Doanh nghiệp có nhu cầu nhưng ít học sinh chọn học nghề

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
17/05/2023 07:25 GMT+7

Mỗi năm, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM đối với người có bằng tốt nghiệp CĐ và trung cấp là 38%. Tuy nhiên, số lượng người học nghề lại rất ít so với ĐH. Chính vì thế, học sinh tốt nghiệp THCS nếu đăng ký học nghề sẽ chiếm rất nhiều ưu thế.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Tận dụng ưu thế học nghề sau THCS" được phát trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên.

TIẾT KIỆM THỜI GIAN, CHI PHÍ

Năm 2023, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, TP có 109.617 học sinh (HS) lớp 9 hoàn thành bậc THCS, trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập chỉ 77.294. Như vậy, sẽ có hơn 30.000 HS còn lại phải rẽ sang các hướng khác. Một trong những hướng đi đó là đăng ký học nghề tại các trường trung cấp hoặc bậc trung cấp trong trường CĐ.

Tại chương trình tư vấn, thầy Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Chương trình phổ thông Trường Việt Khoa, nhận định: "Xã hội xưa có quan niệm học ĐH ra làm thầy, học nghề ra làm thợ. Tuy nhiên, dù học gì thì cũng đều hướng tới có một công việc, một nghề nghiệp, chuyên môn ổn định để có thu nhập. Quan trọng là học chương trình nào phù hợp với bản thân HS, chứ không phải học bậc học cao nhất mới là tốt nhất".

Doanh nghiệp có nhu cầu nhưng ít học sinh chọn học nghề  - Ảnh 1.

Các chuyên gia chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về hướng học nghề cho học sinh sau THCS tại buổi tư vấn chiều 16.5

LÊ THANH HẢI

Theo thầy Thọ, với việc đăng ký học nghề sau THCS, HS sẽ chỉ mất 3 năm để có bằng trung cấp và thêm 1 năm để có bằng CĐ. "Trong quá trình học trung cấp, các em sẽ được học song song chương trình văn hóa 4 môn theo quy định của Bộ GD-ĐT với chương trình nghề. Đặc biệt, nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí chương trình trung cấp cho các em. Nếu học lên CĐ, các em chỉ phải đóng học phí 2 học kỳ với mức đóng tương đối thấp, khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng", thầy Thọ chia sẻ.

Cụ thể, HS sẽ học 3 môn văn hóa bắt buộc gồm toán, văn, sử và một môn thứ 4 phù hợp với lĩnh vực ngành nghề mà HS theo đuổi. Chẳng hạn với khối ngành kỹ thuật, HS sẽ học thêm môn lý. Với những HS vốn "sợ" học văn hóa thì khối lượng này sẽ giảm được áp lực rất nhiều so với việc học chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn hoặc chương trình THPT.

Cô Phạm Hồng Loan, Giám đốc Trung tâm phát triển thương hiệu cá nhân Trường Việt Khoa, thông tin thêm: "Nếu học nghề, đến 19 - 20 tuổi là các em đã có bằng trung cấp, CĐ để tham gia thị trường lao động, trong khi nếu theo lộ trình học THPT và ĐH thì phải 22 tuổi các em mới đi làm. Rút ngắn được thời gian, tiết kiệm chi phí và sớm đi làm là những lợi thế đáng kể. Quan trọng nhất là các em lựa chọn được ngành học phù hợp".

Doanh nghiệp có nhu cầu nhưng ít học sinh chọn học nghề - Ảnh 2.

Mỗi năm, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM đối với người có bằng tốt nghiệp CĐ và trung cấp là 38%

MỸ QUYÊN

NHIỀU NGÀNH HỌC HẤP DẪN, CÓ VIỆC LÀM NGAY

Cô Phạm Hồng Loan cho biết tại Trường Việt Khoa nói riêng và hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở TP.HCM nói chung, có rất nhiều ngành học phù hợp cho HS tốt nghiệp THCS và đây cũng là ngành học mà thị trường lao động đang rất cần.

"Trường có đào tạo 5 nhóm ngành thuộc khối kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán), kỹ thuật (công nghệ kỹ thuật ô tô), công nghệ (công nghệ thông tin và thiết kế đồ họa), ngôn ngữ (ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật) và dịch vụ du lịch (quản trị nhà hàng khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành). Có thể nói những ngành này đang rất "hot", doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn nên tốt nghiệp là có việc làm ngay", cô Hồng Loan chia sẻ.

Là người trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp, thầy Nguyễn Tiến Danh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ việc làm và quan hệ doanh nghiệp, cho hay: "Với đặc trưng 70% thời lượng là thực hành và 30% lý thuyết, chương trình đào tạo nghề giúp cho HS có kỹ năng thực hành, kỹ năng nghề nghiệp tốt nên doanh nghiệp rất đón nhận. Các em có những học kỳ ngay tại doanh nghiệp để vừa học tập, vừa trải nghiệm thực tế nên tốt nghiệp là dễ dàng tiếp cận công việc".

TP.HCM đặt mục tiêu năm 2030 thu hút 45 - 50% học sinh học nghề

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, UBND TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu về việc thu hút người học nghề. TP.HCM xác định việc phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Theo đó, đến năm 2025, TP sẽ thu hút từ 40 - 45% HS tốt nghiệp THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp, trong đó HS, sinh viên nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 45 - 50% và 35%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.