(TNTS) Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã tìm thấy Kepler-452b, một hành tinh được cho là giống trái đất, có thể có nước trên bề mặt và hệ thực vật phát triển.
Trái đất (trái) nhỏ hơn hành tinh Kepler-452b
|
Thích hợp cho sự sống phát triển
Theo tờ The Independent, hành tinh Kepler-452b còn được gọi là “Trái đất 2.0” với nhiều đặc điểm thích hợp cho sự sống phát triển. Kepler-452b là hành tinh giống trái đất nhất mà NASA từng phát hiện ra. Hành tinh này ấm hơn và có đường kính lớn hơn khoảng 60% so với trái đất.
Một năm trên “Trái đất 2.0” là 385 ngày, tức dài hơn 20 ngày so với một năm trên địa cầu và đây là thời gian để Kepler-452b quay hết một vòng xung quanh ngôi sao chủ của nó. Ngôi sao chủ của Kepler-452b có độ tuổi nhiều hơn mặt trời của chúng ta khoảng 1,5 tỉ năm. Nếu một hành tinh ở quá gần sao chủ, nó sẽ quá nóng, không thể hình thành sự sống. Nếu ở quá xa, hành tinh sẽ quá lạnh và cũng không thể hình thành sự sống.
Trong khi đó, Kepler-452b đã trải qua hàng tỉ năm bay xung quanh và giữ khoảng cách lý tưởng với ngôi sao chủ. Các dữ liệu phân tích cho thấy “Trái đất 2.0” có thể có sự sống nảy sinh trên bề mặt hoặc từng có sự sống tồn tại.
Tàu thăm dò vũ trụ Kepler - Ảnh: Daily Mail
|
Kepler-452b có thể có nhiệt độ thích hợp để nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt và từ lâu, chúng ta đã biết đây là yếu tố cơ bản để hỗ trợ sự sống. John Coughlin, một nhà nghiên cứu tại Viện SETI ở bang California, Mỹ, cho hay dựa trên kích cỡ, độ tuổi của Kepler-452b, nó có khả năng là một hành tinh đá. Điều này có nghĩa là Kepler-452b có thể có một hệ thống núi lửa dưới bề mặt của nó. Kepler-452b lớn hơn trái đất, ước tính nó có trọng lực mạnh gấp đôi hành tinh của chúng ta và điều này vẫn thích hợp cho sự sống tồn tại ở đó. Nhà khoa học Jon Jenkins cho hay con người có thể thích nghi với trọng lực trên và cơ thể có khả năng rắn chắc hơn qua nhiều thế hệ.
“Con người đã sẵn sàng thích nghi với trọng lượng nặng. Cơ thể người có khả năng tự sửa chữa và do vậy, theo thời gian, con người có thể thích nghi”, Jenkins nói.
|
Theo Jenkins, ánh sáng mặt trời từ ngôi sao chủ của Kepler rất giống với ánh sáng mặt trời của chúng ta và cây cối có thể quang hợp tương tự như trên trái đất. Tiến sĩ Daniel Brown, một chuyên gia thiên văn học thuộc Đại học Nottingham Trent, cho hay: “Kepler-452b nhận được quang phổ và cường độ ánh sáng giống như trái đất. Nếu Kepler-452b là một hành tinh đá và có bầu khí quyển, cây cối từ hành tinh của chúng ta có thể phát triển ở đó”.
Tìm ra “trái đất thứ hai”
Theo CNN, kính viễn vọng không gian Kepler đã tìm thấy hành tinh mới và nó được đặt tên là Kepler-452b. Trước đó, tàu vũ trụ Kepler trị giá 600 triệu USD đã được phóng lên vũ trụ từ năm 2009 với mục đích nghiên cứu dải Ngân hà để tìm ra những hành tinh có sự sống. Nằm cách địa cầu khoảng 102 triệu km, Kepler được thiết kế với nhiệm vụ tìm kiếm hành tinh giống trái đất. Hành tinh này phải có quỹ đạo bay trong vùng thích hợp quanh ngôi sao mẹ giống như mặt trời.
Điều này có nghĩa hành tinh nằm trong khu vực nhiều khả năng có sự sống, có khoảng cách lý tưởng từ hành tinh đến sao mẹ và là nơi có thể tồn tại nước ở dạng lỏng. Trong vũ trụ, vô số hành tinh có quỹ đạo bay quanh một ngôi sao chủ giống như trái đất quay quanh mặt trời và do vậy, rất khó để tìm ra những hành tinh giống như địa cầu của chúng ta. Tàu vũ trụ Kepler quan sát tại khu vực có khoảng 150.000 ngôi sao nằm trong các chòm sao Cygnus và Lyra. Kepler theo dõi lượng ánh sáng phát ra từ những ngôi sao trên, tìm kiếm sự sụt giảm ánh sáng của một ngôi sao và đây là dấu hiệu cho thấy có hành tinh đang bay qua nó.
Con tàu đã phát hiện ra hơn 1.000 hành tinh. Trong đó, có 12 hành tinh, bao gồm Kepler-452b, có kích thước gần gấp đôi trái đất và có quỹ đạo bay quanh sao mẹ nằm trong vùng có thể có sự sống. Cuối cùng, sau những năm tìm kiếm, NASA tuyên bố đã tìm ra “Trái đất 2.0” trong chòm sao Cygnus. Hành tinh Kepler-452b ấm áp, ẩm ướt và có thể có hệ thực vật phát triển.
Tuy nhiên, “Trái đất 2.0” cách địa cầu của chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là khoảng cách một tia sáng có thể đi được trong một năm. Ánh sáng di chuyển với vận tốc 1.080 triệu km/giờ. Ánh sáng từ mặt trời mất khoảng 8 phút để đến trái đất.
Gần đây, tàu thăm dò New Horizon rời quỹ đạo trái đất với vận tốc 58.536 km/giờ, nhanh hơn bất cứ tàu vũ trụ nào trước đó và nó đã chụp được những hình ảnh về sao Diêm Vương. Nếu một con tàu vũ trụ di chuyển với tốc độ này để chở con người đến Kepler-452b, phải mất 25,8 triệu năm để tới đó. Do vậy, con người hiện nay chưa thể đến được hành tinh này cho đến khi tốc độ của tàu vũ trụ được cải thiện trong tương lai.
Bình luận (0)