Cha mẹ bỏ rơi lúc lọt lòng, chàng trai Việt bại não tốt nghiệp cao đẳng ở Ai-len

14/07/2019 12:15 GMT+7

Bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng vì bại não, với sự trợ giúp của Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble, Ân Nguyễn Sheerin (28 tuổi) đã tốt nghiệp cao đẳng ở Ai-len và ước mơ được chăm sóc trẻ thiệt thòi.

Có lẽ không ai nghĩ rằng chàng trai 28 tuổi, bị bại não lại có thể tốt nghiệp cao đẳng. Vậy nhưng đó lại hoàn toàn là sự thật. Ân Nguyễn Sheerin không chỉ có được tấm bằng cao đẳng với ngành học chăm sóc trẻ em thiệt thòi trong tay, mà anh còn tốt nghiệp cả ngành bán lẻ. Hiện tại, Ân còn là người huấn luyện dẫn dắt đội bóng của trẻ em bị bại não ở Ai-len.

Lớn lên ở hiệp hội bảo trợ trẻ em

Không may mắn như những trẻ em khác, Ân Nguyễn bị bỏ rơi ở bệnh viện. Khi được Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble nhận về để điều trị, Ân bị chứng chậm phát triển và không thể bước đi.
Có lẽ cũng vì chứng bệnh của mình, nên Ân không nhớ nhiều về quá khứ. Ngay cả tên trên giấy khai sinh của mình là gì, Ân cũng không nhớ được. Nhưng anh rất thích mọi người gọi mình là Ân, vì Ân là tiếng Việt, là quê hương, cội nguồn của anh. Do đó, các câu chuyện kể của Ân về thuở nhỏ, chỉ là những mảnh ghép rời rạc, nhưng đó đều là những ký ức đẹp của chàng trai lớn lên nhờ tình yêu thương của cộng đồng.
Bên cạnh những tình nguyện viên, người Ân nhớ nhất là cô Christina Noble - người sáng lập ra hiệp hội mà Ân hay gọi với tên thân thương là Mama Tina đã chơi đùa với anh hằng ngày, chăm sóc anh từng li từng tí, kể cho anh nghe những câu chuyện gắn liền với tuổi thơ và cũng dạy cho cậu những bài hát như: Cả nhà thương nhau, Ngày đầu tiên đi học, I have a dream,…
Ngày nhỏ, Ân chỉ có thể đi trên các ngón chân của mình. “Tôi cũng từng thắc mắc, tại sao mình lại không giống mọi người bình thường, dù tôi rất khao khát được giống như họ nhưng thực sự dù cố gắng tôi cũng không thể nào đứng bằng bàn chân của mình”, anh nhớ lại.

Chuyến đi của hạnh phúc

Năm 9 tuổi, Ân được chính Mama Tina dẫn qua Ai-len để phẫu thuật giúp anh đi đứng được. Chuyến đi đó, với Ân là một hành trình thay đổi của cuộc đời. Ở Ai-len, Ân được hỗ trợ ở tại nhà bố mẹ nuôi tạm thời, bố mẹ nuôi cũng chính là người đưa Ân đi gặp bác sĩ định kỳ…

Hạnh phúc của Ân là được chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn

VŨ PHƯỢNG

Một bé gái ở hiệp hội

Vũ Phượng

Ân kể lại: “Vì qua Ai-len vào thời điểm giáng sinh nên rất lạnh, cảm xúc của tôi lúc đó lẫn lộn lắm, vui háo hức nhưng cũng lo lắng vì phải đến một nơi xa lạ và phải trải qua những cuộc phẫu thuật”.
Qua sự chăm sóc và chia sẻ cùng nhau, sau 2 năm ở Ai-len, gia đình nhận nuôi tạm thời quyết định muốn làm thủ tục để được chính thức nhận nuôi Ân nên đã đưa anh trở về Việt Nam làm giấy tờ. Rồi Ân được cha mẹ nuôi chăm sóc, đưa đến bệnh viện gặp bác sĩ và đưa đến trường như những bạn bè đồng trang lứa.

Những bước đi đầu tiên bằng bàn chân, mình cảm thấy vô cùng đau đớn nhưng lại rất tuyệt vời. Lúc đó, mình thấy mình đã được giống như mọi người nên hạnh phúc lắm. Khi đi được bằng hai bàn chân, mình cảm nhận được sự cân bằng của cơ thể và có thể chơi bóng đá được luôn

Ân Nguyễn Sheerin

Cũng ở Ai-len, Ân đã phải tập trị liệu về cách phát âm. Do vậy, tới nay Ân không nói được tiếng Việt mà giao tiếp bằng tiếng Anh. Vậy nhưng, những giai điệu về các bài hát tiếng Việt vẫn văng vẳng bên tai, anh có thể hát đi hát lại mà không bị sai từ nào.
Ân tâm sự: “Tôi thường xuyên nhẩm những bài hát tiếng Việt hồi nhỏ được học, vì những bài hát này giúp tôi nhớ về cội nguồn của mình và bớt đi nỗi nhớ khi ở xa Việt Nam”.
Năm 13 tuổi, Ân thực hiện ca phẫu thuật cuối cùng. Vượt qua mọi đau đớn, Ân cố gắng tập đi trên đôi bàn chân của mình. Và mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng, hiện nay Ân đã có thể đi được như người bình thường, dù có chậm hơn một xíu.
Ân hạnh phúc nhớ lại: “Những bước đi đầu tiên bằng bàn chân, mình cảm thấy vô cùng đau đớn nhưng lại rất tuyệt vời. Lúc đó, mình thấy mình đã được giống như mọi người nên hạnh phúc lắm. Khi đi được bằng hai bàn chân, mình cảm nhận được sự cân bằng của cơ thể và có thể chơi bóng đá được luôn”.

Ước mơ chăm sóc trẻ em thiệt thòi

Là một người đặc biệt, từng được chăm sóc đặc biệt nên Ân luôn ước mơ sẽ trở thành người chăm sóc trẻ em thiệt thòi. Đây có lẽ là ước mơ bình thường với nhiều người, nhưng với Ân, đó là sự trân trọng và sự biết ơn sâu sắc. Ân hiểu, để anh có được ngày hôm nay, đó là nhờ vào sự yêu thương chăm sóc của những người có trái tim nhân hậu.
Vậy nhưng, khi ra trường, Ân chưa thể xin được công việc như ước mơ của mình vì các nhà tuyển dụng nói Ân chưa thích hợp. Cái Ân có là những trải nghiệm của riêng bản thân, còn điều nhà tuyển dụng cần là kinh nghiệm chăm sóc trẻ thực tế, và Ân chưa có điều này.

Ân về Việt Nam 10 ngày để thăm lại hiệp hội và các em nhỏ ở đây

VŨ PHƯỢNG

Hình ảnh của Ân ngày nhỏ khi vừa được nhận vào hiệp hội

NVCC

Không nản chí, Ân xin về lại Hiệp hội bảo trợ trẻ em Christina Noble ở Việt Nam làm tình nguyện viên trong 3 tháng để được gần gũi với trẻ, chăm sóc và hiểu được suy nghĩ của trẻ hơn.
Trong thời gian chờ đợi cơ hội, Ân đã học thêm ngành bán lẻ và hiện đang làm bán thời gian cho một công ty chuyên dịch vụ cung cấp thức ăn cho các hội nghị. “Qua công việc này, được tiếp xúc với nhiều người, giúp tôi lắng nghe những ý kiến, phàn nàn và cũng hiểu hơn về tính cách của khách hàng. Tất cả điều này sẽ vô cùng bổ ích, giúp cho tôi hoàn thiện mình hơn khi làm nghề chăm sóc trẻ đặc biệt”, Ân tâm sự.
Cuộc trò chuyện của tôi và Ân chỉ diễn ra trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng Ân liên tục nhắc về sự biết ơn của mình với Mama Tina, cha mẹ nuôi và hiệp hội. Trong quãng thời gian ngắn ngủi về thăm lại hiệp hội lần này, Ân luôn dành trọn thời gian để chăm sóc, chơi đùa cùng các em nhỏ bị chất độc màu da cam, bại não,… như chính anh ngày xưa được mọi người cùng chơi đùa.
Với anh, những khoảnh khắc như vậy không phải là công việc, mà là sự biết ơn và là lúc mà anh sống với những cảm xúc thật nhất của chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.