Chất thải từ luyện thép đều là chất độc: Còn chi là biển?

28/04/2016 07:12 GMT+7

Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều bạn đọc sau khi bài viết Chất thải từ luyện thép đều là chất độc đăng tải trên Thanh Niên số ra ngày 27.4.

Đáng xấu hổ !
Đọc những thông tin liên quan đến vụ cá biển chết do nghi ngờ Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) xả thải ra biển, và những vấn đề chung quanh, tôi thấy đáng xấu hổ. Phải chăng các cơ quan chức năng bất lực trước việc các công ty đầu tư nước ngoài có thể tự tung, tự tác trên đất nước mình.
Nguyễn Thanh Phương
(TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)
Làm kinh tế hay hủy diệt ?
Nếu cá biển chết là do chất độc trong nước thải của FHS thì đó là điều còn may mắn cho người dân Hà Tĩnh. Nếu như phương án trước là FHS sẽ xả thải ra sông Quyền thì có thể hậu quả còn kinh khủng hơn khi cá, tôm trong sông không sống nổi đã đành, vườn, ao hồ và cả nguồn nước ngầm của người dân dọc con sông này sẽ bị nhiễm độc nghiêm trọng, có thể gây bệnh hoặc chết người hàng loạt. Tôi thật không dám nghĩ tiếp về hậu quả của việc xả chất độc ra sông, ra biển của FHS. Tại sao họ biết xả thải như thế cá tôm sẽ chết mà họ vẫn thải? Đó là hành vi hủy diệt chứ không còn là làm kinh tế nữa rồi.
Đỗ Hoàng Thanh
(P.3, Q.4, TP.HCM) 
Nên khởi kiện FHS
Những ngư dân, hộ nuôi cá, tiểu thương, doanh nghiệp và những ai bị thiệt hại nặng nề trong vụ biển bị ô nhiễm, cá chết… nên hợp sức nhau lại để khởi kiện FHS. Không còn nghi ngờ gì nữa, với những căn cứ mà báo chí phanh phui thì chính FHS chứ không còn ai khác là thủ phạm. Cần phải khởi tố vụ án này để điều tra, xử lý chủ đầu tư cũng như buộc FHS phải bồi thường.
Vũ Thị Thu Thủy
(Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng)
Sao không ngưng hoạt động?
Nếu Vedan xả thải ra môi trường và nhận lãnh hậu quả là sự tẩy chay của hàng triệu người tiêu dùng thì với hành vi của FHS, chúng ta sẽ phải làm gì đây để doanh nghiệp này phải biết tôn trọng khách hàng, tôn trọng người dân và đất nước VN? Thiết nghĩ, trong giai đoạn hiện nay phải buộc FHS ngưng hoạt động, không được tiếp tục xả thải, đợi kết quả điều tra và đề ra phương án xử lý.
Trần Minh Hưng
(P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Truy tố về tội gây ô nhiễm môi trường
Một nhà máy quy mô lớn như FHS thì tất nhiên phòng pháp chế của họ phải hoạt động rất hiệu quả, quy tụ những luật sư giỏi. Vì thế, câu trả lời rằng không biết quy trình báo cáo, thông báo xả thải... là ngụy biện. Đã vi phạm thì phải xử lý. Nếu có đầy đủ chứng cứ xác định chính FHS là đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây nguy hiểm nặng nề cho xã hội thì cần phải truy tố hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường. Sống, làm việc trên đất nước VN thì phải tuân thủ theo luật VN. Luật VN không có quy định “không biết” thì được miễn tội.
Cao Xuân Tâm
(P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM)
Huỳnh Minh Phương
Với những nhà đầu tư không có tâm thì họ bất chấp tất cả để mang về lợi nhuận cao nhất, kể cả hủy hoại môi trường. Vấn đề then chốt là nhà nước, cơ quan quản lý phải là những người giám sát chặt chẽ, buộc nhà đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường của VN. Nếu ta lỏng lẻo, dễ dãi thì họ làm càn, làm ẩu cũng là điều dễ hiểu. Trách nhiệm trong việc này là người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Huỳnh Minh Phương 
(H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
Võ Thị Phương Ánh
Ai dám tắm biển khi biết biển nhiễm độc? Hậu quả của việc này quả là kinh khủng. Biển VN liệu trong tương lai sẽ còn xanh trong như nó vốn có hay trở thành bãi thải chất độc? Ai trả lời giùm câu hỏi này?
Võ Thị Phương Ánh
(Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.