CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn ban ngày, có người than 'tất niên uống 1 lon bị phạt cũng căng'

02/12/2023 09:38 GMT+7

Được CSGT TP.HCM mời đo nồng độ cồn ban ngày, có người không vi phạm nhưng cũng than 'khó khăn, lỡ đám tiệc tất niên uống 1 lon bị phạt cũng căng, quán xá kinh doanh cũng tội'.

Nằm trong kế hoạch tổng kiểm soát nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm từ nay đến tết, chiều 1.12, tổ công tác gồm Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cùng Đội CSGT - TT Công an Q.Bình Thạnh và Đội CSGT - TT Công an Q.Gò Vấp lập chốt đo nồng độ cồn trên địa bàn.

Với phương thức kiểm tra bằng máy đo nồng độ cồn định tính, không mất nhiều thời gian, tổ công tác đã kiểm tra ngẫu nhiên hàng trăm người đi xe máy, ô tô.

CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn ban ngày, có người than 'khó khăn, kinh doanh cũng tội' - Ảnh 1.

CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm từ 24.11 đến tết

Độc Lập

"Khó khăn quá"

Từ 12 giờ, tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn tại đoạn ngã 5 đài liệt sĩ (đường Nguyễn Xí giao Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh). Dù đã đo nồng độ cồn liên tục vào ban ngày gần cả tuần qua, nhưng người dân quanh khu vực và người đi đường vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy CSGT mời hàng loạt người tham gia giao thông thổi vào máy đo định tính.

‘Bay’ bạc triệu vì dính nồng độ cồn sau buổi tiệc thôi nôi

Từ 12 giờ - 15 giờ, CSGT không ghi nhận trường hợp vi phạm tại đây nên đã di chuyển đến giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. Nhiều người lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng hướng về sân bay Tân Sơn Nhất được mời kiểm tra.

CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn ban ngày, có người than 'khó khăn, kinh doanh cũng tội' - Ảnh 2.

Theo một số tổ công tác, số liệu vi phạm nồng độ cồn từ ngày CSGT ra quân tổng kiểm soát đến nay đang có xu hướng giảm. Cùng 1 chốt vào cùng thời điểm, ngày đầu ra quân ghi nhận tới 46 trường hợp vi phạm, nhưng sau 6 ngày còn 9 trường hợp

Độc Lập

Ông Bùi Xuân Quang (ngụ Q.12, TP.HCM) sau khi thổi nồng độ cồn xác định không vi phạm đã chia sẻ với PV rằng, việc CSGT đo nồng độ cồn ban ngày tốt mà cũng không tốt.

Ông nói: "Đo nồng độ cồn ban ngày thấy khó khăn quá. Lỡ có công việc gì uống 1 - 2 lon bia cũng bị phạt, quán xá kinh doanh mùa tất niên này cũng tội. Còn tốt là đỡ được các tình huống gây tai nạn do nồng độ cồn. Nếu tôi nhậu là tôi đi Grab chứ không đi xe, vì tôi dân ở đây, ngày đi qua đường này nhiều lần nên tôi biết CSGT làm thế nào mà. Chốt CSGT đo nồng độ cồn ban ngày mới có vài ngày gần đây, còn tối thì ngày nào cũng có".

Mỗi ca xử lý nồng độ cồn ban ngày bằng phương pháp máy đo định tính, CSGT có thể tổng kiểm soát hàng trăm trường hợp, ban đêm có thể hơn 1.000 trường hợp

Anh T. (ngụ TP.Thủ Đức) chia sẻ, anh không bất ngờ khi được CSGT mời đo nồng độ cồn ban ngày. "Tôi thấy vậy cũng tốt, quản lý được ai có cồn mà đang tham gia giao thông. Có cồn mà lái xe khó kiểm soát, khó xử lý tình huống. Việc tăng cường kiểm tra cả ngày cả đêm cũng có cái lợi và hại, nhưng cái hại tôi không tiện nói".

"4 anh em chưa hết 1 lít rượu, em thề luôn"

Trong ca trực, CSGT kiểm tra hàng trăm trường hợp và phát hiện 1 nam thanh niên tên T. (30 tuổi) chở theo bạn, cả 2 mắt đỏ au, lái xe loạng choạng và có dấu hiệu "né" CSGT bằng cách đi sát về phía ô tô.

Anh T. có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,315 mg/lit khí thở. Vừa đo xong kết quả, anh T. kè sát CSGT xin bỏ qua nhưng không được chấp thuận. Anh T. gọi điện thoại cho người thân trình bày, nhờ giúp đỡ vẫn không được. Sau đó, anh đọc thông tin cho CSGT lập biên bản nhưng ngại ngùng không ký.

Anh T. vi phạm nồng độ cồn sau buổi tiệc thôi nôi

Độc Lập

Xem nhanh 20h: Siết đo nồng độ cồn ban ngày: Những tình huống "khó đỡ"

CSGT đã giải thích về mức phạt, cách nhận lại xe, người vi phạm trình bày: "Em ở quê lên ăn thôi nôi cháu của bác ruột. 4 anh em cộng lại chưa hết 1 lít rượu, em thề luôn. Giờ xong em về quê sao em lên đóng phạt được". CSGT đã hướng dẫn anh T. cách làm giấy ủy quyền để nhờ người quen đóng phạt.

Với mức vi phạm này, theo Nghị định 100/2019 sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021, anh T. sẽ bị phạt 4,5 triệu đồng, tạm giữ xe tối đa 7 ngày, tước bằng lái 17 tháng.

CSGT TP.HCM đo nồng độ cồn ban ngày, có người than 'khó khăn, kinh doanh cũng tội' - Ảnh 5.

Một trường hợp kiểm tra phát hiện có ma túy trong cơ thể khi điều khiển xe

Vũ Phượng

Theo lãnh đạo một đội CSGT, vi phạm nồng độ cồn ban ngày phần lớn là người lao động, vi phạm cũng tập trung khá đông ở khu trung tâm với người vi phạm là nhân viên công sở. Không chỉ kiểm tra nồng độ cồn, các tổ công tác còn kiểm tra ma túy ngẫu nhiên một số trường hợp và đã phát hiện vi phạm.

Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn liên tục 24/7 này sẽ kéo dài đến tết, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kéo giảm các vụ tai nạn giao thông thương tâm do nồng độ cồn, chất kích thích gây ra. Từ ngày 24.11 đến 1.12, CSGT tổng kiểm soát hơn 45.400 trường hợp, lập biên bản xử lý gần 1.400 trường hợp vi phạm (48 ô tô, còn lại là xe máy). Trong đó, CSGT ghi nhận 2 trường hợp có ma túy trong cơ thể mà vẫn lái ô tô, 6 trường hợp có ma túy lái xe máy và 1 trường hợp người đi xe máy vừa có cồn vừa có ma túy.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.