Cảnh sát giao thông làm ngơ, xe 'máy chém' ngang nhiên giữa Thủ đô

Sau vụ việc xe chở tôn cứa cổ, gây tử vong một học sinh tiểu học, PV Thanh Niên đã ghi nhận hình ảnh những cái bẫy chết người từ xe chở vật liệu nguy hiểm, vẫn ngang nhiên hoạt động trên đường phố Hà Nội.

Một thực tế gây bức xúc trong dư luận đó là tình trạng chở hàng cồng kềnh, vật liệu nguy hiểm diễn ra phổ biến và gây nguy hiểm chết người diễn ra nhan nhản mỗi ngày, mỗi giờ, tuy nhiên cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội chưa xử lý mạnh tay. Sau đây là những hình ảnh Thanh Niên ghi nhận trên đường phố Hà Nội.
Sáng 24.9, chiếc xe gắn máy cũ kỹ này chở theo những thanh sắt dài ngoằng từ hướng Ngã tư Sở tiến đến đường Cầu Giấy. Những thanh sắt dài trên 10 m, do đó, để lách khỏi đoạn đường đông đúc trên đường Láng, nhất là tại các nút giao như Láng - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh khi có nhiều người chờ đèn đỏ, người đàn ông này phải luồn lách, đánh võng. Ngã tư Láng - Nguyễn Chí Thanh có cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ bên hướng bên kia đường (hướng Trần Duy Hưng), tuy nhiên nhóm cảnh sát giao thông này để người đàn ông và những thanh sắt quá khổ chạy mất hút về phía Cầu Giấy Ảnh Phạm Dự
Trên đường Cầu Giấy, chúng tôi tiếp tục gặp một người đàn ông với chiếc xe ba gác chở những thanh sắt dài hơn 10 m và những tấm nhôm như thế này. Chiếc xe ngang nhiên lách trên đường Cầu Giấy, tiến thẳng về phía Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu mà không bị ai tuýt còi Ảnh Phạm Dự
Chiếc xe này được xuất phát từ đường Láng. Không chỉ chở hàng cồng kềnh, vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ, chiếc xe ba gác này còn được nối dây với một chiếc xe gắn máy khác để chiếc xe kéo theo chiều ngược lại. Ảnh Phạm Dự
Trong sáng 24.9, trên đường Trường Chinh, hai người đàn ông ngồi trên một chiếc xe ba gác tự chế chở theo những tấm kính lớn, cạnh sắc nhọn, mép các tấm kính không hề được bọc lót vải, giấy an toàn. Chiếc xe luồn lách trên con đường đông đúc Trường Chinh sau đó rẽ sang Tây Sơn, dừng đèn đỏ tại ngã tư Tây Sơn - Chùa Bộc và rẽ về Thái Hà Ảnh Phạm Dự
Dưới gầm cầu vượt Thái Hà, lực lượng CSGT vẫn đang đứng điều tiết giao thông, xử lý người tham gia giao thông đi sai làn, không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, khi thấy chiếc xe ba gác này và những tấm kính, không ai thổi còi. Hai người đàn ông trên chiếc xe dán nhãn “thương binh” lại lao lên phía trước vù vù Ảnh Phạm Dự
Trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, một chiếc xe ba gác chở những tấm tôn khiến người đi đường rợn tóc gáy. Chính kiểu chở tôn như thế này là nguyên nhân gây ra những tai nạn chết người, giống như vụ việc của cháu bé xảy ra chiều 23.9 trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai. Ảnh Ngọc Thắng
Đây là bức ảnh chụp hồi tháng 4.2016 trên phố Xã Đàn, Hà Nội. Người đàn ông này thấy có người chụp ảnh đã giơ tay phản đối, một mình anh ta chở theo những bó vật liệu xây dựng dài hơn chục mét dài loằng ngoằng trên Ảnh Ngọc Thắng
Một chiếc xe thô sơ chở những tấm nhựa được cuộn tròn, cồng kềnh trên phố. Ảnh chụp tháng 3.2016 Ảnh Ngọc Thắng
Hình ảnh quen thuộc trên phố Đê La Thành, Hà Nội. Để chở tôn, người đàn ông này dùng xe đạp và chằng tôn hai bên xe, dắt bộ Ảnh Ngọc Thắng
Không phải vật liệu nhôm, kính song hai người này có cách chở những cọc tre dài hàng chục mét trên phố bằng xe thô sơ nối với xe gắn máy. Ảnh chụp trên phố Xã Đàn tháng 6.2016 Ảnh Ngọc Thắng
Hình ảnh rợn tóc gáy này rất thường thấy trên đường phố Hà Nội. Ảnh chụp trên đường Trần Quang Khải đầu năm 2016 Ảnh Ngọc Thắng
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường chở hàng hóa phải đúng chiều cao, kích thước theo quy định.
Tại Khoản 4, điều 18, Thông tư 07/2010/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ cho các loại phương tiện chở hàng hóa lưu thông trên đường. Cụ thể như: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0 m.
Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1,0 m.
Theo quy định tại khoản 4 điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định có thể bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.