Những sai lầm nghiêm trọng khiến CEO Boeing mất chức

25/12/2019 18:29 GMT+7

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng 737 Max, CEO Dennis Muilenburg của Boeing đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Điều này khiến ông phải rời khỏi công ty vào đầu tuần này.

Các vấn đề của Boeing với 737 Max đã dẫn đến hai vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến 346 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, ước tính chi phí đền bù và thiệt hại lên tới hơn 10 tỉ USD. Tệ hơn, Boeing sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục danh tiếng sau sự cố thảm khốc này.
Muilenburg bị cách chức chủ tịch Boeing vào tháng 10, nhưng công ty vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng của ông. Tháng trước, David Calhoun - người tiếp quản vị trí CEO của Boeing vào tháng 1 tới - đã ca ngợi người tiền nhiệm và cho biết hội đồng quản trị Boeing cho rằng Muilenburg vẫn là nhà lãnh đạo phù hợp để đưa 737 Max trở lại thị trường.
Tuy nhiên, cuối cùng có vẻ như Calhoun, hội đồng quản trị Boeing và các khách hàng của họ đã mất kiên nhẫn với những sai lầm của Muilenburg. Hôm chủ nhật vừa rồi, lúc hội đồng quản trị Boeing quyết định sa thải Muilenburg, ông đã trở thành gương mặt “chịu trận” trước mọi vấn đề của công ty.
Theo nhà phân tích hàng không vũ trụ Cai von Rumohr, "tình hình tệ đến mức thay thế bằng người mới là sự lựa chọn duy nhất" của Boeing. Theo CNN, dưới đây là 3 sai lầm “chí mạng” khiến Dennis Muilenburg mất chức.

Sai lầm số 1: Đánh giá sai vấn đề của 737 Max

Phản ứng kém cỏi của Muilenburg đối với cuộc khủng hoảng ngay từ khi sự cố 737 Max vừa mới xuất hiện. Cụ thể, sau khi một chuyến bay của Lion Air 737 Max bị rơi vào tháng 10.2018, các dấu hiệu nhanh chóng xuất hiện đã chỉ ra rằng hệ thống an toàn để ngăn máy bay chốc đầu lên là một trong những yếu tố chính gây ra các vụ tai nạn. Theo đó, các cảm biến đặt trên máy bay sẽ tự động phát hiện khi máy bay đang ngẩng đầu lên và điều khiển máy bay chúc đầu xuống, tiếc là dữ liệu chúng cung cấp không chính xác đã dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm và một vài sự cố liên quan. Dù các phi công có thể hạ cánh ở một sự cố tương tự trước đó, nhưng vấn đề đã giúp các nhà điều tra sớm nhận ra nguyên nhân của vụ tai nạn.
Tuy nhiên, lúc đó, Muilenburg vẫn cho rằng cần đào tạo hệ thống tự động tốt hơn và tung ra một số bản cập nhật phần mềm nhỏ giúp khắc phục vấn đề. Thậm chí, ông không thèm khuyến cáo nên dừng bay để điều tra thêm.
Mãi đến khi có thêm một chiếc 737 Max của hãng hàng không Etopian Airlines bị rơi vào tháng 3, các cơ quan hàng không trên khắp thế giới mới cho ngừng bay dòng máy bay này. Nhưng Boeing đã hối thúc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho phép 737 Max tiếp tục hoạt động, với lý do công ty hoàn toàn tin tưởng vào độ an toàn của mẫu máy bay này. Họ cho rằng chỉ cần đào tạo thêm cho phi công một vài thao tác xử lý bổ sung và nghĩ rằng còn quá sớm để cấm bay. Cho đến khi nhiều sự thật về các vụ tai nạn liên quan đến 737 Max bị phơi bày, Muilenburg mới chịu thừa nhận đó là một sai lầm.
Cuộc điều tra sau các vụ tai nạn cũng cho thấy các đánh giá sai lầm của Boeing về vấn đề của 737 Max có thể đã diễn ra trước cả hai vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của hàng trăm hành khách và phi hành đoàn. Trong khi máy bay vẫn đang trong quá trình cấp chứng nhận, các phi công của Boeing đã gửi tin nhắn cho nhau để hỏi liệu hệ thống an toàn có hoạt động như dự định hay không. Một người tố giác Boeing gần đây đã đứng ra làm chứng trước quốc hội rằng, anh đã cố gắng cảnh báo lên cấp trên về vấn đề của dây chuyền sản xuất trước vụ tai nạn Lion Air và thêm một lần nữa trước vụ tai nạn ở Ethiopia, nhưng những cảnh báo và lo ngại của anh đều bị gạt đi.

Hàng loạt máy bay 737 Max tiếp tục được Boeing sản xuất và… đắp chiếu trong kho

Ảnh: CNN

Sai lầm thứ 2: Thiếu thời hạn cụ thể

Sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng, Boeing hứa sẽ có giải pháp "trong những tuần tới". Điều đó chứng tỏ họ rất lạc quan và đã bỏ lỡ mốc thời gian cụ thể để giành được sự chấp thuận của FAA, cấp phép cho 737 Max hoạt động trở lại.
Tệ hơn nữa, trong mắt khách hàng và nhà đầu tư của mình, Boeing dường như không mảy may để ý đến những rắc rối mà họ sẽ gặp phải sau khi được FAA cấp phép. Ngay trước khi quản trị viên FAA Stephen Dickson tuyên bố trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng này rằng, các máy bay 737 Max sẽ bị cấm bay vô thời hạn trong năm 2020, thì Boeing vẫn tiếp tục khẳng định máy bay của họ sẽ được cấp phép trước cuối năm nay.
Sự kiên nhẫn của khách hàng là có giới hạn. Như von Rumohr phân tích, “lần này thứ mà các hãng hàng không quan tâm là tiền, càng mất thời gian chờ đợi cấp phép thì họ càng có quyền mong được bồi thường”. Không có ví dụ nào rõ ràng hơn là mối quan hệ của Boeing với hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ. Dù hãng này sở hữu nhiều máy bay 737 Max đã được lắp ráp hoàn chỉnh hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhưng họ chưa có chiếc 737 Max nào cất cánh. Nói cách khác, các máy bay này nằm kho và hiệu quả kinh doanh là con số âm. Nên không có gì lạ, vào tháng 10 vừa qua CEO Gary Kelly cỏa Southwest Airlines cho biết ông đã khuyến cáo ban lãnh đạo nên nghiên cứu phương án mua máy bay của hãng khác, không phải của Boeing.

Sai lầm thứ 3: Ngừng sản xuất vô thời hạn

Richard Aboulafia, nhà phân tích hàng không vũ trụ của Teal Group cho biết, mối quan hệ của Boeing với FAA, Quốc hội Mỹ và các khách hàng (các hãng hàng không) đang bị sứt mẻ nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều người trong số họ công khai chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của Boeing.
Sai lầm cuối cùng đã xảy ra vào tuần trước, khi Boeing tuyên bố sẽ tạm thời ngừng sản xuất 737 Max vô thời hạn, một dấu hiệu cho thấy bản thân hãng cũng không thể dự đoán khi nào Max sẽ được cấp phép bay trở lại.
Quyết định đó tiếp tục minh chứng cho một vấn đề sẽ còn ám ảnh Boeing trong thời gian tới: Sự lạc quan thái quá của họ tiếp tục diễn ra ở công tác quản lý sản xuất máy bay. Công ty vẫn tiếp tục sản xuất 737 Max ngay trong quá trình bị cấm bay, dù ở công suất thấp hơn một chút. Nhưng họ lại không thể bán hay chuyển giao cho khách hàng bất kỳ một chiếc nào trong số đó vì vẫn đang bị FAA cấm bay.
Có vẻ như Boeing cực kỳ tham vọng về mốc thời gian 737 Max được cấp phép bay thương mại trở lại, nên họ vẫn tiếp tục sản xuất máy bay này và cho... cất kho.
Boeing cho biết họ sẽ không sa thải nhân viên, ít nhất là trong bối cảnh này. Nhưng họ lại không thể nói việc ngừng sản xuất sẽ kéo dài bao lâu và chi phí của sự cố này là bao nhiêu. Nếu không đưa ra một mốc thời gian cụ thể, các nhà cung cấp cũng không thể dự thảo kế hoạch ứng phó với việc ngừng sản xuất máy bay của Boeing. Đây là lúc các cơ quan xếp hạng tín dụng phải hạ tín nhiệm và hạn mức nợ của Boeing, với lý do mức độ không chắc chắn đã tăng lên đáng kể.
Nhà phân tích Aboulafia kết luận, "nếu có một ống thở oxy cuối cùng cho Boeing, đó sẽ là cách ngừng sản xuất mà không đưa ra nhiều lời giải thích hay kế hoạch cụ thể sắp tới". Có vẻ như tương lai phía trước của Boeing sẽ là những chuỗi ngày rất khó khăn, nếu họ không thay đổi ngay từ bây giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.