Bà lão nhặt rác ở Hồ Gươm tay không bắt ‘tăm tặc’

26/02/2017 14:39 GMT+7

Tuổi 67, hành nghề nhặt rác ven Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Trần Thị Nậm nhiều lần bắt tận tay hành vi lừa đảo của những người bán tăm dạo, đưa lên công an phường.

Gần đây nhất, ngày 18.2, khi đang nhặt rác, bà Nậm phát hiện một thanh niên bị nhóm các cô gái xúm quanh, bắt thanh toán 500.000 đồng cho một gói tăm nhỏ vừa cầm. Quá bức xúc, bà Nậm đã xông tới, túm tóc một cô gái, đưa lên công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm giải quyết.

tin liên quan

Bà cụ 79 tuổi mất ngủ trước những mảnh đời khó khăn
Bà Đào Thị Biểu (79 tuổi), Phó chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long là 1 trong 4 cá nhân tiêu biểu của cả nước vừa được trao giải thưởng KOVA năm 2015 hạng mục sống đẹp.
Công an phường Tràng Tiền xác nhận cô gái này 21 tuổi, trú ở ngoại thành Hà Nội, vì không xuất trình được giấy tờ của tổ chức từ thiện, bị xử phạt hành chính 200.000 đồng với hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bà lão nhặt rác nghèo khó
Chúng tôi tới tìm gặp bà Trần Thị Nậm, bà cho hay vẫn không ngần ngại tiếp tục tố giác những đối tượng lừa đảo ngoài đường phố.
Quê ở thôn Tứ Giáp, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, Hà Nam, bà Nậm lên Hà Nội mưu sinh từ tháng 3.1988, sau khi ly hôn với chồng ở quê nhà.
Không có tiền để thuê trọ, hằng đêm, sau khi kết thúc công việc của mình, bà Nậm tìm các vỉa hè để ngả lưng tới tờ mờ sáng.
Bà cho hay, từ năm 2015, bà phát hiện một nhóm thanh niên gồm 10 -14 người, cả trai lẫn gái, trên người đeo một túi nhỏ, trên tay cầm quyển sổ với một cây bút, nữ thì đứng tụ tập một chỗ, nam đứng cách đó một đoạn… có dấu hiệu lừa đảo thông qua việc bán tăm.
Bà Nậm cho biết không sợ những kẻ lừa đảo Ảnh: Trường Hùng
“Đối tượng của chúng là những thanh niên tỉnh lẻ và sinh viên. Khi thấy “con mồi” đi một mình, hoặc đi hai người, không cứ là gái hay trai, trước tiên chúng nói là có việc cần nhờ, sau đó hỏi tên tuổi, quê quán, số điện thoại, hỏi xong, chúng yêu cầu ký vào sổ, rồi đưa cho gói tăm rồi hét giá cao. Nếu khách mang đồ xịn trên người như máy ảnh, điện thoại xịn thì hét giá 300.000, 500.000, nếu không đưa tiền, họ sẽ tụ tập lại, kêu các thanh niên tới đe doạ”, bà Nậm kể lại.
Bà nói, kể từ khi phố đi bộ Hồ Gươm hoạt động, nhóm đối tượng bán tăm lừa đảo này hoạt động mạnh hơn, khi có nhiều người qua lại Hồ Gươm hơn.
Nhiều lần bị những kẻ bán tăm này đe dọa: “Có thích tắm hồ không?”, “Tập trung đánh cho con già này một trận”… Tuy nhiên, bà Nậm cho biết không sợ hãi trước những lời đe doạ đó. Để bắt được quả tang, mỗi khi thấy nhóm tăm tặc đang “bán tăm” ở đâu, bà ẩn vào những chỗ đông người, đến khi họ bắt người mua ký vào sổ, đòi tiền, bà mới chạy ra hô hoán.
Trước trường hợp ngày 18.2, bà cũng bắt được một vụ lừa đảo tương tự và đưa đối tượng lên công an phường Tràng Tiền.
Ông Phạm Bình Quang, 63 tuổi, nhà ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội, chạy xe ôm gần Hồ Gươm, chia sẻ: “Tôi ủng hộ bà ấy, hành động của bà ấy là tốt, nhặt rác làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp; tố giác tội phạm để giữ gìn an ninh… nhiều lúc bà ấy còn nhặt được tiền mà còn trả lại cho người mất”.
Bà Nậm nhiều lần trả lại của rơi cho người làm rơi. Chiều tối 9.4.2016, bà trả lại 2 chiếc điện thoại iPhone 6 nhặt tại gần số nhà 48 Hàng Ngang cho 2 du khách nước ngoài, được họ cảm ơn mãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.