Nhớ một thời Messenger với… Yahoo

07/12/2015 11:52 GMT+7

Bây giờ thiên hạ toàn cầu chơi, học, làm, ăn và ngủ cùng Facebook. Người ta lậm cái đứa con của anh chàng tỉ phú mạng tuổi 30 Mark Zuckerberg tới mức hơn cả ghiền. Hiện tại, ít ai còn nhớ tới Yahoo Messenger.

Bây giờ thiên hạ toàn cầu chơi, học, làm, ăn và ngủ cùng Facebook. Người ta lậm cái đứa con của anh chàng tỉ phú mạng tuổi 30 Mark Zuckerberg tới mức hơn cả ghiền. Hiện tại, ít ai còn nhớ tới Yahoo Messenger.

Tình cảnh này chắc chắn làm đau lòng nhất là cho nhà Yahoo. Không phải chỉ có số lượng người dùng quá hớp (vào tháng 3.2015, Facebook đạt 1,44 tỉ người dùng hằng tháng), mà ngay cả tình yêu đắm đuối của người dùng dành cho mạng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới này cũng là những điều mà Yahoo hằng mơ ước.
Lẽ ra những thứ đó là thuộc về Yahoo, nơi đã tung ra bộ công cụ "tám chuyện liên lục địa online" Yahoo Messenger (YM) từ ngày 9.3.1998 (nghĩa là trước Facebook, ra đời ngày 4.2.2004, 6 năm). Hồi đó, YM với biểu tượng chiếc mặt cười hết cỡ cũng là dịch vụ chat online nổi tiếng nhất và được người dùng toàn cầu ưa chuộng.
Còn nhớ hồi cuối năm 2002, tòa soạn tạp chí e-CHIP vừa ra đời ở TP.HCM hầu như không bao giờ vắng cái màn hình YM. Các bạn ở bộ phận nội dung hay kinh doanh và văn phòng dùng YM để giữ liên lạc với các cộng tác viên, đối tác khắp trong và ngoài nước, và giữa tòa soạn với văn phòng ở Hà Nội. YM là một phương tiện thông tin liên lạc tức thì và không tốn tiền (chi phí internet là chuyện đương nhiên rồi). Tất cả mọi thứ mà người ta cần chỉ là một tài khoản Yahoo rồi lên mạng tải file cài đặt YM về máy tính để cài đặt và đăng ký sử dụng.

Có thể nói rằng vào thời điểm đầu thế kỷ 21 kéo dài tới gần một thập niên sau đó, YM là một trợ thủ đắc lực cho giới làm việc ở các văn phòng. Nó càng đặc biệt có giá trị giữa thời cước điện thoại đắt phỏng tai dộp miệng, nhất là thuộc hàng "khủng khiếp" với những cuộc gọi quốc tế.

Khi hỗ trợ thêm tính năng video call với web cam, YM càng trở nên đắc dụng. Một trong những món lợi hại của YM là dịch vụ Yahoo Chat với những phòng chat trực tuyến (online chat room) nói về đủ thứ chuyện trên đời được người dùng mở ra để tụ hội những người "cùng đài, cùng sóng" lại mà tám chuyện rất đồng điệu, tâm đầu ý hợp - dĩ nhiên cũng dẫn tới nhiều thứ "hợp" khác offine. Bị lây nhiễm nhiều nhất là những phòng chat kết bạn tâm tình, tìm bạn bốn phương.
Tuy nhiên, từ ngày 14.12.2012, tất cả các phòng chat công cộng YM đã bị Yahoo đóng cửa trong kế hoạch cải tiến thêm bớt những tính năng cho YM. Tôi nghĩ rằng cái kết cục của dịch vụ Yahoo Chat có một nguyên do lớn là Yahoo không thể nào quản lý nổi tính phức tạp và những mặt trái của những phòng chat công cộng giữa thời xã hội mạng ngày càng nhiễu nhương.

Nói thiệt là hồi đó dù biết tính hữu ích của YM nhưng phải rất lâu sau khi làm việc tại tòa soạn e-CHIP, tôi mới chịu cài YM vào máy tính của mình. Nhưng mặc dù cài đặt rồi, tôi chỉ mở YM mỗi khi cần liên lạc với ai đó. Lý do một phần là tôi làm biếng "tám bằng tay", nhưng cái chính là không muốn bị YM quấy rầy. Làm sao có thể tập trung được khi đang viết bài hay biên tập bản thảo hoặc tập trung tâm trí giải quyết một công việc nào đó thì đột ngột lại nghe vang lên tiếng chuông báo có tin nhắn mới hay có người muốn chat.
Facebook Messenger là một trong những ứng dụng khiến cho YM dần trôi vào quên lãng - Ảnh chụp màn hình
Cũng do hội chứng ghiền YM mà hồi đó đã có khá nhiều cơ quan, văn phòng ra quy định cấm nhân viên dùng YM trong giờ làm việc - ngoại trừ khi phải liên lạc với đối tác phục vụ công việc. YM cũng lấy mất nhiều giờ nhàn rỗi, kể cả giờ công lao động, của người ta. Cái chuyện này thì y chang Facebook bây giờ.

Ngày nay, YM có các ứng dụng hỗ trợ các hệ điều hành di động phổ dụng. Riêng bản cài đặt cho máy tính thì đã dừng lại ở phiên bản 11.5 hồi năm 2012. YM trở thành một ứng dụng web như Facebook mà người dùng chỉ cần nhập tài khoản Yahoo Mail vào là có thể xài. Các phiên bản di động vẫn được tiếp tục cập nhật (bản YM Android 2.0.2 cập nhật 4.12.2015, bản iOS 8.7.1 cập nhật ngày 17.11.2015).

Có thể nói rằng YM đã bị trúng đòn ngã ra giãy đành đạch bởi chính cái công nghệ di động. Thời hoàng kim của YM là lúc máy tính đang làm bá chủ, đồng thời internet và mạng di động chưa được phủ rộng khắp và trở nên phổ dụng như thời của Facebook. Bản thân YM cũng được phát triển cho máy tính, phải cài đặt vào máy mới xài được, chứ không phải là một dịch vụ hoàn toàn là giao diện web trên nền internet như Facebook. Tất nhiên, YM già nua và ít tiện ích hơn nhiều. Khai thác thế mạnh của công nghệ và internet, do người trẻ làm cho người trẻ xài, các mạng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter… hòa nhập ngay vào cộng đồng. Khi mạng di động và smartphone cùng các thiết bị di động khác trở thành những điều tất yếu của cuộc sống, các mạng xã hội như thế trở thành "người đương thời".

Thật ra, bản chất của YM và Facebook khác nhau. Tuy cũng đều dựa trên nền internet, nhưng YM là một công cụ thông tin liên lạc, còn Facebook là một mạng truyền thông xã hội, trong đó, thông tin liên lạc là một thuộc tính của nó.

Thôi thì ai cũng có một thời của mình mà nếu từng đạt tới hoàng kim đã là hạnh phúc và thành công lắm rồi. Cách đây gần 10 năm, hầu như máy tính nào cũng có YM. Trong gần 10 năm đổ lại đây, hầu hết thiết bị di động đều có Facebook. Có lẽ chỉ có những người làm việc từ cách đây 10 năm đổ về trước mới biết thế nào là YM. Bởi vậy, bây giờ khi sắp bước sang năm 2016, không biết tương lai Yahoo sẽ ra sao giữa thời các dịch vụ internet và các công ty công nghệ lớn nhỏ hết mua đi rồi bán lại như cơm bữa, tôi mới có chuyện ngồi hồi tưởng một thời cặp kè với YM ngày ấy chưa xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.