Doanh nghiệp ngóng được giãn nợ

24/04/2023 06:32 GMT+7

Đó là tâm lý của nhiều doanh nghiệp sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành 2 thông tư quan trọng liên quan đến việc hoãn nợ, giãn nợ và thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp cũng là gỡ cho ngân hàng

Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến về 2 dự thảo sửa đổi quan trọng. Đó là dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định NH mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Một trong những chi tiết quan trọng theo NHNN là cho phép các NH được mua lại TPDN đã bán ra đến trước 31.12.2023 (quy định hiện nay trong vòng 12 tháng các NH không được phép mua lại số TPDN đã phân phối). Điều này nhằm tham gia tháo gỡ áp lực về nguồn vốn, TP…, khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản (BĐS). Dù vậy, chưa biết khi nào những sửa đổi quy định này mới chính thức được áp dụng. Trong khi đó, tham vấn ý kiến các DN, đa số đều cho rằng giai đoạn này còn khó khăn bội phần so với thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Rất nhiều DN dòng tiền không có, doanh thu không có, tài chính báo động. Nếu không giãn nợ, khoan nợ thì bế tắc cho DN và từ đó hệ lụy đến cả NH.

Doanh nghiệp ngóng được giãn nợ - Ảnh 1.

Quy định giãn nợ, hoãn nợ và khơi thông trái phiếu DN sẽ giúp các DN bất động sản hồi phục

Đình Sơn

Theo ông Lê Trọng Khương, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, nếu tình hình không có gì chuyển biến, khả năng công ty bị nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, nếu quy định cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ có sớm, các DN sẽ bớt khó khăn hơn. Tương tự, đại diện Tập đoàn Novaland cũng mong muốn NHNN sớm cho phép các DN BĐS và xây dựng được phép tái cơ cấu, gia hạn, ân hạn các khoản nợ đến hạn trong 24 - 36 tháng và không bị chuyển nhóm nợ làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Các tổ chức tín dụng đồng hành, chia sẻ với DN bằng cách giảm lãi suất, phí. Ngoài ra cũng nên cho phép khách hàng được gia hạn thanh toán gốc và lãi vay tối đa 24 tháng. Vị này phân tích: ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cùng việc xáo trộn thị trường TP, chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua đã bào mòn sức lực của các DN. Việc hỗ trợ đưa lãi suất về mức phù hợp sẽ giúp hồi phục thị trường, giúp các DN BĐS tăng sức chịu đựng, có thời gian tháo gỡ được pháp lý dự án và tiếp tục phát triển.

Đại diện Tập đoàn Nam Kim chia sẻ, công ty không phát hành TP, không tham gia lĩnh vực BĐS, nhưng thị trường này "đóng băng" khiến ngành vật liệu xây dựng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy cần có những giải pháp để thị trường ổn định, đặc biệt là phải tăng sức mua. Hiện nay lãi suất cho vay vẫn còn quá cao, người dân không đầu tư mà đem tiền gửi NH và thiếu niềm tin. Do đó, để lấy lại niềm tin cho thị trường, cần tháo gỡ pháp lý cho các dự án, DN làm đúng. 

"Việc khoanh nợ, giãn nợ lúc này là cấp thiết vì DN có thể phá sản, kéo theo cả hệ thống NH và cả nền kinh tế bị vạ lây. Khi thực hiện chính sách này cần phân loại, DN có tài sản đủ mới được cơ cấu, để DN không bị chết lâm sàng; còn DN nào yếu kém cần phải mạnh tay xử lý. Tùy theo mức độ của DN mà có thể khoanh nợ trong thời gian 2 - 3 năm. NH là đơn vị nắm rõ nhất sức khỏe của DN và nhà đầu tư. Nếu DN còn tiềm năng, có thể hồi phục thì cần được hà hơi tiếp sức. Đây là phương án chữa cháy ngắn hạn nhưng rất cần thiết. Gỡ pháp lý lẫn tài chính sẽ giúp "dòng máu" lưu thông, sức khỏe DN sẽ ổn định trở lại", vị này cho hay.

Tiếp sức, khơi thông thị trường trái phiếu

Tại cuộc họp với NHNN ngày 22.4, Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện dự thảo thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp. Đồng thời, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Về dự thảo sửa đổi Thông tư 16/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường TPDN để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay TPDN. Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NH hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và DN. Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc hoãn nợ, giãn nợ cho các DN là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, NHNN nên xem xét mở rộng các phương án. Ví dụ vẫn để các NH tự xem xét chuyển nhóm nợ đối với từng DN nhưng vẫn cho DN được vay với lãi suất như trước khi chuyển nhóm nợ. Đồng thời không áp dụng thêm bất cứ điều kiện chế tài nào khác đối với DN. Song song đó vẫn cho phép NH thương mại không tăng tỷ lệ dự phòng đối với khoản vay này lên nhóm nợ mới. Việc ghi nhận chuyển nhóm nợ nhằm minh bạch báo cáo tài chính của các NH. Đồng thời NHNN cũng có thể theo dõi chi tiết được tình hình chất lượng tín dụng của các NH. Riêng đối với việc chỉnh sửa Thông tư 16/2021 liên quan việc NH mua TPDN, trên thực tế có thể các NH cũng sẽ xem xét và không dễ dàng mua lại TPDN đã phát hành. Nhưng điều này cũng mở đường cho thị trường TPDN hồi phục trở lại, nhất là niềm tin của trái chủ tăng cao hơn. Nhìn chung, cả 2 thông tư này nếu được ban hành sớm sẽ có tác dụng tích cực đến thị trường tài chính nói chung và ngành BĐS nói riêng, góp phần giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đồng tình, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận định việc cho phép các NH mua lại TPDN đã bán ra là giải pháp tích cực trong ngắn hạn. Bởi các DN BĐS nếu bị "chết" thì kéo theo hàng loạt đơn vị, ngành nghề liên quan lẫn các trái chủ hay NH. Những khó khăn của DN hiện nay đa số đều bị dòng tiền kinh doanh âm nên chủ yếu trông chờ vào thị trường tài chính để tài trợ vốn. Vì vậy việc khơi thông thị trường cổ phiếu, TP nói chung là rất quan trọng. Song song đó, TS Điền nhấn mạnh: Chính phủ cần phải đẩy nhanh việc gỡ vướng về khung pháp lý mới có thể giúp thị trường BĐS hồi phục nhanh. Bởi nếu chỉ khơi thông dòng vốn nhưng nhiều dự án bị vướng pháp lý, đặc biệt là việc định giá đất kéo dài bao nhiêu năm vẫn không xong thì dự án không triển khai hay không hoàn thành, từ đó DN không bán hàng được cũng sẽ tiếp tục có nguy cơ phá sản. Chỉ khi áp dụng song song, các dự án được khởi động lại cùng với giải pháp về dòng vốn, tiền tệ mới cùng nhau có hiệu quả.

"Chúng ta vẫn hiểu rằng hoãn nợ, giãn nợ chỉ là giải pháp tình thế. Hay như cho phép NH mua lại TPDN đã phát hành thì thực tế vẫn còn tùy thuộc vào quyết định của từng NH. Về dài hạn, việc DN huy động vốn thông qua phát hành TP là để khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân đưa vốn vào sản xuất mà không chỉ phụ thuộc vào hệ thống NH. Vì vậy cũng không khuyến khích NH tham gia nhiều vào kênh này".

TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.