Cuộc đua vũ khí tấn công chớp nhoáng - Kỳ 3: WU-14 đe dọa tàu sân bay Mỹ

21/08/2015 09:00 GMT+7

Trung Quốc đang hoàn thiện thiết bị WU-14 được cho có thể tiêu diệt tàu sân bay và vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.

Trung Quốc đang hoàn thiện thiết bị WU-14 được cho có thể tiêu diệt tàu sân bay và vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.

Ảnh phác họa ý tưởng thiết bị siêu thanh WU-14 của Trung Quốc - Ảnh: Defense Talk
Ảnh phác họa ý tưởng thiết bị siêu thanh WU-14 của Trung Quốc - Ảnh: Defense Talk
Cũng như Mỹ và Nga, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào chương trình chế tạo khí tài quân sự nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh với mục đích chọc thủng các lá chắn tên lửa tân tiến.
Hiện nước này đang tập trung phát triển thiết bị bay mang tên WU-14, được cho là có thể đóng vai trò như vũ khí độc lập lẫn giúp tăng tốc độ cho các loại tên lửa.
Đường bay khó đoán
Sau lần thử nghiệm WU-14 đầu tiên hồi tháng 3.2014, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố: “Cuộc thử nghiệm được tiến hành hợp pháp trên lãnh thổ Trung Quốc nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học và không nhằm vào quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào”.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin tình báo Mỹ, đây là một loại vũ khí chiến lược công nghệ cao có khả năng mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân trong lúc di chuyển trong không gian với vận tốc tối đa được kỳ vọng đạt đến Mach 10 (gấp 10 lần vận tốc âm thanh, tức khoảng 12.359 km/giờ).
Hồi tháng 6, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm lần thứ 4 tại một bãi thử ở miền tây nước này. Điểm khác biệt chính so với 3 lần thử trước đó là WU-14 đã thể hiện khả năng thay đổi đường bay cực kỳ linh hoạt, nhờ đó tránh được radar và tên lửa đánh chặn, trang tin The Washington Free Beacon dẫn nguồn tình báo Mỹ cho hay.
Cơ chế hoạt động của Wu-14 cũng tương tự các thiết bị bay bội siêu thanh khác là được một động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa mang lên độ cao nhất định trong không gian rồi tự động tách ra để lao trở lại mặt đất. Trong giai đoạn lướt siêu tốc này, sự di chuyển lắt léo của WU-14 không chỉ giúp xuyên qua các hệ thống lá chắn mà còn được cho là sẽ mở rộng thêm tầm bay.
Nhằm vào tàu sân bay
Không chỉ tự mang đầu đạn, WU-14 còn có thể được gắn vào các tên lửa đạn đạo để giúp tăng tốc độ và tầm bắn, theo “quảng cáo” của truyền thông Trung Quốc. Từ thông tin này, chuyên san Popular Science (Mỹ) đề cập viễn cảnh tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 trang bị thêm WU-14 sẽ có thể tấn công lãnh thổ Mỹ trong vòng chưa tới 1 giờ.
Cụ thể, nếu được phóng tại Thượng Hải, tên lửa sẽ bắn trúng San Francisco sau khoảng 50 phút.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định khả năng này không cao vì nhằm trực diện vào lãnh thổ Mỹ hiện không phải là nhu cầu chiến lược của Trung Quốc. Trong khi đó, nước này đang tăng cường tranh chấp chủ quyền, tiến hành nhiều hành động phi pháp trên biển để xây dựng khả năng khống chế các vùng biển xung quanh. Vì thế, Trung Quốc rất lo ngại việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực và nhiều khả năng là WU-14 sẽ được trang bị cho tên lửa tầm trung DF-21 chuyên đối phó tàu sân bay.
“Tôi cho rằng khả năng WU-14 được dùng chống hạm hoặc cho các mục đích chiến thuật khác lớn hơn viễn cảnh nhằm vào các thành phố của Mỹ. Một thiết bị bội siêu thanh có thể giúp giải quyết những khó khăn mà tên lửa gặp phải khi tấn công các mục tiêu ứng biến tốt”, chuyên gia Dean Cheng thuộc Tổ chức Heritage Foundation (Mỹ) nhận định trên Popular Science. Ý kiến này càng được củng cố khi chuyên gia quân sự Trần Hổ của Trung Quốc từng nói thẳng trên Đài CCTV là khi được hoàn thiện, WU-14 có thể “tấn công tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu”.
Tuy nhiên, chuyên san Aviation Week cho rằng quá trình phát triển thiết bị siêu thanh chống hạm sẽ mất tới 20 năm do nhiều thách thức về kỹ thuật. Trung Quốc đến nay vẫn giữ kín các thông tin về kết quả thử nghiệm WU-14 nên cũng khó biết nước này đã đạt bước tiến đến đâu, nhưng đa phần chuyên gia quốc tế lâu nay đều nhìn những khí tài quân sự tự phát triển của Bắc Kinh bằng con mắt không mấy tin tưởng.
Mặt khác, tuy thừa nhận luôn theo dõi kỹ lưỡng các diễn biến xung quanh WU-14 nhưng Mỹ cũng tìm cách giảm nhẹ ý nghĩa của nó. Năm 2014, Đô đốc Samuel Locklear, khi đó còn là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố thiết bị bội siêu thanh của Trung Quốc chỉ là một trong rất nhiều thứ cần xem xét về các viễn cảnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.