Điện ảnh Việt đang lạc lõng với thế giới

Ngọc An
Ngọc An
31/10/2018 06:08 GMT+7

Tối nay (31.10), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 5 sẽ khép lại. Nhưng câu hỏi điện ảnh Việt đang ở đâu giữa dòng chảy của điện ảnh thế giới vẫn còn đó.

Chênh lệch chất lượng phim
Trong số 12 bộ phim tranh giải tại hạng mục phim dài của liên hoan phim (LHP), nhiều bộ phim đã đề cập những vấn đề của con người, xã hội, mang hơi thở cuộc sống đương đại. Như The dark room (Căn buồng tối) của đạo diễn Iran Rouhollah Hejazi kể câu chuyện một gia đình trẻ với những vấn đề về việc nuôi dạy con cái, nỗi lo sợ con trẻ bị quấy rối tình dục, và sâu hơn là nỗi ám ảnh thời ấu thơ. Trong khi Silent night (Đêm yên lặng) của đạo diễn Ba Lan Piotr Domalewski xoay quanh Adam, người đàn ông muốn đến một đất nước khác để tìm kiếm cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, và cùng với đó là những mối quan hệ với xung đột ngầm giữa các thành viên trong gia đình. Câu chuyện của Signal rock (Tín hiệu trên đỉnh núi) của đạo diễn Philippines Chito S.Roño lại đề cập đến vấn đề của xã hội, dễ thấy ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á: những cô gái trẻ ở thôn quê kết hôn thông qua môi giới với mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn ở xứ người… Trên “cuộc đua” này, có cả những lão làng như đạo diễn người Pháp 71 tuổi Benoît Jacquot, và cả những gương mặt trẻ mà phim dự thi là tác phẩm đầu tay của họ, hay thế hệ đạo diễn 8X.
Cảnh trong phim The dark room Ảnh: T.L
Bên cạnh những điểm cộng, thì vẫn có nhiều điểm trừ cho hạng mục phim dự thi năm nay, đó là việc chất lượng phim chênh lệch cả từ nội dung đến kỹ thuật làm phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phải thốt lên: “Phim tệ quá!” sau khi bước ra từ phòng chiếu của một phim tranh giải. Đại diện cho điện ảnh chủ nhà là phim Nhắm mắt thấy mùa hè - bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn Cao Thúy Nhi. Phim mới chỉ dừng ở mức dễ thương, dễ chịu với cảnh quay đẹp, âm thanh tốt, nhưng câu chuyện về tình cảm cha con, tình yêu lại quá bình thường, thiếu chiều sâu, lớp lang. Dễ thấy, phía chủ nhà chẳng có mấy lựa chọn khi phim sản xuất hầu hết đều là phim giải trí, trong khi những bộ phim được cho đã đưa giá trị văn hóa, dân tộc vào là Cô Ba Sài Gòn thì cũng đã tham dự LHP khác ở châu Á nên không phù hợp tiêu chí của cuộc chơi.
Nhìn rộng hơn như đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận định: “LHP quốc tế là dịp để điện ảnh VN được tiếp xúc với nhiều nền điện ảnh khác trên thế giới, để biết điện ảnh đang ở đâu, các nhà làm phim mình so với thế giới như thế nào, chứ có lúc chúng ta lại tưởng thấy được Bông sen vàng đã là oai rồi. Mỗi lần LHP thế này, tôi vui vì được tiếp xúc với những giá trị đích thực của điện ảnh, nhưng cũng vì thế mà lại thấy buồn vì nhận ra điện ảnh và cả khán giả chúng ta đang lạc lõng với thế giới. Lạc lõng là bởi khán giả chỉ thích xem phim bom tấn, bạo lực, sex, còn nhà làm phim chỉ thích làm phim câu khách. Chúng ta cần có những bộ phim mang giá trị chung của nhân loại để hội nhập với thế giới”.
Cảnh trong phim Signal rock Ảnh: T.L
Chưa như kỳ vọng
“Có những bộ phim mà tôi không nghĩ mình có thể xem được ở VN thì đã được trình chiếu tại LHP lần này”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ. Rõ ràng, khán giả đã có một “bữa tiệc” phim khá thịnh soạn, nhưng hiệu quả lại chưa đủ và không như kỳ vọng. “Tôi không hiểu sao công tác truyền thông LHP lại chưa được tốt, khiến nhiều khán giả chưa tiếp nhận được thông tin, khó có cơ hội đi xem đầy đủ các bộ phim. Số lượng phòng chiếu cũng cần tăng lên, phủ kín tất cả các buổi chiếu”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét.
Tại LHP năm nay, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp tham gia làm giảng viên của Trại sáng tác Haniff. “Trại sáng tác cũng như Chợ dự án là sáng kiến đã được áp dụng tại nhiều LHP lớn trên thế giới, vấn đề là khi ta đưa mô hình đó về VN thì cần làm thế nào để có lợi nhất cho nhà làm phim. Việc nó được vận hành thế nào để đủ thiết thực và phù hợp với thực tế thì cũng cần phải bàn lại”, nữ đạo diễn nhìn nhận. “Điều mà tôi mong chờ chính là một quỹ với nguồn ngân sách đủ lớn để các nhà làm phim trông cậy vào. Chẳng hạn như Chợ dự án năm nay không hiểu sao chỉ còn 5 dự án. Còn Trại sáng tác cần kéo dài thời gian hơn, nên có các hoạt động tăng cường, thiết thực hơn, chất lượng học viên cần khắt khe hơn”, chị bày tỏ. 
Đẩy mạnh quảng bá điện ảnh Việt
Một đạo diễn và một nhà phê bình phim Iran chia sẻ, họ biết đến điện ảnh VN qua hai bộ phim Mùi đu đủ xanh và Xích lô của đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng. Điều đó khiến đạo diễn Đặng Nhật Minh thấy buồn: “Các bạn nước ngoài cần biết ngoài mùi đu đủ, VN còn có nhiều mùi khác nữa”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng, thế giới còn ít biết đến những tác phẩm điện ảnh của VN là do nhà nước ít chú ý đến việc quảng bá điện ảnh ra thế giới. Trong khi đó, nguyên lãnh đạo Cục Điện ảnh cho hay: “Mỗi năm, nhà nước vẫn hỗ trợ đưa 10 - 20 phim dự LHP quốc tế, vẫn có những chính sách tài trợ để quảng bá điện ảnh VN”. Thực tế, chúng ta từng nhiều lần thực hiện các tuần phim VN tại nước ngoài. Nhưng việc có nhiều nhà làm phim trên thế giới không hề biết đến bộ phim nào, hay tên tuổi của nhà làm phim đương đại nào của VN, thì cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem lại về hiệu quả quảng bá điện ảnh VN ra thế giới như thế nào trong suốt những năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.