Từ thiện và tầm nhìn

Việc chúng ta làm từ thiện nhỏ lẻ hoặc có tổ chức quy củ nhưng không kết nối với chính quyền sẽ khiến những nguời cần trợ giúp trở nên bị động. Nguy hại hơn, nó khiến cho chính quyền quên đi nhiệm vụ của mình…

Trong chương trình 60 phút Mở về từ thiện cuả VTV, có mấy điều tôi muốn chia sẻ cùng mọi người.
Thứ nhất, dù rất thích các chủ đề của chương trình và cách tiếp cận dân chủ, cởi mở, tôi cho rằng định dạng lựa chọn hai cực tuy tạo ra hứng thú nhưng không phản ánh chính xác thực tế phức tạp của cuộc sống: "Làm từ thiện vì (a)- mình hay vì (b) - người", hay "Mạng xã hội là (a) không gian cá nhân hay (b) không gian công cộng". Cả hai lựa chọn về bản chất đều có tính khiên cưỡng, vì trong rất nhiều trường hợp, cả (a) và (b) đều đúng, hoặc đúng sai là tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Lấy ví dụ, mạng xã hội, 65% các công ty tuyển dụng khi mời các ứng viên xin việc đều kiểm tra mạng xã hội, vậy thì dù bạn có coi đó là không gian cá nhân, nó cũng vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống xã hội của bạn. Tương tự, làm từ thiện thì 100% có lý do vì đầu tiên là chính bản thân mình có ý nghĩ đó và lòng mình thôi thúc, sau đó mới đến kết quả của động cơ cá nhân đó ảnh hưởng thế nào đến người nhận.
Thứ hai, những nhân vật tham gia trong chương trình đó đều rất hay, nhưng thiếu. Bạn tôi khi xem rất ngạc nhiên vì nhắc đến từ thiện thì ở nước ngoài chủ yếu là các tổ chức có quy củ, có đăng ký, các quỹ có hệ thống liên giao, các ông bà tỉ phú giàu sụ như Bill Gates, và cả các cơ quan liên thông với chính quyền. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta thường chỉ nhắc đến các tổ chức nhỏ, hoạt động không có nhiều sự trợ giúp pháp lý hoặc hỗ trợ bài bản từ chính quyền, chú trọng vào cứu "lửa gần" như đói nghèo hay mất mùa dưa hấu. Trong danh sách từ thiện chúng ta thường nghĩ đến hoàn toàn vắng mặt các mạnh thường quân cùng các cơ quan nhà nước liên quan. Tôi xin nêu một ví dụ cụ thể, dù không trực tiếp đóng góp từ thiện, nhưng việc trích ngân sách để cứu trợ nước ngoài cắt thẳng vào tiền thuế, cao nhất là Thuỵ Điển (1% GDP), Hà Lan nơi tôi đang sống đứng thứ 4 (0,8%), Mỹ đứng thứ 21 (0,2%).
Từ ý trên, dẫn đến ý thứ ba là hiệu quả của từ thiện. Tôi xin chia làm mấy ý:
Các chương trình quy mô lớn
Tôi cũng nhận ra rằng hiệu quả từ thiện còn là "tầm nhìn". Nghe rất nhẫn tâm, nhưng nếu chúng ta nhìn rộng ra, câu hỏi sẽ là: Liệu chúng ta có sẵn sàng hy sinh 100 con sứa sẽ chết cạn hôm nay, dành công sức đó để nghĩ ra một phương pháp sẽ khiến cho hàng triệu triệu con sứa trong 10 năm tới không bị chết cạn?
Ngoài những trường hợp như thiên tai bất ngờ và chiến tranh, nguyên tắc hiệu quả của từ thiện từ khoảng 20 năm trở lại đây luôn là empowering - tức là giúp đỡ nguời khác nỗ lực tự thân vận động. Ngay cả những chương trình trợ giúp lớn cũng là nguyên nhân để châu Phi ngày càng kiệt quệ, trong đó bao gồm cả mất bản sắc văn hoá dân tộc, cũng là ý mà anh Đặng Hoàng Giang có nhắc đến. Một ví dụ điển hình là các bộ sách và gói sản phẩm giáo dục từ nước ngoài đều mang đậm nét văn hoá phương Tây, sau khi được tiếp nhận thì khiến dân bản xứ xa rời văn hoá cổ truyền, nhất là khi văn hoá đó là văn hoá truyền miệng không có chữ viết, học thuật gọi là neo-colonialism education. Đây cũng từng là đề tài làm nghiên cứu của tôi nên tôi rất đau đáu. Tôi thậm chí dành hẳn một chương để nói về việc giáo dục của các nước đang phát triển đang tiếp nhận các gói cứu trợ của Ngân Hàng thế giới về giáo dục với áp lực cải cách quá lớn nên có thể cuống quýt vơ vội những chương trình ăn sẵn của Tây mà quên đi nhu cầu cân bằng với văn hoá bản địa.
Nixon đã từng phát biểu: "The main purpose of American aid is not to help other nations but to help ourselves"- (Mục đích giúp đỡ của Mỹ không phải để giúp nước khác mà để giúp chính chúng ta". Cũng không nên hiểu rằng Mỹ hoàn toàn vụ lợi kiểu có qua có lại, đôi khi chỉ là việc giúp láng giềng Mexico phát triển thì kết quả là sẽ làm giảm thiểu các vấn đề về nhập cư trái phép qua biên giới Mỹ, rốt cuộc là Mỹ hưởng lợi từ việc giúp Mexico. Điều này chưa bao giờ đúng hơn trong thời đại toàn cầu hoá. Thảm hoạ ở bất kỳ nơi nào (Syria) nếu không có sự giúp đỡ kịp thời và hiệu quả của phương Tây thì kết quả là chính phương Tây sẽ gánh chịu hậu quả (khủng hoảng tị nạn hiện nay).
Các chương trình quy mô nhỏ
Về hiệu quả từ thiện nhỏ lẻ, rất nhiều thành phố tôi đi qua cảnh báo khách du lịch không cho tiền ăn xin, không cho kẹo trẻ con, không đem quần áo cho người địa phương. Nhiều diễn đàn quốc tế đã chỉ ra rằng các hành động từ thiện nhỏ lẻ thường có hại, như bộ phim Slumdog Millionair - Triệu phú ổ chuột, nơi chúng ta chứng kiến thảm cảnh hàng trăm nghìn trẻ con ở Ấn Độ bị bắt cóc hoặc mua bán mỗi năm để trở thành ăn xin chuyên nghiệp.
Trong một bài viết năm 2006, nhà báo người Anh Tim Harford đã chỉ ra rằng cái cách mà chúng ta đang trao tặng những món từ thiện nhỏ lẻ thường không có hiệu quả. Ví dụ, với ngân quỹ 10 triệu đồng, ta chia thành 4 phần cho 4 tổ chức khác nhau. Nhưng thực chất là cả 4 tổ chức ấy nhận được số tiền dàn trải sẽ chẳng làm gì cho nên hồn, trong khi tập trung lại cho một tổ chức thì kết quả sẽ ra tấm ra món và bền vững hơn.
Những năm trở lại đây, chúng ta có thêm một từ mới là voluntourism, tức là từ thiện được thiết kế trở thành một phần của du lịch. Đó là một bước tiến về nhân văn, nhưng đem lại không ít tranh cãi về hiệu quả. Câu chuyện của một nhóm các bạn trẻ xây thư viện cho một trại mồ côi ở Tanzania là một ví dụ. Ban ngày các bạn xây, khi đêm xuống, những người đàn ông địa phương lại gỡ ra, xây lại, và phải xây thật nhanh để sáng ra các bạn ấy không nhận thấy điều gì khác biệt và không bị mất mặt khi biết sự thật. Tất cả sự tốn kém khủng khiếp ấy được che giấu hoản hảo để ai rồi cũng vui, trại mồ côi có thư viện mới, có tiền để mua sách, và những bạn trẻ có tấm lòng tốt đó cảm thấy mình đã làm điều có ích. Bài học cay đắng rút ra là, hãy làm từ thiện với KỸ NĂNG chuyên nghiêp của mình để có hiệu quả tốt nhất. Nếu bạn là ca sĩ, bạn có thể tổ chức các đêm nhạc, nếu bạn là doanh nhân, hãy giúp nguời dân nắm bắt các cơ hội lập nghiệp.
 Các loại sách truyện đóng góp từ thiện tại trại trẻ mồ côi tại Nam Phi đã từng bị chỉ trích là góp phần bào mòn văn hoá bản đ̣ia - Ảnh: Phương Mai
Đại cục hay cá nhân?
Tôi từng gân cổ lên cãi nhau với rất nhiều người khi còn đang làm từ thiện ở Nam Phi. Tôi kể câu chuyện nổi tiếng: "Có một cậu bé cố sức ném những con sứa bị mắc cạn ra biển. Người ta bảo cậu dã tràng xe cát, vì có hàng triệu con mắc kẹt làm sao giúp hết. Cậu bèn trả lời: Nhưng con sứa mà tôi đang cầm trên tay đây thì sẽ sống".
Nhưng làm chưa được một tuần thì tôi bỏ chạy. Không phải vì tôi không chịu được khổ, không phải vì tôi không chịu được cảnh những đứa bé bị bỏ rơi, sống thiếu thốn. Tôi bỏ chạy vì bất ngờ hiểu rằng tại sao hơn sáu nghìn tỷ đô la đổ vào Phi châu bao năm qua không những không làm cho châu lục này gượng dậy được mà còn góp phần phá hoại văn hóa, làm thui chột tiềm năng kinh tế, biến người dân trở thành những kẻ ăn thừa chuyên nghiệp và biến chính phủ trở thành những kẻ ăn xin chuyên nghiệp. Các cô giáo ở trường học nơi tôi làm việc chỉ cần chờ tình nguyện viên đến là bỏ lớp ra ngoài ngồi hóng gió. Đồng tiền góp vào không thực sự có khả năng sinh sôi. Đúng là cho con cá chứ không cho cái cần câu. Họ nghèo vẫn hoàn nghèo, ngày càng nghèo hơn, đến mức không còn muốn tự đứng lên mà chỉ biết kể lể oán trách phương Tây vì những tháng ngày đô hộ xa xưa.
Việc không có sự tham gia và liên kết từ phía chính quyền sẽ khiến cho chính quyền dần dần ỷ lại vào các tổ chức dân sự trong việc cứu trợ, và quên đi đó là nhiệm vụ của chính họ. Bài học nhãn tiền là Ai Cập. Khi chính quyền Ai Cập không làm tốt các trọng trách xoá đói giảm nghèo, tổ chức bảo thủ Huynh Đệ Hồi giáo đã điền vào chỗ trống, dần dần thu phục lòng dân, và khi cơ hội đến tay thì nhận được sự ủng hộ của tầng lớp lao động, thắng cử trong sự bất ngờ của cả thế giới.
Có một đêm nằm dưới bầu trời Nam Phi đầy sao, bạn tôi, một người Phi da trắng tâm sự: “Mai à, châu lục này đang dở sống dở chết. Tôi nghĩ Mai đừng dốc tiền vào đây nữa. Tôi hy vọng phương Tây đừng dốc tiền vào đây nữa. Họ phải để nó tự lụn bại, tự tan tác, tự thiêu cháy hết cả ra. Rồi từ đống hoang phế ấy châu lục sẽ đứng lên bằng đôi chân mình. Như loài chim phượng hoàng, cùng kiệt của cuộc sống là nó tự thiêu cháy bản thân thành tro bụi. Để rồi trong tàn tro của chính cơ thể mình, con chim chúa sẽ hồi sinh.”
Mỗi tháng tôi thường dành một số tiền nhất định và tài khoản sẽ tự động chuyển nó đến tổ chức từ thiện tôi yêu cầu. Từ sau chuyến đi Nam Phi, số tiền đó tôi không gửi cho quỹ hỗ trợ đói nghèo ở châu Phi nữa mà mua một tài khoản ở KIVA, môt tổ chức chuyên giúp đỡ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ làm kinh tế. Có vay có trả, không cho không cái gì nữa. Không gửi quần áo đến nữa. Không mua kẹo phát bừa phứa nữa. Không cho ăn xin nữa. Để giúp đỡ thật lòng đôi khi con tim phải biết lạnh lùng đến như là vô cảm - (trích từ một chương trong sách "Tôi là một con lưà")
Tôi cũng nhận ra rằng hiệu quả từ thiện còn là "tầm nhìn". Nghe rất nhẫn tâm, nhưng nếu chúng ta nhìn rộng ra, câu hỏi sẽ là: Liệu chúng ta có sẵn sàng hy sinh 100 con sứa sẽ chết cạn hôm nay, dành công sức đó để nghĩ ra một phương pháp sẽ khiến cho hàng triệu triệu con sứa trong 10 năm tới không bị chết cạn?
Cho đến bây giờ thì câu trả lời tôi đang có là cả hai. Chúng ta cần một sự phối hợp giữa những tổ chức chuyên đi cứu "lửa gần", nhằm vào những triệu chứng của một căn bệnh, là bánh mỳ, là rau quả, gạo ăn, là cơm có thịt (cũng là nơi tôi tin tin tưởng trao tặng món tiền bán đấu giá một kỷ niệm gần đây). Nhưng cùng với việc đặt vào tay nguời nhận những món đồ thiết yếu đó, ai cũng phải luôn luôn ý thức được tiềm năng xấu của hành động cho - nhận khi nó đã trở thành thói quen chứ không phải nhu cầu cấp bách. Song song với những nhóm cứu hoả lửa gần, chúng ta đang thiếu, hay chính xác hơn là chương trình “60 phút Mở” đã thiếu sự đại diện của những tổ chức cứu trợ xã hội với ngân sách và hệ thống bài bản. Khi đó, chúng ta có thể căn vặn họ về năng lực của người làm chính sách, về khả năng ăn bớt hoặc tham nhũng của người thực hiện. Hơn hết, ta có thể chất vấn họ về tầm nhìn của các chương trình cứu trợ, về hiệu quả lâu dài của đồng tiền, về những di chứng mà lòng tốt có thể vô tình gây ra khi sự đớn đau ngay trước mắt khiến con tim dễ dàng tan chảy hơn là những con số khô khan nhưng chứa đựng đại hoạ.
Từ đây, tôi xin kết luận bằng một phản biện rất mạnh mẽ của TS Neil Levy. Việc chúng ta làm từ thiện nhỏ lẻ hoặc có tổ chức quy củ nhưng không kết nối với chính quyền sẽ khiến những nguời cần trợ giúp hoàn toàn trở nên bị động vào một mạng lưới tự phát không chính thống, không có hệ thống phân phối hài hoà, không có đầy đủ các số liệu thống kê cần thiết, không có sự trợ giúp pháp lý (như trường hợp chính quyền địa phương không cho chia sẻ 3.600 cây giò và bánh chưng). Tiếp theo và nguy hại hơn, việc không có sự tham gia và liên kết từ phía chính quyền sẽ khiến cho chính quyền dần dần ỷ lại vào các tổ chức dân sự trong việc cứu trợ, và quên đi đó là nhiệm vụ của chính họ ̣(như trong vụ mất muà dưa hấu hầu như các tình nguyện viên tự phát ra tay giúp bà tiêu thụ mà không có mấy nỗ lực có hệ thống và tầm nhìn từ chính quyền các cấp). Bài học nhãn tiền là Ai Cập. Khi chính quyền Ai Cập không làm tốt các trọng trách xoá đói giảm nghèo, tổ chức bảo thủ Huynh Đệ Hồi giáo đã điền vào chỗ trống, dần dần thu phục lòng dân, và khi cơ hội đến tay thì nhận được sự ủng hộ của tầng lớp lao động, thắng cử trong sự bất ngờ của cả thế giới.
Đừng quên câu nói được nhiều người cho là của Mạnh Tử: Nước lấy dân làm gốc, Dân lấy ăn làm trời (Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên). Sự ấm no của dân chúng luôn là điều quan trọng nhất để giữ một một xã hội ổn định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.