Đề xuất khoản vay 30 tỉ USD làm đường sắt đô thị

27/11/2023 06:30 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, TP.HCM cần làm nhanh hạ tầng đô thị, đặc biệt là đường sắt đô thị.

"Vừa rồi chúng ta làm quá chậm, 15 năm chỉ làm được 1 tuyến, và hiện nay cũng chưa đưa vào khai thác thương mại. TP.HCM còn 7 tuyến nữa, nếu cứ tà tà thế này thì 100 năm nữa không xong", ông Dũng nói.

Tàu metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên  chạy thử nghiệmẢnh: Nhật Thịnh

Tàu metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm

NHẬT THỊNH

Cũng theo Bộ trưởng, TP.HCM có thể đề xuất vay một khoản riêng, tách riêng ra, tự vay, tự quản và tự trả, như vậy sẽ nhanh hơn. Quan trọng nhất là khai thác được không gian ngầm, không gian trên mặt đất theo mô hình TOD. Không gian ngầm và không gian trên mặt đất là tiền nên không sợ gì chuyện không trả nợ được.

"TP.HCM có thể vay 30 tỉ USD cũng được, làm trong 10 - 15 năm để khai thác nguồn lực và giải quyết bài toán giao thông. Chưa kể, việc khai thác tốt không gian ngầm, đưa nhiều hoạt động xuống lòng đất còn giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường", ông nói và nhận định thêm:

"TP.HCM cần chính sách mạnh hơn, táo bạo hơn và quyết liệt hơn. Chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành phối hợp thành phố xây dựng cơ chế chính sách để triển khai sớm", Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói thêm.

Đi vào từng vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng tình với việc xây dựng đề án tổng thể phát triển đường sắt đô thị TP.HCM, trên cơ sở đó huy động nguồn vốn lớn để hoàn thiện, chứ không làm lặt vặt từng dự án nhỏ lẻ.

Bởi theo lý giải, đề án tổng thể sẽ giúp rút ngắn quy trình, bớt lãng phí thời gian, thủ tục hành chính. Thủ tướng chia sẻ trong buổi gặp gỡ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới mới đây, 2 bên đã thống nhất phương pháp này để xoay chuyển tình thế. "Như 200 km đường sắt đô thị của TP.HCM, nếu làm từng đoạn, từng tuyến vừa mất thời gian thủ tục hành chính, vừa không có bài toán tổng thể, xuyên suốt", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỉ USD. Dù vậy, đến nay TP.HCM mới có tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km dự kiến hoàn thành cuối năm 2023 và tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ khởi công năm 2024, hoàn thành năm 2032. Các tuyến khác mới chỉ dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Trong khi đó, Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM. Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đánh giá việc hoàn thành 200 km đường sắt đô thị trong 12 năm tới là một mục tiêu rất lớn, và nếu tiếp tục cách làm tương tự 20 năm qua thì không thể thực hiện. Do vậy, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM xin ý kiến Thường trực Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xin chủ trương xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm cụ thể hóa mục tiêu theo Kết luận 49 năm 2023 của Bộ Chính trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.