Cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL chia sẻ 12 quy tắc lãnh đạo

29/04/2016 08:25 GMT+7

Sự mạnh mẽ, quyết đoán, thái độ cứng rắn trong cách giải quyết, trừng phạt những biểu hiện, hành vi tiêu cực là yêu cầu tất yếu của người chỉ huy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý cách ứng xử để mọi người cảm thấy thoải mái...

Jocko Willink, cựu chỉ huy lực lượng thuộc đội đặc nhiệm SEAL Team 3 của Mỹ, đã chia sẻ với Business Insider 12 quy tắc để có thể trở thành người chỉ huy thành công, lãnh đạo giỏi.
Luôn biết cách lắng nghe
Người chỉ huy giỏi không chỉ đơn thuần có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng cho mọi người. Đôi khi, cần biết cách bỏ qua cái tôi cá nhân để lắng nghe, tiếp thu những sáng kiến, quan điểm của cấp dưới nhằm phục vụ lợi ích chung.
Cứng rắn nhưng đừng độc đoán
Sự mạnh mẽ, quyết đoán, thái độ cứng rắn trong cách giải quyết, trừng phạt những biểu hiện, hành vi tiêu cực là yêu cầu tất yếu của người chỉ huy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý cách ứng xử để mọi người đều có thể cảm thấy thoải mái, được tôn trọng khi tiếp cận, trao đổi với bạn.
Cần mạnh mẽ, quyết liệt nhưng không độc đoán - Ảnh: Shutterstock
Kiểm soát cảm xúc nhưng đừng cứng nhắc
Cấp dưới chắc chắn sẽ không thể dành sự tôn trọng cho người chỉ huy thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, đôi khi, thể hiện thái độ tức giận, thất vọng, buồn bã... hợp lý và đúng lúc sẽ khiến người khác cảm thấy bạn gần gũi, gắn bó với tập thể.
Tự tin nhưng đừng vênh váo
Người chỉ huy tự tin có thể truyền cảm hứng thành công cho cấp dưới, trong khi thái độ vênh váo, kiêu ngạo dễ làm chúng ta chủ quan, khiến người khác khó chịu, gây nguy hại đến hoạt động chung của tập thể.
Dũng cảm nhưng đừng dại dột
Người lãnh đạo giỏi luôn cần sự dũng cảm, nhưng không nên vì vậy mà cứng nhắc, chần chừ, “cố đấm ăn xôi”. Thay vào đó, cần cân nhắc, tính toán thật quyết đoán để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ có thể xảy ra cho tập thể khi đưa ra quyết định.
Có tinh thần cạnh tranh, nhưng nhã nhặn khi thất bại
Người chỉ huy giỏi luôn đặt mục tiêu vì lợi ích chung, đưa tập thể đi đến thành công. Tuy nhiên, cũng cần học cách làm chủ thất bại, có thái độ khiêm tốn, nhã nhặn; biết nhìn nhận những điểm tích cực, đúc kết kinh nghiệm từ những lần vấp ngã.
Chú ý đến những chi tiết nhỏ, nhưng đừng bỏ qua bức tranh lớn
Những chi tiết tưởng chừng nhỏ bé, vụn vặt đôi khi lại đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thành công chung của tập thể. Do đó, người làm lãnh đạo cần đảm bảo cấp dưới luôn có trách nhiệm với bổn phận riêng, mặt khác không quên theo dõi, kiểm soát bức tranh tổng thể.
Kiên quyết nhưng cũng cần đặt ra các giới hạn
Xác định được giới hạn của bản thân cũng như các thành viên khác trong tập thể rất quan trọng - Ảnh: Shutterstock
Người làm lãnh đạo phải có thái độ mạnh mẽ, quyết liệt, luôn cố gắng thúc đẩy tập thể tiến về phía trước. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến các giới hạn về thể chất, tinh thần của bản thân và cả cấp dưới để hạn chế cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hết mục tiêu phấn đấu...
Khiêm tốn nhưng đừng tự ti
Nếu muốn dẫn dắt một đội ngũ gồm nhiều người, bạn cần có thái độ khiêm tốn, cầu tiến; biết cách kiểm soát cái tôi cá nhân nhưng đồng thời phải mạnh mẽ, luôn đứng lên đấu tranh chống lại bất công, bảo vệ quyền lợi chung của tập thể.
Gần gũi nhưng đừng suồng sã với cấp dưới
Người lãnh đạo giỏi phải biết cách gần gũi, thân thiện, xây dựng mối quan hệ tích cực, luôn đối xử công bằng trong tập thể. Bên cạnh đó, cần có thái độ cứng rắn, trừng phạt thích đáng đối với những hành vi vô lễ, thiếu tôn trọng.
Tập trung quyền lãnh đạo nhưng phân cấp quy trình
Luôn cố gắng phân cấp, chia sẻ nhiệm vụ một cách hợp lý - Ảnh: Shutterstock
Nhà lãnh đạo giỏi luôn nhận trách nhiệm, giám sát hoạt động chung của tập thể. Tuy nhiên, khi tiến hành công việc, cần biết cách phân cấp, chia sẻ các nhiệm vụ, tránh tình trạng cá nhân quản lý vi mô quá chi tiết để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
Âm thầm chứng tỏ bản thân, đồng thời tôn trọng, khuyến khích cấp dưới
Muốn quản lý tốt một tập thể, bạn cần phải khiến mọi người nhận thức được ai là lãnh đạo thực sự, chứng tỏ bản thân là người đủ khả năng, xứng đáng với trọng trách, vai trò được giao. Bên cạnh đó, luôn tin tưởng, tìm cách động viên, khuyến khích cấp dưới để họ tự tin thể hiện hết khả năng, sự sáng tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.