Tòa án không thu thập chứng cứ: Người yếu thế thiệt thòi ?

Cốt lõi ở năng lực thẩm phán và nền công vụ minh bạch

12/09/2023 07:30 GMT+7

Mấu chốt để có được sự công tâm, khách quan trong bản án là trình độ, đạo đức của thẩm phán và sự minh bạch của các cơ quan quản lý nhà nước - nơi lưu giữ chứng cứ, tài liệu; chứ không chỉ dừng lại ở câu chuyện bỏ hay không bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án.

Năng lực quyết định sự khách quan

Giải thích cho đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, TAND tối cao cho rằng sự thay đổi này sẽ giúp phán quyết của tòa án vô tư, khách quan hơn; bởi lẽ tòa thu thập chứng cứ rồi xét xử theo chính chứng cứ do mình thu thập có thể sẽ không khách quan, dễ định kiến hoặc xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác, gây có lợi hoặc bất lợi cho một bên nào đó. Nhận định này hoàn toàn đúng. Nhưng để ngăn chặn nguy cơ tiêu cực xảy ra, mấu chốt nằm ở năng lực của thẩm phán chứ không chỉ do quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

"Nếu thẩm phán là người "có tâm, có tầm", thực sự công minh, thì ở hoàn cảnh nào họ cũng sẽ công minh", luật sư (LS) Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng LS Bùi Đình Ứng, nhận định. Ông viện dẫn lập luận của TAND tối cao khi lo ngại nghĩa vụ thu thập chứng cứ sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong phán quyết của tòa, và cho rằng nếu trường hợp này xảy ra thì đó là lỗi của thẩm phán, tức yếu tố con người, chứ không phải do quy định pháp luật. Giải pháp cần đặt ra là phải nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của thẩm phán, để bảo đảm rằng họ luôn công tâm, độc lập; thay vì bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ.

Ngoài năng lực và đạo đức, để phán quyết của thẩm phán khách quan, họ cần đầy đủ cơ sở khoa học, tức là chứng cứ, để có thể đánh giá toàn diện vụ án. Theo LS Nguyễn Đại Hải - Công ty luật Fanci, việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án sẽ ảnh hưởng tới cơ sở khoa học ấy và chất lượng bản án mà tòa sẽ tuyên.

"Ví dụ như án hành chính, người bị kiện là cơ quan lưu giữ tài liệu, người khởi kiện dù đã chủ động tự thu thập nhưng không được nên phải nhờ tòa án, nếu tòa không còn nghĩa vụ này thì lấy ai thu thập những chứng cứ ấy. Và nếu không thu thập đầy đủ, triệt để chứng cứ, lấy gì đảm bảo cho phán quyết của thẩm phán là chính xác, khách quan?", LS Hải đặt vấn đề.

Ở chiều ngược lại, Th.S Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho rằng việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ sẽ giúp phán quyết của tòa vô tư hơn. Quá trình thu thập chứng cứ, thẩm phán ít nhiều bị ảnh hưởng suy nghĩ bởi những chứng cứ mình thu thập được, có thể gây ra định kiến (không bao gồm yếu tố tiêu cực) phải xét xử theo hướng mà chứng cứ mình đã thu thập.

"Khi anh quyết định khởi kiện hoặc đòi hỏi quyền lợi thì phải đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Tòa sẽ căn cứ vào đó để xem xét yêu cầu đó có hợp lý hay không. Vì thế, bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án là hợp lý", Th.S Tài nêu quan điểm.

Nâng cao sự minh bạch

Một lý do khác được TAND tối cao viện dẫn để đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, đó là giảm tải công việc cho tòa, nhất là các vụ án hành chính, dân sự. Thực tế, với số lượng vụ án ngày càng tăng, khối lượng công việc lớn, quá tải là điều khó tránh khỏi. Nhưng trong sự quá tải ấy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không ít trường hợp bất đắc dĩ đương sự mới tìm đến tòa.

Như chia sẻ của rất nhiều LS với Thanh Niên, việc đương sự tự thu thập chứng cứ, kể cả trường hợp có sự hỗ trợ của LS, không phải khi nào cũng dễ dàng, nhất là với án hành chính. Biện pháp tốt nhất được sử dụng khi bế tắc, chính là đề nghị tòa án đứng ra thu thập giúp. Nếu bãi bỏ nghĩa vụ của tòa án, khó sẽ càng thêm khó, như lời đại biểu Vũ Trọng Kim (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội): Đương sự yếu thế sẽ "thực sự kiệt quệ", thậm chí có người chấp nhận chịu thua luôn.

Muốn giảm tải công việc cho tòa án, cần gỡ vướng từ việc làm thế nào để đương sự ít "cầu cứu" đến tòa. Câu trả lời chính là nâng cao sự minh bạch của nền công vụ, tăng cường nhận thức và trách nhiệm của cơ quan nhà nước là các đơn vị nắm giữ tài liệu, chứng cứ giúp giải quyết vụ án.

Cần có thước đo để "hãm phanh"

Theo LS Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bắc Giang, Trưởng ban Đạo đức nghề nghiệp LS (Liên đoàn LS VN), đề xuất của TAND tối cao có thể khả thi trong tương lai, khi đã có các yếu tố cần và đủ. Còn hiện tại, có những trường hợp tòa án trực tiếp đề nghị cung cấp tài liệu, chứng cứ mà vẫn gặp khó khăn, nếu bãi bỏ nghĩa vụ này của tòa sẽ giống như "đẩy cái khó về phía người dân".

Thêm vào đó, với trình độ nhận thức pháp luật như hiện nay, người dân rất khó để tự mình thu thập toàn diện các chứng cứ. "Vụ án có khoảng 100 nguồn chứng cứ, nhưng người dân không đủ kiến thức để biết cái nào mới là nguồn chứng cứ. Vì nghĩ rằng cái nào cũng quan trọng, họ yêu cầu cung cấp 1.000 tài liệu thì phải làm sao, ai sẽ là người phán quyết yêu cầu đó là hợp lý hay không hợp lý? Hoặc một số trường hợp cố tình lạm dụng quyền yêu cầu cung cấp để đòi hỏi "vô tội vạ", xâm phạm đến bí mật đời tư người khác…", LS An lấy ví dụ, và cho rằng cần có thước đo để "hãm phanh" những rủi ro có thể xảy ra, thước đo ấy chính là tòa án.

Pháp luật tố tụng hiện quy định các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ khi đương sự yêu cầu, nhưng thực tế rất nhiều trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ theo yêu cầu của đương sự. Dù vậy, các chế tài đủ sức nặng để ngăn ngừa, xử lý hành vi này vẫn còn hạn chế.

LS Nguyễn Đại Hải kiến nghị cần có những biện pháp "mang tính quyền lực cao hơn", hoặc sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để kiểm soát việc tuân thủ nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, trường hợp vi phạm ngoài xử lý trách nhiệm còn phải bồi thường chẳng hạn. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần nghiên cứu các giải pháp, bao gồm áp dụng công nghệ để số hóa, công khai tài liệu (đúng quy định pháp luật), giúp đương sự dễ dàng tiếp cận, thu thập chứng cứ hơn.

"Bãi bỏ hay không bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ không quyết định toàn bộ việc giảm tải cho tòa án", LS Bùi Đình Ứng nhận định.

Lý do, một khi cơ quan nhà nước là nơi nắm giữ tài liệu, chứng cứ thực sự làm tốt nghĩa vụ cung cấp, tự khắc câu chuyện quá tải sẽ được giải quyết; đương sự thuận lợi trong việc tự thu thập chứng cứ, họ sẽ không phải nhờ đến tòa nữa. Ngược lại, nếu bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án mà sự minh bạch của nền công vụ không được nâng cao, đương sự (nhất là người yếu thế) sẽ càng gian nan hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.