh 3.

Việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 88 khi đã có nhiều bộ sách giáo khoa do nhiều tổ chức thực hiện

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bối cảnh thực tế không còn cần thiết có bộ SGK của Bộ GD-ĐT

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục biên soạn một bộ SGK là hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình.

Thứ nhất, các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.

Thứ hai, Nghị quyết 122 của chính Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước nữa.

Thứ ba, việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 88, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.

Thứ tư, nếu Bộ tiến hành biên soạn bộ sách của bộ thì phải làm lại từ đầu, bắt đầu từ lớp 1, nếu làm đồng loạt các cấp thì ít nhất phải mất 5 năm. Trong khi thực tế đã có đủ SGK cho tất cả các cấp lớp rồi. Bộ sách "của bộ" ra đời khi các trường đã dạy theo những bộ sách khác suốt 5 - 7 năm trời, bây giờ họ có sẵn sàng thay đổi không, nếu thay đổi thì giáo viên phải đi tập huấn lại, soạn lại giáo án chăng?

Thứ năm, không thể nghĩ đơn giản là chọn trong các bộ sách đã có để lấy một bộ sách làm sách của bộ được, vì mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định và việc đánh giá bộ nào hơn bộ nào là bất khả thi. Bộ GD-ĐT có dám cho giáo viên toàn quốc bỏ phiếu trực tiếp để chọn lấy một bộ sách từ mỗi môn học không? Mỗi môn học lại có 12 lớp, liệu có bộ nào có sách cả 12 năm đều có ưu điểm hơn hẳn các bộ sách khác không? Lại nữa, nếu năm này chọn sách bộ A nhưng sang lớp sau sách bộ B lại tốt hơn thì có chọn tiếp sách bộ A hay không? Nếu chọn mỗi sách một ít bài ghép lại thì lại càng không ổn vì mỗi sách có một tư tưởng sư phạm, một cấu trúc rất khác nhau dù cùng chung một chương trình. Hơn nữa, vấn đề bản quyền tác giả sách sẽ rất phức tạp…

Cuối cùng, yêu cầu có một bộ sách 'của bộ' vừa khiến Bộ GD-ĐT không làm đúng chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước; vừa tạo ra sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn và sử dụng SGK, làm tổn hại đến chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và của chính Quốc hội. Thay vào đó, chúng tôi nghĩ, nên tập trung xem xét, điều chỉnh và tổ chức tốt việc triển khai các bộ sách sao cho đúng hướng, đặc biệt cần chỉ đạo việc tổ chức dạy học và đánh giá, thi cử trong những năm tới sao cho hợp lý và có hiệu quả.

Những lý do khiến Bộ GD-ĐT không nên có bộ SGK riêng

Về mặt pháp lý, theo nghị quyết của Quốc hội, chương trình là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tài liệu để thầy cô giảng dạy và việc biên soạn SGK đều phải dựa vào chương trình khung của Bộ GD-ĐT đã được thống nhất. Vì vậy mỗi bộ sách, SGK có thể biên soạn, thể hiện nội dung, hình thức, bố cục trình bày khác nhau nhưng đều phải dựa trên một chương trình duy nhất, thống nhất của Bộ GD-ĐT. Chưa kể trước khi SGK được đưa vào giảng dạy, Bộ GD-ĐT đã thẩm định phê duyệt, cấp phép. Vậy nên Bộ GD-ĐT cũng không cần phải biên soạn riêng một bộ sách nữa làm gì vì vẫn không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về giảng dạy, xuất phát từ một chương trình có nhiều bộ SGK và SGK chỉ là tài liệu để giảng dạy theo yêu cầu mục tiêu cần đạt của chương trình mới 2018 nên khi soạn giảng thầy cô có thể tích hợp, trích dẫn, chọn lọc nội dung, kiến thức phù hợp ở các bộ sách, SGK khác nhau để giảng dạy. Vì vậy việc Bộ GD-ĐT có thêm một bộ SGK nữa cũng chỉ là thêm nhiều lựa chọn cho giáo viên để giảng dạy nhưng cũng sẽ khó khăn trong việc chọn một bộ SGK vì mỗi bộ sách có những thế mạnh, cái hay khác nhau.

Nguyễn Văn Lực

(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.