Báo cáo môi trường chỉ “lướt” qua Formosa: Hời hợt với những bức xúc về môi trường

01/10/2016 16:06 GMT+7

Bài viết Báo cáo môi trường chỉ “lướt” qua Formosa trên Thanh Niên số ra ngày 30.9 nhận rất nhiều ý kiến của bạn đọc, trong đó bức xúc về cách làm hời hợt của cơ quan chức năng.

Mục đích của báo cáo
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia phải cung cấp được toàn cảnh môi trường của đất nước, những nguyên nhân và giải pháp. Căn cứ báo cáo này, các sở TN-MT ở các tỉnh, thành mới kết hợp cùng các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp để khắc phục sự cố, cải thiện môi trường ngày một tốt đẹp. Đó là ý nghĩa tốt đẹp của báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia. Thế nhưng, với những gì mà bài báo phản ánh thì rõ ràng báo cáo còn quá hời hợt, không phản ánh hết những bức xúc môi trường hiện nay.
Đỗ Thành Phong
(H.Củ Chi, TP.HCM)
Hình như làm cho có
Đành rằng báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2011 - 2015 nghĩa là chỉ báo cáo trong khoảng thời gian đó, không thể đưa chi tiết môi trường năm 2016 vào. Tuy nhiên, thảm họa môi trường do Formosa gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, trong khi báo cáo này công bố vào cuối tháng 9.2016 thì cần nhấn mạnh chứ tại sao lại “lướt” qua rồi thôi? Mục đích của báo cáo không phải là để… cho vui mà để từ đó có hướng khắc phục, giải quyết những vấn đề về môi trường cũng như ứng phó với môi trường trong tương lai. Nếu không đưa vụ Formosa vào báo cáo này thì có khi đợi đến khi công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 - 2020 mới đưa vào thì lúc đó còn gì để khắc phục, xử lý nữa?
Đào Nguyễn Lan Phương
(TP.Rạch Giá, Kiên Giang)
Đừng sợ trách nhiệm
Formosa gây ra thảm họa môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như đời sống, kinh tế của người dân. Đến cá, tôm còn không sống được trong chất thải của Formosa thì con người liệu có chết dần chết mòn khi sống cạnh nhà máy này hay không? Do đó, báo cáo môi trường cần phải đưa vào một cách chi tiết thảm họa ô nhiễm này. Xin đừng sợ trách nhiệm mà né tránh. Nếu vì sợ trách nhiệm mà lơ là trong báo cáo dẫn đến hệ quả là hàng triệu người dân mắc bệnh do sống gần nhà máy hoặc ăn phải cá nhiễm độc hóa chất của Formosa thì tương lai đất nước này sẽ ra sao?
Hồ Phương Nga
(Q.8, TP.HCM)
Kết hợp từ địa phương
Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều địa phương chưa có nước máy thì nguồn nước giếng ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng do tình trạng xả thải từ các nhà máy ra sông, suối… Nhiều vùng quê miền Bắc, miền Trung bỗng nhiên người dân bị ung thư hàng loạt, nhiều căn bệnh lạ xuất hiện. Những sự kiện này thì các sở TN-MT phải tìm hiểu và đưa vào báo cáo để Bộ TN-MT nghiên cứu, kết hợp với Bộ Y tế có hướng giải quyết giúp người dân.
Huỳnh Quang Dũng
(TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Giải pháp tối ưu
Trong bối cảnh ô nhiễm bủa vây từ mọi phía thì điều người dân quan tâm nhất là tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Nếu nguyên nhân bắt nguồn từ con người thì con người phải dừng ngay hoạt động của mình lại, cần có phương án để giải quyết hậu quả về ô nhiễm môi trường. Nếu nguyên nhân đến từ tự nhiên thì giải pháp là gì, trong bao lâu thì trả lại môi trường trong sạch cho người dân. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì môi trường phải trong lành, không bị ô nhiễm nặng.
Đặng Thị Tuyền
(TP.Vinh, Nghệ An)
Môi trường và sức khỏe
Không bàn tác động môi trường đến sức khỏe con người thì báo cáo làm gì? Bất kỳ một công việc nào của bộ máy nhà nước cũng đều phục vụ cho đời sống của nhân dân. Vậy mà đánh giá môi trường lại không đề cập đến việc ô nhiễm môi trường sẽ có tác động đến sức khỏe con người như thế nào, việc phòng tránh, khắc phục ô nhiễm môi trường ra làm sao… là điều quá thiếu sót. TP.HCM và Hà Nội là hai đô thị có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng và ngày càng nặng. Tôi quan tâm xem liệu trong báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia có đề cập đến 2 địa phương này hay không và giải quyết vấn đề ô nhiễm ở những nơi này bằng cách thức nào?
Mai Quang Lâm
(Q.Tân Phú, TP.HCM)
Huỳnh Minh Phương
Nhắc đến ô nhiễm do Formosa gây ra thì người dân ai cũng ớn lạnh. Đây là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất từ trước đến nay tại VN. Vì thế, việc “lướt” qua Formosa trong báo cáo là điều mà người dân cảm thấy bất bình.
Huỳnh Minh Phương
(H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Trịnh Thành Thông Thái
Dễ nhận thấy sự thiếu trách nhiệm, thậm chí bao che từ các cơ quan bảo vệ môi trường đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Do đó, cần kiến nghị thay đổi các quy định của pháp luật theo hướng chế tài mạnh hơn đối với cá nhân, doanh nghiệp gây ra ô nhiễm lẫn cán bộ, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Trịnh Thành Thông Thái
(Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.