Tảo hôn là hành vi tổ chức kết hôn hoặc kết hôn sớm khi trai chưa tròn 20 tuổi, gái chưa tròn 18 tuổi. Tổ chức kết hôn hoặc kết hôn là quyền tự do của công dân nhưng nếu vi phạm các quy định luật pháp về độ tuổi kết hôn là có dấu hiệu phạm tội hình sự. Bộ luật Hình sự của nước ta có tội danh tổ chức tảo hôn, tảo hôn được chế định tại điều 148.
tin liên quan
Cứ 7 giây, có một bé gái dưới 15 tuổi 'lấy chồng'Thông tin “sốc” về nạn tảo hôn trên thế giới được đưa ra trong một báo cáo được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Save the Children được công bố hôm10.10.
Ở chừng mực nào đó, tảo hôn là tệ nạn của xã hội phong kiến lạc hậu còn rơi rớt lại. Nền nông nghiệp truyền thống ngày xưa chưa phát triển, người ta cần đến sức người để làm ruộng. Do nhu cầu này, người ta tổ chức kết hôn sớm cho con trai, con gái để… có con đàn cháu đống sớm.
Trai lớn lên 16, 17, 18 tuổi đã phải lấy vợ; gái lớn lên 14, 15, 16 tuổi đã phải lấy chồng. Lập gia đình sớm thì có con sớm, có con sớm thì năng lực lao động mới có đủ để chăm lo việc sản xuất.
Tảo hôn còn là hệ quả không mong muốn của một vài thực tế xã hội khác, chủ yếu là do áp lực từ các tập tục, lề thói của xã hội phong kiến mà ra. Một lứa đôi đã hứa hôn, đáng lẽ phải đợi một vài năm nữa lớn lên đầy đủ mới tổ chức cưới hỏi.
Thế nhưng, một trong hai gia đình có cha hoặc mẹ, đôi khi là ông bà nội, bệnh nặng hoặc sắp chết. Quy ước của xã hội phong kiến cũ là phải để tang ba năm. Người ta sợ ba năm thì quá dài hoặc quá lâu, có thể phát sinh trắc trở nhân duyên cho lứa đôi. Vì vậy phải tổ chức cưới gấp. Trường hợp tảo hôn này được gọi là “cưới chạy tang”.
Điều đáng buồn là một bộ phận thanh niên, thiếu nữ trong các vùng sâu vùng xa và trong các cộng đồng dân tộc thiểu số trên đất nước ta ngày nay vẫn giữ tập tục tảo hôn, cho rằng đó là việc bình thường và không biết mình đang vi phạm quy định pháp luật. Xem nhiều phóng sự truyền hình về cuộc sống bà con các dân tộc, chúng ta thật xót xa khi thấy các cô gái mới 15, 16 tuổi đã làm mẹ; những chàng trai mới 16, 17 tuổi đã làm cha.
Họ là những học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mới chỉ học lớp 7, lớp 8. Có thể họ chỉ mới quen biết nhau, chưa hề yêu thương nhau và thậm chí cũng chưa biết yêu là gì. Vậy nhưng, vâng lệnh gia đình đôi bên, họ đã phải kết hôn quá sớm. Các bà mẹ trẻ vụng về đến nỗi không biết cho con bú thế nào; các ông bố trẻ khi đứa con bị ấm đầu cũng chẳng biết phải đưa nó đi nơi nào để khám.
Vậy nhưng phần lỗi lầm trong tảo hôn không thuộc về họ. Những nhân vật chịu trách nhiệm chính và đáng trách nhất trong các cuộc tảo hôn này là cha mẹ đôi bên. Bà con ta thường tự nhận không biết pháp luật hoặc cũng biết nhưng vẫn ỷ mình ở vùng sâu vùng xa, cơ quan chính quyền và luật pháp khó để mắt tới.
Vì vậy mà cứ tổ chức tảo hôn rầm rầm. Hệ quả là sự đói nghèo, sự suy thoái giống nòi, sự yếu kém văn hóa chữ nghĩa cứ bủa vây những gia đình trẻ. Nhiều thế hệ thanh niên, thiếu nữ đã phải cam chịu đời sống thiệt thòi như vậy.
Nhiều khi, cơ quan pháp luật hiểu ra những trường hợp tảo hôn nhưng cũng không nhẫn tâm tiêu hôn hay khởi tố, xử phạt họ. Gạo đã nấu thành cơm rồi; họ đã sống chung nhiều năm và đã sinh ra hai, ba mặt con. Lòng nhân khiến người ta không nỡ chia lìa những đôi lứa đã có con.
Ở châu Á, tỷ lệ tảo hôn cao nhất tập trung vào nước Nepal. Thanh niên thiếu nữ nước này khi mới vừa dậy thì, thậm chí còn chưa kịp dậy thì đã bị gia đình buộc phải lấy chồng, lấy vợ. Truyền thống đạo lý của họ cũng không cho phép con cái có ý kiến ngược lại với ý muốn cha mẹ mình. Cho nên, có những cô bé mới 14, 15 tuổi đã bụng mang dạ chửa; những anh chồng 16, 17 tuổi làm lụng vất vả trăm bề mà miếng ăn vẫn thiếu. Tổ chức Liên Hiệp Quốc rất phàn nàn về tình trạng tảo hôn này.
Sau Nepal, những quốc gia khác như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh cũng có tỷ lệ tảo hôn cao. Người ta đem các bé gái cỡ 11, 12 tuổi gả (hoặc bán) cho những người đàn ông 40, 50 tuổi. Những đôi đũa lệch này tạo ra rất nhiều bi hài kịch trong cuộc sống xã hội. Đại khái tình trạng đa thê cho phép đàn ông cưới (hoặc mua) nhiều vợ, còn tình hình “sử dụng” thì ít ai bàn tới.
Chúng ta thấy rằng việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người chưa thành niên là trách nhiệm của toàn xã hội và tất cả mọi gia đình. Thế nhưng, bởi các em gái là đối tượng dễ bị xâm hại nhất nên việc quan tâm bảo vệ, chăm sóc bé gái phải được ưu tiên quan tâm nhiều nhất. Một trong những hoạt động quan tâm cần thiết là các bậc cha mẹ đừng bao giờ buộc con gái mình phải tảo hôn.
Cả hai bên gia đình thực hiện tảo hôn đều đưa ra những lý do biện minh nhưng đối với cơ quan pháp luật, không có lý do nào là chính đáng và phù hợp pháp luật cả. Hành vi tổ chức tảo hôn được xác định là hành vi vi phạm pháp luật. Các bậc cha mẹ không được nói con của tôi, tôi muốn gả cưới lúc nào cũng được.
Mong sao ngay cả các em thiếu niên, thanh niên, thiếu nữ trẻ cũng hiểu được quyền hạn mà luật pháp đã đem lại cho tuổi của các em nhằm bảo vệ chính các em. Hãy nhớ rằng các em có quyền lên tiếng chống lại việc tổ chức tảo hôn và tảo hôn khi em là một trong hai đối tượng của tệ nạn đó.
Ở đây không phải việc khuyến khích các em cãi lại ông bà, cha mẹ của mình mà là mong muốn các em khéo léo và lễ phép dùng các quy định pháp luật về độ tuổi được kết hôn, đưa ra những hậu quả nguy hiểm của nạn tảo hôn để xin ông bà, cha mẹ đừng buộc các em phải tảo hôn.
Các em nên hiểu rằng một cuộc hôn nhân mà vợ mình (chồng mình) là người không quen biết, hoặc có quen biết nhưng chưa hề thương yêu nhau thì khó có thể nói là hôn nhân bền vững. Các em nên hiểu khi vợ mình (chồng mình) chưa phát triển thân thể đầy đủ; chưa sẵn sàng để làm vợ, làm chồng, làm mẹ, làm cha thì tốt nhất là khoan cưới hỏi.
Hôn nhân là cuộc sống bên nhau trọn đời mà khi tảo hôn, các em sẽ vướng vào các hệ lụy nghèo túng, bệnh tật, suy thoái giống nòi, như vậy tốt nhất là bản thân em phải biết chống lại tảo hôn.
Kêu cứu ở đâu? Hãy mạnh dạn trình bày với thầy cô trong trường, chủ tịch xã, trưởng công an xã hay chủ tịch hội phụ nữ xã... Tất cả những vị này sẽ có cách giúp em thoát khỏi cái vòng tảo hôn bị áp đặt.
Bình luận (0)