Cô gái khiếm thị vào sách kỷ lục nhờ hàng trăm huy chương bơi lội

06/07/2023 15:59 GMT+7

Sinh ra trong một gia đình nghèo, Nguyễn Thị Hảo không may bị khiếm thị bẩm sinh từ khi lọt lòng mẹ. Thế nhưng cô gái ở xóm Xuân, thôn An Điền, Nam Sách, Hải Dương đã trở thành một kình ngư trên đường đua xanh.

Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với nụ cười luôn nở trên môi và đôi mắt đen láy lấp lánh, nếu Nguyễn Thị Hảo không giới thiệu, chắc chắn mọi người sẽ khó nhận ra chị là người khiếm thị. Mang đến chương trình hàng trăm chiếc huy chương, Hảo bật mí rằng đây chỉ là một phần nhỏ trong bảng thành tích chinh phục đường đua xanh của mình. Chính bơi lội đã giúp chị mạnh mẽ vươn lên và tự tin đối mặt với những khiếm khuyết.

Cô gái khiếm thị giỏi bơi lội được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2005 và được sách kỷ lục Việt Nam xác lập là vận động viên khiếm thị đạt nhiều thành tích nhất ở môn bơi lội.

Cô gái khiếm thị giành được hàng trăm huy chương bơi lội - Ảnh 1.

Hành trình nỗ lực vượt qua mọi khó khăn được chị Hảo kể lại trong Trạm yêu thương, chủ đề “Vượt lên trên đường đua xanh” lúc 10 giờ ngày 8.7 trên kênh VTV1

VTV

Năm 1991, khi mới chào đời, Nguyễn Thị Hảo đã mắc phải căn bệnh khiếm thị bẩm sinh. Đến tuổi đi học, cô bé Hảo cũng khao khát được làm quen với con chữ như bạn bè cùng trang lứa. Thế nhưng sự khác biệt về thị lực, cộng thêm bị bạn bè trêu chọc nên Hảo dần thu mình, trở nên nhút nhát và tự ti.

Không đi học, Hảo chỉ quanh quẩn trong nhà, thi thoảng giúp bố mẹ công việc đồng áng. Năm 10 tuổi, thật may mắn, Hảo được hội Người mù tỉnh Hải Dương giúp đỡ và đưa về sống ở mái ấm Thiên Ân, TP.HCM. Một mình từ Hải Dương vào TP.HCM học, cô gái khiếm thị không khỏi lo lắng và buồn tủi. Thế nhưng chính điều đó giúp Hảo càng quyết tâm chăm chỉ học hành vì môi trường mới giúp những người như Hảo có thể học và làm được mọi việc như người bình thường.

Vốn hiền lành, nhút nhát, những ngày đầu học ở mái ấm Thiên Ân, Hảo vừa không biết bơi, vừa sợ nước. Trong một lần tình cờ theo các anh chị đi bơi tại hồ bơi Tân Bình, Hảo mon men học thử. Với các bạn chỉ 2 tuần là có thể bơi, còn Hảo mất tận 3 tháng.

Thế nhưng sau 6 tháng học bơi, thầy giáo nhận thấy Hảo không chỉ tiếp thu tốt mà còn bộc lộ năng khiếu và có những bước tiến rất nhanh, được xem là một thần đồng bơi lội.

Nhút nhát là thế, nhưng Hảo lại vô cùng say mê với môn bơi... Dù hạn chế về tầm nhìn đã khiến Hảo không ít lần húc đầu vào tường, có khi còn gẫy cả răng cửa... Nhưng tất cả những khó khăn ấy không làm Hảo giảm tình yêu bơi lội. Sau khi làm răng lại, Hảo tiếp tục học bơi như chưa có gì xảy ra.

Cô gái khiếm thị giành được hàng trăm huy chương bơi lội - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Hảo đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ trên hành trình chinh phục đường đua xanh

VTV

15 tuổi đã vào sách kỷ lục Việt Nam

Những tháng ngày miệt mài học bơi, cộng thêm nghị lực và sự quyết tâm của bản thân, năm 12 tuổi, Nguyễn Thị Hảo mang về tấm huy chương bạc ngay ở cuộc thi đầu tiên trong đời mình ở giải tiền Para Games 2003. Sau đó là những thành tích liên tiếp: phá 3 kỷ lục Para Games 2003, đoạt 3 huy chương vàng tại Para Games 2005, đoạt 3 huy chương vàng tại giải bơi lội toàn quốc 2005, 3 huy chương vàng giải bơi lội toàn quốc 2006... Ngay trong năm 2005, Hảo đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba…

Cần mẫn, kiên nhẫn và cẩn thận trong từng động tác tập luyện, những thành tích mà Nguyễn Thị Hảo đạt được ngày hôm nay là cả những năm tháng dài miệt mài ở bể bơi bất chấp khắc nghiệt của thời tiết: "Mỗi lần đặt chân trên đường đua xanh, mình như được sải đôi cánh tự do cùng làn nước, một thế giới đầy mê say". 15 tuổi, chị Hảo được sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) xác lập là vận động viên khiếm thị đạt nhiều thành tích nhất ở môn bơi lội.

"Môn bơi lội không chỉ giúp tôi vượt lên trên nỗi sợ nước của chính mình mà còn khiến bản thân tôi tự tin hơn trong cuộc sống. Những lần về quê chơi, thay vì tò mò về những khiếm khuyết hồi nhỏ, mọi người hỏi về những tấm huy chương khiến tôi rất vui và tự hào", chị Hảo tâm sự.

Thời điểm hiện tại, hàng ngày chị Nguyễn Thị Hảo vẫn tới hồ bơi, nhưng không phải để tập luyện cho những giải đấu mà trong vai trò một huấn luyện viên. Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Hảo mong muốn tiếp tục hành trình dạy bơi miễn phí cho các con em gia đình khiếm thị.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.