Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn cần thay đổi thế nào từ năm 2025?

10/03/2023 08:43 GMT+7

Đề thi tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 giữ cấu trúc ổn định như những năm qua là tốt nhưng cần thay đổi từ năm 2025 để phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đầu tháng 3, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, trong đó có môn ngữ văn. Cấu trúc đề thi môn ngữ văn cơ bản vẫn giữ ổn định như những năm trước khiến đội ngũ giáo viên có ý kiến trái chiều.

Một luồng ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT giữ ổn định cấu trúc đề ngữ văn nhằm giúp giáo viên, học sinh thuận lợi trong việc dạy và học theo quy củ từ trước đến nay. Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn: Liệu đề minh họa này có phù hợp với Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông?

Là giáo viên dạy văn bậc trung học phổ thông, xin có đôi điều chia sẻ thêm về cấu trúc đề thi tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và đề xuất phương án ra đề thi từ năm 2025.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn cần thay đổi thế nào từ năm 2025? - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi sau môn thi ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

ĐỘC LẬP

CHƯA THỂ ĐƯA NGỮ LIỆU NGOÀI SGK VÀO ĐỀ THI

Ngày 21.7.2022, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, trong đó có nội dung đáng chú ý như sau: "Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa (SGK) làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".

Tuy vậy, Bộ GD-ĐT chưa thể ra đề thi tham khảo, đề thi chính thức môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (kể cả năm 2024) theo hướng ra ngữ liệu ngoài chương trình SGK (câu nghị luận văn học, 5 điểm) bởi 2 lý do sau đây:

Thứ nhất, học sinh lớp 12 khóa 2020 - 2021, 2021 - 2022, 2022 - 2023 và khóa 2021 - 2022, 2022 - 2023, 2023 - 2024 vẫn học chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Cách dạy và học theo chương trình cũ thì đề thi cũng phải ra theo hướng như hiện nay.

Thứ hai, mỗi khi thay đổi cấu trúc đề thi thì giáo viên, học sinh phải thay đổi cách dạy và học. Thầy trò phải có thời gian làm quen với mẫu đề thi một thời gian thì Bộ GD-ĐT mới có thể triển khai đồng loạt trên cả nước.

Hơn nữa, hiện tại việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ đối với môn ngữ văn lớp 12, các cơ sở giáo dục bậc THPT vẫn ra đề theo hướng 50% nội dung đề sử dụng ngữ liệu trong SGK (câu nghị luận văn học).

Cần nói thêm, hiện tại việc ra đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 10 định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) theo hướng lấy ngữ liệu hoàn toàn ngoài chương trình SGK đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Đó là mỗi đơn vị có một cấu trúc khác nhau, hiện vẫn còn những tranh cãi chưa hồi kết - nhất là đề ra theo hướng trắc nghiệm hay trắc nghiệm kết hợp tự luận.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn cần thay đổi thế nào từ năm 2025? - Ảnh 2.

Đề tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

CÂN NHẮC VỀ THANG ĐIỂM

Đọc kỹ đề thi tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, xin có đôi điều góp ý và đề xuất sau đây cho đề thi những năm sau.

Trước hết, về hình thức, ngữ liệu phần đọc hiểu cho đoạn trích thơ và phần làm văn - câu nghị luận văn học - cũng yêu cầu phân tích thơ sẽ làm giảm sự hứng thú của thí sinh trong quá trình làm bài. Nên chăng, nếu ngữ liệu phần đọc hiểu cho thơ thì câu nghị luận văn học sẽ thay đổi bằng văn bản văn xuôi (truyện, ký, kịch). Ngược lại, ngữ liệu phần đọc hiểu cho văn xuôi thì câu nghị luận văn học cho văn bản thơ là hợp lý.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn cần thay đổi thế nào từ năm 2025? - Ảnh 3.

Tiếp đến, hiện nhiều giáo viên rất băn khoăn về thang điểm trong phần đọc hiểu. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và 2022, thang điểm phần đọc hiểu của Bộ GD-ĐT như sau: câu 1 (0,75 điểm); câu 2 (0,75 điểm); câu 3 (1,0 điểm); câu 4 (0,5 điểm), tổng cộng 3,0 điểm.

Nhiều giáo viên cho hay việc thiết kế thang điểm như thế rất có lợi cho thí sinh nhưng lại bất hợp lý về ma trận. Bởi câu 1 (nhận biết), câu 2 (thông hiểu) mà có điểm số cao hơn câu vận dụng (câu 4) là chưa phù hợp, khó đánh giá đúng năng lực của thí sinh một cách chính xác nhất.

Theo nhiều giáo viên, Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh lại thang điểm phần đọc hiểu theo hướng: câu 1 (0,5 điểm); câu 2 (0,5 điểm); câu 3 (1,0 điểm); câu 4 (1 điểm).

Trong đề thi tham khảo, câu nghị luận văn học có thêm một lệnh phụ. Điều này có cần thiết? Cụ thể, đề yêu cầu thí sinh "nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích" (Việt Bắc). Đề không yêu cầu lệnh phụ thì thí sinh cũng sẽ rút ra nhận xét, khái quát ở cuối phần thân bài hoặc kết bài.

Cùng với đó, nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo nhưng không có hướng dẫn đáp án chấm môn ngữ văn. Văn chương là nghệ thuật ngôn từ, dễ xảy ra tranh cãi, vậy nên rất cần một đáp án chung để giáo viên tham khảo, thảo luận.

Vì thế, đề thi tham khảo ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ cấu trúc ổn định như những năm qua là tốt nhưng cần thay đổi từ năm 2025 để phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, thí sinh được chọn một trong hai câu: 1) viết bài luận 500 chữ, 800 chữ; hoặc 2) phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc nghệ thuật của một tác phẩm văn học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.