Điện trước áp lực tăng giá

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/05/2024 06:17 GMT+7

Chi phí tăng, gánh lỗ lớn, nhu cầu đầu tư cao và quyền điều chỉnh giá được nới rộng hơn khiến khả năng tăng giá điện là rất lớn. Tuy nhiên, tăng giá điện lúc này cũng ảnh hưởng mạnh tới người dân, doanh nghiệp và chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế. Vậy điện có tăng giá?

Chi phí sản xuất điện tăng

Theo quy định tại Quyết định số 5/2024 của Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, có hiệu lực từ ngày 15.5 tới, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) sẽ phải giảm giá điện khi chi phí bình quân đầu vào giảm 1%; điều chỉnh tăng ở mức tương ứng khi chi phí đầu vào tăng 3 - 5%. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. 

Đặc biệt, Quyết định số 5 quy định rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trong khi đó, tính từ lần điều chỉnh giá điện bình quân gần nhất đến nay đã gần 6 tháng. Đó là lý do nhiều người lo ngại, giá điện sẽ được điều chỉnh ngay sau khi Quyết định số 5 có hiệu lực.

Áp lực tăng giá điện hiện rất lớn

Áp lực tăng giá điện hiện rất lớn

Nhật Thịnh

Nỗi lo càng gia tăng khi chi phí sản xuất điện đã gia tăng mạnh do nắng nóng. Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, nhiều ngày nắng nóng, thủy điện phải tích nước, tại miền Bắc buộc phải huy động thêm điện than, nhiệt điện dầu với chi phí cao để bảo đảm đủ điện. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 2.006,79 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2023 ước tính khoảng 2.092,78 đồng/kWh, cao hơn giá bán hiện tại. Bên cạnh đó, nhiệt điện dầu huy động ước tính có giá xấp xỉ 5.000 đồng/kWh, điện khí khoảng 2.800 đồng/kWh. 

Thế nên, chi phí sản xuất và phát điện tính đến thời điểm này tiếp tục tăng. Đơn cử, ngày 30.4, cơ cấu sản lượng huy động nguồn trong ngày theo báo cáo với thủy điện chỉ 72,7 triệu kWh, nhiệt điện than 504,5 triệu kWH, điện khí (gas + dầu diesel) 98,4 triệu kWh, nhiệt điện dầu 8,6 triệu kWh, điện gió 18,7 triệu kWh, điện mặt trời 74,2 triệu kWh, nhập khẩu điện 9,2 triệu kWh, nguồn khác là 3,4 triệu kWh… Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết nguồn nhiệt điện than dự kiến sẽ huy động chiếm 52 - 60% tổng sản lượng hệ thống điện quốc gia.

Trong khi đó, dự báo sản lượng điện tiêu thụ từ tháng 4 - 7 cũng tăng mạnh do vào cao điểm mùa nắng nóng. Trong tuần cuối tháng 4 vừa qua, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ trong ngày đã được thiết lập. Cụ thể, vào lúc 13 giờ 30 ngày 27.4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW; sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 26.4 đã lên đạt 993,974 triệu kWh. 

So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng ngày của hệ thống điện quốc gia tăng hơn 23%, tại miền Bắc tăng đến 35,5%; công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, miền Bắc tăng gần 20%. Phụ tải trên toàn quốc tiếp tục tăng 2 con số, hơn 11,2%. Cập nhật số liệu về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày có xu thế giảm dần, cụ thể đến ngày 29.4, công suất cực đại giảm xuống còn 41.601 MW, sản lượng điện ngày giảm xuống còn 879,360 triệu kWh. Tuy nhiên, EVN nhấn mạnh, các số liệu này vẫn ở mức cao, đặc biệt so với ngày cùng kỳ năm 2023.

EVN cho biết hiện nguồn từ thủy điện vẫn có giá ổn định nhất, còn các nguồn phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu như than, dầu đều rất cao. Thậm chí năng lượng tái tạo, do chính sách khuyến khích ban đầu là 9,35 cent/kWh cũng cao hơn giá bình quân.

Bối cảnh trên khiến nhiều người bày tỏ lo ngại nguy cơ hóa đơn tiền điện tăng kép có thể diễn ra từ tháng sau, nếu EVN tiến hành tăng giá bán điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 5.

Áp lực tăng giá rất lớn

Đặt vấn đề này lên bàn với TS Nguyễn Huy Hoạch - Hội đồng khoa học Năng lượng VN, ông nói thẳng càng huy động nguồn điện có giá đắt để khắc phục tình trạng thiếu điện, rủi ro lên giá điện càng lớn. Chẳng hạn, ngay với nguồn điện khí LNG, giá LNG trung bình hiện ở mức 12 USD/triệu BTU (đơn vị đo nhiệt). Nếu tính ở mức hệ số công suất nhà máy điện là 70%, giá thành mỗi kWh điện từ loại hình này lên tới 2.780 đồng/kWh. Với giá bán lẻ bình quân năm 2023 là 2.006,79 đồng/kWh, lỗ riêng của EVN do chênh lệch giá mua so với giá bán lẻ là 773,21 đồng/kWh, chưa gồm các chi phí quản lý, tổn thất lưới truyền tải, phân phối…

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện EVN thừa nhận chi phí sản xuất điện tiếp tục tăng do phải huy động từ nguồn có chi phí giá cao để khắc phục những ngày phụ tải tăng đột biến trong cuối tháng 4. Đến nay, chi phí sản xuất và phát điện vẫn còn cao hơn giá bán điện bình quân. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng cực đoan như hiện nay, khách hàng tăng sử dụng thiết bị làm mát, phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn những tháng thời tiết mát mẻ. Bên cạnh đó, vì mục tiêu kiềm lạm phát của Chính phủ… nên ngành điện chưa có báo cáo để tăng giá điện trong đợt này.

Theo đó các chi phí sản xuất, phát điện đội lên rất nhiều, nếu không tăng, nói một cách công tâm, sẽ rất khó cho ngành điện. Tuy vậy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê báo cáo tăng đến 4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh. Nếu trong lúc này tăng tiếp giá điện, lạm phát sẽ tăng. Chấp nhận lạm phát nếu muốn an ninh năng lượng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

PGS-TS Ngô Trí Long

Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả: Quy định mới đã "nới" quyền điều chỉnh giá điện cho EVN nên tập đoàn này có tăng ngay sau ngày 15.5 cũng không thể ngăn cản. Chưa kể trong báo cáo đã được kiểm toán cho thấy lỗ lũy kế hết năm 2023 của EVN là khoảng 17.000 tỉ đồng, giảm 9.000 tỉ đồng so với năm 2022. Thế nên, nếu không tăng giá điện, doanh nghiệp không có nguồn tài chính để tái đầu tư, sản xuất và phân phối điện, đặc biệt trong giai đoạn áp lực lớn phải đầu tư nguồn, tải điện đúng theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8…

"Nói là EVN được phép tăng giá điện 3 tháng một lần từ 3 - 5%, nhưng trong thực tế phải có báo cáo với cơ quan quản lý kèm báo cáo tài chính lỗ lã, chi phí… Theo tôi, giá điện có thể tăng sớm do phụ tải tăng quá mạnh. Tiêu thụ điện đến nay đã gần chạm 1 triệu kWh, sớm hơn dự báo. Theo đó các chi phí sản xuất, phát điện đội lên rất nhiều, nếu không tăng, nói một cách công tâm, sẽ rất khó cho ngành điện. Tuy vậy, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê báo cáo tăng đến 4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu do giá xăng dầu tăng mạnh. Nếu trong lúc này tăng tiếp giá điện, lạm phát sẽ tăng. Chấp nhận lạm phát nếu muốn an ninh năng lượng, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội", PGS-TS Ngô Trí Long phân tích.

Tình hình giá nhiên liệu thế giới vẫn diễn biến khá phức tạp, trong khi sản xuất điện của VN còn phụ thuộc giá đầu vào thế giới là than và dầu. Trong đó, sản xuất điện từ dầu ở mức thấp và giải pháp tình thế, nhưng bắt buộc phải có. Song song đó, khi thời tiết cực đoan, đường tải điện từ Nam ra Bắc chưa có, miền Bắc vẫn phải phụ thuộc nhiệt điện than và nhiệt điện dầu bổ sung. Các nguồn này lại phải nhập khẩu trong khi tỷ giá tăng. Thế nên, sức ép lên mặt bằng giá cả hàng hóa nói chung trong quý 2 và quý 3 còn rất lớn. Tuy vậy, nếu giá điện tăng lúc này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho việc kiểm soát giá cả, ảnh hưởng đến tâm lý người dùng điện, doanh nghiệp.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.