Chào nhau, giữa mùa thu

Đêm qua, cơn gió lạ, dìu dịu thổi về. Sáng nay trong vườn xưa, những chiếc lá trên cành lộc vừng vàng đi, vài chiếc đã rụng.

Buổi chiều, trời đầy mây trắng, nhẹ bay lững lờ. Đàn cò trắng rủ nhau đi kiếm ăn về muộn, xếp hàng thành hình chữ Nhân bay qua cánh đồng lúa đã lên đòng thơm ngát. Dòng sông trong lại và có vẻ lần lữa chưa muốn xuôi về biển cả. Cô gái nhỏ giặt chiếc áo hoa, lơ đãng phơi lên giữa ngàn mây trắng. Mùa thu đến.
Bạn có nghe mùa thu đến không nhỉ? Riêng tôi, tôi nghe rất rõ tiếng thu sang, tiếng của giọt mưa nhẹ nhàng gõ vào khung cửa nhìn ra mái hiên. “Ngoài hiên, giọt mưa thu thánh thót rơi/ Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi” - nhạc sĩ cô đơn và qua đời rất sớm Đặng Thế Phong viết như vậy.
Mỗi năm, tôi vẫn âm thầm mở lòng đón mùa thu đến như đón một người bạn thân trở về. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã từng nói với tôi: “Chỉ có mùa thu là đẹp và đáng để cho chúng ta viết ca khúc”. Tôi sinh sau ông rất nhiều năm nhưng cũng cảm nhận được lời nói ấy. Đó là điều được mặc định, ít ra là đối với chính mình.
Thơ Trung Hoa xưa có một câu mà người đời sau vẫn khen là thần bút: “Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu” - Một lá ngô đồng rụng/Mọi người biết thu sang. Cây ngô đồng mà tiếng dân dã thường gọi là vông, trôm đơn có tên khoa học Firmiana simplex (tên cổ điển Sterculia platanifolia) thuộc họ cẩm quỳ, lá to, thân mộc, hạt có dầu. Ngô đồng ra hoa khá đẹp: ngô đồng trong đại nội Huế có hoa tím màu gần với hoa bằng lăng; ngô đồng trên đảo Cù lao Chàm (Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) có hoa màu đỏ nhẹ tươi sáng. Người ta xem ngô đồng là một cây hữu ích bởi lá, hạt, vỏ cây đều có vị thuốc, còn hoa làm đẹp cảnh quan cho khách du lịch thưởng lãm.
Dẫu sao, “một lá ngô đồng rụng” cũng chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng, tính khái quát của thi ca khi nói về mùa thu. Thu sang thì rừng thay lá mới. Tôi đã về miền Trung, đi tìm mùa thu qua một đồi cát, nhìn thấy hàng chục cây lộc vừng biển thay lá. Sự chuyển hóa thời tiết của thiên nhiên làm cho những chiếc lá cũ của mùa hè vàng đi và rụng hết. Từ những cành nhánh khẳng khiu, một thế hệ lộc non lá mới sinh ra, mạnh khỏe, tươi tắn đến bất ngờ.
Không hẹn mà nên, người ta ai cũng công nhận mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu êm đềm, thơ mộng đánh thức cảm quan, trái tim của nhà thơ và nhạc sĩ - những con người sáng tạo từ cái không có mà làm ra cho có, từ siêu hình thành hữu hình, từ not to be trở thành to be. Bạn hiểu đấy, một tác phẩm hội họa phải dựa vào những yếu tố có thực như giá vẽ, khung tranh, sơn màu, bút vẽ, người mẫu; một tác phẩm điêu khắc phải dựa vào những yếu tố có thực như chất liệu đá, dùi đục, búa… Thơ không cần nhiều chất liệu ngoại quan, có khi không cần đến máy tính, bút và giấy. Ca khúc âm nhạc không cần chất liệu ngoại quan, kể cả cây đàn, bút và giấy. Nó là sản phẩm từ nguồn cảm hứng của trái tim mà hình thành, nguồn cảm hứng ở đây là mùa thu.
Bài Chanson d’ automne của nhà thơ Pháp Paul Verlaine (1844 - 1896) viết về mùa thu “Les sanglots longs/ Des violons/ De l’ automne/ Blessent mon coeur/ D’ une langueur/ Monotone” - Điệu nức nở tiếng vĩ cầm thu ấy/ Xót tim ta niềm say đắm không cùng. Nhưng có lẽ cảm giác về mùa thu Paris trên đất Pháp trong thơ Cung Trầm Tưởng gần gũi hơn với chúng ta: “Mùa thu Paris/ Trời buốt ta đi/ Hẹn em quán nhỏ/ Rưng rưng rượu đỏ tràn ly”. “Rượu đỏ” ở đây có nghĩa là rượu chát. Ngồi chờ người bạn gái, rót rượu chát uống một mình giữa khí hậu giá lạnh thì kể cũng cô đơn thật.
Mùa thu trên đất nước ta ấm áp hơn. Dẫu rằng mùa thu đưa chiếc lá đi đâu, về đâu thì vẫn còn lại đó trong màu hoa cúc vàng lãng mạn của đôi tình nhân thương yêu nhau. Thơ Xuân Quỳnh viết: “Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mông/ Mùa thu vào hoa cúc/ Chỉ còn anh và em”…
Có thể có những mùa thu khiến gợi nhớ về một hình bóng cũ. Sự gợi nhớ ấy cũng là một hạnh phúc. Nhà thơ Đinh Hùng viết: “Hôm nay có phải là thu/ Mây năm xưa đã phiêu du trở về/ Cảm vì em bước chân đi/ Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn”. Lưu Trọng Lư viết: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Là thu rơi xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Những câu hỏi tu từ không lời đáp mở ra một hình tượng viễn mộng, như lạ mà như quen.
Mùa thu đi vào trong âm nhạc cổ điển. Có lẽ mùa thu trên đất Nga đẹp lắm nên âm nhạc của Tchaikowski trong Hồ thiên nga có một đoạn viết với cung Mi thứ cho vĩ cầm và trung hồ cầm khá du dương. Chỉ cần nghe đoạn nhạc, ta sẽ hình dung ra một không gian rừng sồi lá vàng rụng, mặt nước hồ xanh biếc và những con thiên nga trắng lãng mạn bơi. Âm nhạc bỗng trở thành một bức tranh sinh động, màu sắc rực rỡ. Ẩn hiện phía sau âm nhạc ấy là một trái tim tĩnh tại, một cái đầu minh triết rất gần gũi với triết học Thiền tông phương Đông.
Hồn thu trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo trong những khúc tình ca lãng mạn của âm nhạc Việt cận đại và hiện đại. Những tình khúc mùa thu có giai điệu đẹp, ca từ hay làm say đắm nhiều thế hệ nghe nhạc. Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn - Từ Linh), Thu cô liêu (Văn Cao), Thu vàng (Cung Tiến), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong), Mùa thu chết (Phạm Duy), Thu, hát cho người (Vũ Đức Sao Biển), Lối thu xưa (Quốc Dũng), Mùa thu cho em (Ngô Thụy Miên)… là những bản tình ca làm nên “thương hiệu” của âm nhạc mùa thu.
Âm nhạc mùa thu thật khó viết. Mỗi đời nhạc sĩ có một bút lực riêng, nhưng bút lực là một chuyện mà cảm hứng sáng tạo lại là một chuyện khác. Gần như âm nhạc mùa thu phải cần đến một loại cảm hứng chân phương, hồn nhiên. Âm nhạc mùa thu cần đến một dạng âm hình cổ điển và kinh điển, biến báo ly kỳ để có một giai điệu tươi đẹp, làm đẹp lỗ tai của người nghe. Nó cần đến một loại ca từ giản dị nhưng giàu tính văn học, giàu chất thơ và nếu có thể, giàu tính suy tưởng siêu hình học (méditation métaphysique) để tái hiện, gợi nhớ, kích thích trí tưởng tượng của người nghe. Âm nhạc mùa thu không thể viết cho có, đưa chữ “thu” vào đó là đủ. Lối viết dễ dãi, viết cho có, tạo nên những ca từ phàm tục không xứng với mùa thu, không thể làm nên thương hiệu mùa thu được.
Ai rồi cũng phải đi qua con đường mây trắng, sẽ có một mùa thu trong đời sống của riêng mình. Quy luật chuyển vật của trời đất, của thiên nhiên là cái gì tuyệt đối khách quan; quy luật chuyển vận của đời người cũng là cái gì tuyệt đối khách quan. Phương Đông cho rằng “Vạn vật đồng nhất thể” - mọi thứ đều cùng một thể trạng như nhau. Mùa thu đến với phận người cũng giống như mùa thu trong quy trình của trời đất. Lá vàng rồi sẽ rụng nhường chỗ cho lộc biếc, chồi non nẩy sinh. Con người vào mùa thu hãy bình thản, tĩnh tại mà đón chờ quy luật ấy.
Tôi đang lắng nghe mùa thu đến trong đời mình một cách hồn nhiên. Tôi nghĩ đó là thái độ tích cực, dễ chịu nhất, để: “Trở về trong cõi tiêu dao, ngàn thu hẹn sẽ bên em suối hoa nguồn đào”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.