Trang cá nhân facebook của bác sĩ Trần Quốc Khánh không kém người nổi tiếng khi anh có gần 20.000 người theo dõi, số người gửi kết bạn mỗi ngày nhiều không đếm được. Tối 10.1, chương trình live stream đầu tiên của bác sĩ Khánh “10 vấn đề sức khỏe cột sống thường gặp trong cuộc sống” trong vài giờ đồng hồ có 14.000 lượt xem, hơn 300 lượt chia sẻ và hàng trăm lượt bình luận.
Chia sẻ về việc ứng dụng facebook trong tương tác với các bệnh nhân, bác sĩ Khánh cho hay: “Các vấn đề thường gặp về
cột sống rất phổ biến, trong khi không phải người bệnh nào ở Việt Nam cũng có thể hiểu tường tận về nó. Trong quá trình làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, tôi lắng nghe rất nhiều những trăn trở, băn khoăn của mọi người ví dụ như bị thoái hóa cột sống có phải mổ không, có phải phẫu thuật cột sống là 50% nguy cơ bị liệt…
Trong khi đó facebook bây giờ quá phổ biến với mọi người. Tôi mong muốn mọi người dân, từ những bác bán rau ở chợ cho tới những người nông dân đều có thể xem chương trình của tôi và tự tìm cho mình câu trả lời hữu ích”.
[VIDEO] BÁC SĨ TRẦN QUỐC KHÁNH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO THANH NIÊN
THỰC HIỆN: ĐÌNH HIẾU - THÚY HẰNG
|
Theo bác sĩ Khánh, anh dùng ngay điện thoại di động của mình để quay, chuẩn bị chân máy và thiết bị lọc âm để âm thanh, hình ảnh rõ nét nhất. Ngoài một số câu hỏi mà các bệnh nhân thường hỏi về cột sống do anh chuẩn bị trước, trong quá trình phát trực tiếp, người bệnh hỏi thêm, bác sĩ Khánh đều trả lời tận tình.
Trước khi ứng dụng “công nghệ cao”, nhiều năm trước đây bác sĩ Trần Quốc Khánh đã tự thực hiện nhiều video Clip “nguội” tư vấn về khám, điều trị bệnh cột sống cho bệnh nhân, đăng tải trên fanpage và trang web của riêng anh để tư vấn miễn phí.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Khánh, phát trực tiếp trên facebook mang lại hiệu quả cao hơn khi anh có thể lắng nghe câu hỏi của bệnh nhân và người nhà, giải đáp ngay lập tức, một lúc lan tỏa tới hàng nghìn người xem, miễn là có điện thoại thông minh và tài khoản facebook.
“Tôi sẽ thực hiện thêm các chương trình khác, tuy nhiên mật độ sẽ không dày đặc. Tôi sẽ lắng nghe tâm tư của người bệnh để có chương trình thiết thực nhất”, bác sĩ Khánh chia sẻ.
Bác sĩ nặng lòng với người nghèo
Bác sĩ Trần Quốc Khánh sinh ra trong một gia đình nghèo xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, Nghệ An, một xã rẻo cao, sát biên giới với Lào. Nơi đây trẻ con phải đi bộ 18 km mới tới được trường tiểu học. Năm 6 tuổi, anh Khánh về sống cùng ông bà nội ở một xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh để được đến trường. Anh xa bố mẹ từ đó cho đến khi đỗ Đại học Y Hà Nội và vào công tác tại Bệnh viện Việt Đức đến tận bây giờ.
Khó khăn nhưng ham học và học giỏi, lớp 12, anh Khánh đạt học sinh giỏi quốc gia môn sinh học và được tuyển thẳng vào một trường đại học bất kỳ. Anh quyết định Đại học Y Hà Nội, dù trước đó có nghĩ đến Đại học Sư phạm. Bác sĩ Khánh kể lại: “Trong một lần đang đạp xe về nhà, tôi gặp một cụ già đang đi bộ trông rất thương, tôi mời cụ lên xe, dọc đường cụ kể, con trai đang ốm nặng lắm, không có tiền chữa bệnh, nhà chỉ có một con trâu. Từ giây phút ấy, tôi biết mình phải trở thành bác sĩ để có thể giúp được nhiều người khốn khổ”.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh đang live stream từ chiếc điện thoại của mình
|
Anh Khánh tốt nghiệp khoa bác sĩ đa khoa, khóa 100 Đại học Y Hà Nội, sau đó học tiếp 3 năm bác sĩ nội trú. Năm 2008, anh vào làm việc tại Bệnh viện Việt Đức, Khoa phẫu thuật cột sống. Trong suốt hơn 8 năm làm việc tại đây, bác sĩ Khánh nhiều lần kết nối các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cùng những người bạn, các tổ chức, doanh nghiệp đến khám chữa bệnh miễn phí, tặng thuốc bổ, thuốc chữa bệnh, quần áo, lương thực cho
bệnh nhân nghèo ở các tỉnh nghèo như: Yên Bái, vùng lũ Hương Sơn, Hà Tĩnh…
Mới đây, bác sĩ Khánh vận động nhiều người bạn của mình cùng giúp đỡ mang về cho trẻ em trường THCS Thạch Bình (xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh) 8 tủ sách ý nghĩa.
Bác sĩ Khánh đang ấp ủ dự định lớn trong năm 2017, ra mắt “Quỹ đầu tư phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo”, nơi tiếp nhận lòng hảo tâm của bất cứ ai muốn giúp đỡ những người nghèo được phẫu thuật.
Bác sĩ Khánh bộc bạch: “Với tôi, nơi nhiều lời nguyện cầu nhất là bệnh viện chứ không phải đền chùa nào cả. Tôi từng bị ám ảnh đến mức không ngủ được khi thấy giọt nước mắt tuyệt vọng của một người cha ở vùng núi Tây Bắc khi đứa con 13 tuổi của họ bị ngã, chảy máu trong não, chấn thương gãy gục cột sống cổ, vỡ xương chậu, không biết sống chết ra sao. Rồi tiếng kêu gào của một bà mẹ khi người con trai 30 tuổi của mình bị tai nạn, có nguy cơ ngồi xe lăn suốt đời, 2 đứa con nhỏ của anh không biết trông cậy vào ai. Rất nhiều người nghèo rất cần tiền để được phẫu thuật”.
Bác sĩ Khánh trong một lần đi từ thiện tặng quần áo ấm cho trẻ em vùng núi Yên Bái
|
Trong năm 2017, bác sĩ Khánh cũng sẽ lập quỹ khuyến học. Với quỹ này, anh hy vọng mình và các bạn bè có thể mỗi năm giúp đỡ 1 - 2 sinh viên nghèo Trường đại học Y Hà Nội trở thành những bác sĩ giỏi vì cộng đồng.
Một ngày của bác sĩ Khánh trôi qua rất nhanh bên những công việc chuyên môn và việc làm thiện nguyện. Tuy nhiên, vị bác sĩ trẻ, người cha của hai đứa con nhỏ cho hay, với anh, sống là cho đi, là để in dấu, không phải sống cho riêng mình. Anh chia sẻ: “Tôi không trông mong sẽ nhận lại gì sau những việc mình làm. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy vui, hạnh phúc. Tôi biết rằng bố mẹ, bà nội của tôi và các con tôi đều vui, tự hào về mình, thế là đủ”.
Bình luận (0)