ĐBSCL lũ thấp, lo hạn mặn gay gắt

Chí Nhân
Chí Nhân
07/10/2023 08:10 GMT+7

Đến thời điểm hiện tại, nhiều khả năng mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đã qua giai đoạn đạt đỉnh của năm. Mực nước năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm và mức báo động 1 khá nhiều. Theo quy luật thông thường, lũ thấp thì vào mùa khô năm sau sẽ hạn mặn gay gắt.

Miền Tây "đói lũ"

Từ đầu mùa mưa năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây khô hạn, mưa ít nên các chuyên gia cũng như nhiều cơ quan khí tượng thủy văn đã có chung nhận định: Năm nay mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đỉnh lũ của năm khả năng lạc quan nhất sẽ đạt mức xấp xỉ báo động 1 (BĐ1).

ĐBSCL lũ thấp, lo hạn mặn gay gắt - Ảnh 1.

ĐBSCL đối mặt với nguy cơ hạn mặn gay gắt tương đương năm 2015 - 2016

Ngọc Dương - Công Hân

Trên thực tế, bản tin cập nhật hằng tuần của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam (SIWRP) cho thấy mực nước đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu trong suốt thời gian qua luôn ở mức thấp, nhiều giai đoạn thấp hơn TBNN trên 1 m. Theo bản tin cập nhật mới nhất thì mực nước tại trạm Tân Châu trên sông Tiền đạt đỉnh vào ngày 2.10 là 3,07 m; so với đỉnh lũ TBNN thấp hơn 0,83 m và thấp hơn đỉnh lũ năm 2022 là 0,57 m. Nếu so với mức BĐ1 là 3,5 m thì thấp hơn 0,43 m. Còn tại trạm Châu Đốc trên sông Hậu, mực nước đạt đỉnh cùng ngày 2.10 là 2,88 m; so với đỉnh lũ TBNN cùng kỳ thấp hơn 0,63 m và thấp hơn năm 2022 là 0,46 m. Nếu so với mức BĐ1 là 3 m thì thấp hơn 0,12 m.

Ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học công nghệ (thuộc SIWRP), người phụ trách bản tin dự báo mực nước sông Cửu Long, nói: Đến thời điểm này về cơ bản có thể xác định mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đã qua giai đoạn đỉnh của năm. Tuy nhiên, để chắc chắn chúng ta phải chờ thêm một số diễn biến như cơn bão hiện tại ở phía bắc Biển Đông sẽ ảnh hưởng thế nào đến lượng mưa ở thượng nguồn sông Mê Kông và đợt triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch. Nguyên nhân là mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng bởi cả lũ thượng nguồn và thủy triều. Đến khoảng ngày 20.10, chúng ta có thể xác định chính xác đỉnh lũ của năm nay.

Nguyên nhân chính khiến lũ thấp là do lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít. Cụ thể tại trạm Kratie ở Campuchia, lượng nước tính từ đầu mùa đến nay (ngày 1.6 - 5.10.2023) ít hơn TBNN khoảng 37,95 tỉ m3. Tại Biển Hồ, mực nước ngày 5.10 đạt dung tích hồ 36,65 tỉ m3, so với TBNN ít hơn trên 15 tỉ m3 và mực nước đạt 7,11 m, so với TBNN thấp hơn 1,31 m.

Theo các chuyên gia của dự án MDM (dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông) đến cuối tháng 9, diện tích ngập lũ trên vùng đồng bằng Mê Kông thấp hơn 25% so với mức TBNN. Năm nay mực nước lũ thấp do tác động từ hiện tượng El Nino khiến mưa ít, nhất là ở khu vực tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, đông bắc Thái Lan và Lào. Trong khi đó, các đập thủy điện thượng nguồn trên dòng chính sông Mê Kông không ngừng tích nước. Trong suốt từ đầu tháng 9 đến nay, các đập này mỗi tuần tích trữ hàng tỉ mét khối nước.

Cụ thể trong tuần đầu tiên của tháng 9, các con đập trên khắp lưu vực sông Mê Kông đã tích trữ tổng lượng nước là 6,7 tỉ m3 nước. Đứng đầu trong số này là đập thủy điện Tiểu Loan của Trung Quốc tích đến 3,9 tỉ m3. Một con đập khác cũng của Trung Quốc là Nọa Trát Độ tích 1,24 tỉ m3 nước. Kế đến là đập Theun Hinboun ở Lào tích 562 triệu m3 nước. "Đây là hoạt động tích trữ nước hằng tuần lớn nhất được theo dõi trong 3 năm hoạt động của MDM. Việc tích trữ nước về mùa mưa gây bất lợi cho các cộng đồng sông Mê Kông vì chúng hạ thấp mực nước sông cũng như làm giảm các nguồn lợi của dòng chảy mùa lũ Mê Kông", các chuyên gia của MDM nhận định.

Lo hạn mặn gay gắt

Theo quy luật tự nhiên, khi mùa mưa lũ thấp thì bước sang mùa khô năm sau hạn mặn sẽ đến sớm và gay gắt. Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, dự báo: Từ cuối tháng 10.2023 - 3.2024, mực nước sông Mê Kông xuống dần. Tổng lượng chảy trong mùa khô năm 2023 - 2024 từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về hạ lưu và ĐBSCL thiếu hụt từ 20 - 25% so với TBNN. Một số nhánh sông khu vực ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016. Cụ thể, trên vùng ven sông Vàm Cỏ (Long An), độ mặn cao nhất diễn ra vào tháng 4.2024, độ mặn 4 g/l xâm nhập sâu đến 120 km, tính từ cửa sông. Trên vùng cửa sông Tiền, vào tháng 3.2024, độ mặn 4 g/l sẽ lấn sâu vào nội đồng đến 75 km. Trên vùng cửa sông Hậu, ranh mặn từ 3 - 5 g/l sẽ lấn sâu khoảng 60 km, tính từ cửa sông, vào tháng 3.2024.

ĐBSCL lũ thấp, lo hạn mặn gay gắt - Ảnh 2.

Ngọc Dương - Công Hân

"Đúng theo quy luật thì lũ thấp kết hợp với hiện tượng thời tiết EL Nino sẽ dẫn đến hạn mặn sẽ đến sớm và gay gắt. Chúng tôi hy vọng nó sẽ không quá gay gắt như năm 2015 - 2016 mà chỉ cao hơn mức TBNN một chút. Tuy nhiên, trên tinh thần chung là chúng ta phải chủ động phòng tránh. Đối với sản xuất lúa phải chủ động xuống giống sớm để né hạn mặn và tránh gieo trồng ở những nơi có nguy cơ cao, đã được dự báo và khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tích trữ nước trong các hồ chứa để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương", ông Nguyễn Huy Khôi nhận định.

Chia sẻ mối quan tâm về mực nước lũ và nguy cơ hạn mặn, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nói: Năm nay mực nước lũ rất thấp và hiện nay đã qua giai đoạn đỉnh lũ của năm. Tuy nhiên vẫn cần lưu ý ngày nay dòng chảy tự nhiên của sông Mê Kông đã bị tác động rất nhiều bởi việc tích và xả nước của các đập thủy điện. Và mùa khô năm 2024, hạn mặn gay gắt là điều gần như chắc chắn. Để tránh thiệt hại thì chỉ có cách tốt nhất là né hạn mặn. 

Đặc biệt, đối với bà con nông dân trồng lúa nên hạn chế gieo trồng ở những vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Nhiều người tin rằng đợt hạn mặn sắp tới có thể tương đương năm 2015 - 2016 nên những nơi mà trước đây bị ảnh hưởng thì sắp tới người dân nên tránh gieo trồng lúa. Bên cạnh đó, cần tranh thủ giai đoạn cuối mùa mưa để tích trữ nước trong các ao hồ cho các vườn cây ăn trái. 

"Trong giai đoạn mùa khô sắp tới, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt là rất quan trọng cần được ưu tiên nhưng cũng cần hạn chế khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, ở những vùng khô hạn, ven biển người dân cần chủ động tích trữ nước bằng các vật dụng có thể có để phục vụ cho sinh hoạt", TS Tuấn khuyến cáo. 

Vì sao TP.Cần Thơ ngập nặng ?

Theo SIWRP, vùng đầu nguồn lũ thấp, đỉnh lũ phổ biến thấp hơn mức BĐ1, tuy nhiên vùng giữa và vùng ven biển lại ở mức cao. Cụ thể, trạm đo tại TP.Cần Thơ trên sông Hậu, mực nước cao nhất đo được vào ngày 1 - 2.10 lên tới 2,13 m, cao hơn BĐ3 là 0,13 m; tại trạm Mỹ Thuận mực nước cao nhất là 2,06 m, cao hơn BĐ3 là 0,26 m. Ở vùng ven biển, mực nước đợt vừa qua chưa phải cao nhất, khả năng đạt đỉnh vào kỳ triều cường cuối tháng 10 và nửa cuối tháng 11. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, vùng giữa mà điển hình là TP.Cần Thơ ngập nặng là do ảnh hưởng lượng nước lũ từ đầu nguồn sông Cửu Long đổ về gặp triều cường cao đẩy ngược lại gây ngập nặng. Bên cạnh đó còn có yếu tố như sụt lún mặt đất ở khu vực đô thị; thêm vào đó ở khu vực ven biển có nhiều công trình ngăn triều để bảo vệ dân cư và đất sản xuất buộc nước theo các nhánh sông xâm nhập sâu theo hướng thượng nguồn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.