Diễn viên Quang Thảo: Bạn có giỏi đến đâu, quyết định vẫn thuộc về đạo diễn

10/08/2023 14:52 GMT+7

Trò chuyện với Thanh Niên, diễn viên Quang Thảo cho biết dự án Mình nói chuyện mình có đến ba trong năm diễn viên là nghệ sĩ "cứng tay" với vai trò đạo diễn. Và anh không ngại khi phải nghe theo chỉ đạo của người khác.

Hơn 20 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, Quang Thảo ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều vai trò khác nhau từ diễn viên, đạo diễn, biên kịch…, song đây là lần đầu tiên anh được thử sức với dòng kịch thể nghiệm. “Cha đẻ” của loạt vở kịch Ngày xửa ngày xưa cho hay: “Là một người nghệ sĩ, tôi thích khám phá những điều mới. Trước đây, tôi từng diễn rất nhiều kịch trên sân khấu, đó là những vở tâm lý xã hội bình thường, thậm chí là kịch cổ điển. Tuy nhiên, để diễn kịch thể nghiệm, bằng những thủ thuật dựng bài, câu chuyện hiện đại thì tôi chưa bao giờ tham gia, vậy nên khi được mời tôi đồng ý ngay”.

Diễn viên Quang Thảo: Không bao giờ dám nghĩ khán giả trẻ ngày nay hời hợt - Ảnh 2.

Quang Thảo tiết lộ đây là lần đầu tiên anh tham gia kịch thể nghiệm

NSX

Kịch thể nghiệm vốn xuất hiện tại TP.HCM từ lâu, yêu cầu nghệ sĩ phải tập trung về đài từ. Đôi khi sân khấu chỉ là một cái bục có ánh đèn, khán giả ngồi xung quanh, tương tác với diễn viên. Minh Nghĩa trong Giọt máu vô hình chia sẻ thể loại kịch này mang đến cảm xúc hoàn toàn khác, đôi khi nó là một câu chuyện không đầu đuôi, hoặc lồng ghép những ẩn ý, đòi hỏi lực diễn của diễn viên phải gấp đôi, gấp ba bình thường. “Bạn phải thể hiện làm sao cho khán giả hiểu được ý nghĩa ngầm của cách dàn dựng, đó là một điều rất khó. Tôi xem đây như một lần thử sức của mình với thể loại này và rất hào hứng tham gia”, Quang Thảo nói.

Dù từng “cân” qua vô số tác phẩm khác nhau, song, sao phim Cổng mặt trời thừa nhận gặp không ít trở ngại khi diễn xuất trong Mình nói chuyện mình. “Tôi đã quen với kịch sinh hoạt rồi, đến với thể nghiệm, đất diễn không nhiều nên đòi hỏi mình phải diễn nhiều. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng khi bạn không có đạo cụ, cảnh trí hay bạn diễn hỗ trợ, thời lượng cũng không nhiều, thì bạn phải diễn làm sao để người xem hiểu được nội dung. Diễn gấp nhiều lần bình thường nhưng điều đó không thể hiện bên ngoài mà nằm ở bên trong con người. Lần đầu chạm ngõ dòng kịch này nên tôi cũng không tránh khỏi những khó khăn nhưng sau quá trình luyện tập thì đã ổn định, thích thú và quen hơn”, Quang Thảo tâm sự.

Tác giả vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai thừa nhận việc tham gia một dòng kịch “tuy quen mà lạ” như thể nghiệm sẽ không tránh khỏi những rủi ro, nhưng anh chấp nhận nó và xem thành công hoặc thất bại là chuyện bình thường. “Nếu sợ thì tôi đã không làm. Nó chỉ mới với mình chứ trên thế giới nhiều nước đã làm rồi. Giới trẻ ngày nay rất thông minh, tiếp cận nhiều nền nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông khác nhau, thậm chí họ còn hơn cả những thế hệ trước. Họ nhạy bén lắm, có nhiều điều để họ tìm hiểu, chỉ là họ đón nhận cái gì thôi. Tôi nghĩ kịch thể nghiệm không lạ với các bạn trẻ, tuy nhiên để họ chấp nhận vào rạp xem thể loại này thì khó”, Quang Thảo nói.

Diễn viên Quang Thảo: Không bao giờ dám nghĩ khán giả trẻ ngày nay hời hợt - Ảnh 3.

Quang Thảo đề cao sự nhạy bén của khán giả trẻ ngày nay, song cũng thừa nhận việc thu hút đối tượng này đến với sân khấu là một bài toán khó

NSX

Theo nam nghệ sĩ, xu hướng nghệ thuật bây giờ là nói thẳng, không ẩn ý hay bắt người xem suy nghĩ nhiều, đó là thực tế có thể nhìn thấy qua gameshow, chương trình truyền hình, web drama… Song, anh cũng cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc giới trẻ không đón nhận nghệ thuật chuyên sâu, dù vậy, để thu hút họ dành thời gian đến với kịch nói còn phụ thuộc vào yếu tố nhà sản xuất.

Quang Thảo bày tỏ: “Tôi không bao giờ dám nghĩ giới trẻ ngày nay hời hợt, theo tôi quan sát, chính ra giới trẻ là một lượng khán giả khổng lồ, họ sống trong một thời đại thông minh và có nhiều nguồn để tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật trên toàn cầu. Nhưng để tiếp cận họ, nhà sản xuất phải có chiến lược truyền thông thuyết phục người xem đến sân khấu. Với tôi, đã làm thể nghiệm thì phải chấp nhận sự khen chê, thể nghiệm không chỉ nằm trên sân khấu mà còn thể hiện qua việc người sáng tạo nghệ thuật lắng nghe ý kiến trái chiều của khán giả”.

Diễn viên Quang Thảo: Không bao giờ dám nghĩ khán giả trẻ ngày nay hời hợt - Ảnh 4.

Sao phim Cổng mặt trời khẳng định anh chấp nhận nghe ý kiến trái chiều của khán giả

NSX

Một điều thú vị khác trong dự án Mình nói chuyện mình đó là có đến ba trong năm diễn viên của vở đều là nghệ sĩ "cứng tay" với vai trò đạo diễn. Trước câu hỏi có thấy khó khăn khi phải nghe theo chỉ đạo của người khác hay không, Quang Thảo cho biết: “Tôi không gặp trở ngại về vấn đề này. Tuy rằng tôi với Hồng Ánh từng làm công tác đạo diễn nhưng nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp chính là đạo diễn của chương trình hoặc vở diễn đó là người có quyền tối cao. Dù bạn có giỏi đến đâu, bên ngoài bạn là ai nhưng quyết định vẫn thuộc về đạo diễn và mình phải tuân thủ điều đó”.

Tác giả vở Chuyện thần tiên xứ Phù Tang tiết lộ đạo diễn Đoàn Khoa làm việc rất thẳng thắn, công tâm và luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Anh khơi gợi được sự sáng tạo của từng cá nhân, tuy nhiên không có nghĩa ai cũng nêu ý kiến khiến nội dung bị loạn, người thống nhất cuối cùng vẫn là đạo diễn Đoàn Khoa. “Chúng tôi có bàn luận nhưng tranh luận thì không, cũng không có cãi vã hay bất đồng gì. Sự tôn trọng được giữ như một quy tắc, NSND Kim Xuân, Hồng Ánh hay Quang Thảo đều tuân thủ theo đường dây của đạo diễn Đoàn Khoa, chúng tôi thuận lòng với nhau đi đến giờ này và không gặp trở ngại gì”, nam nghệ sĩ khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.