Sáng 4.3, tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị của Ban chỉ đạo 197 thành phố, đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết từ 10.3, tất cả các quận huyện sẽ ra quân kiểm tra xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Ông Hải cũng cho rằng, dù các quận huyện, thị xã đã có nhiều cố gắng nhưng tình trạng mất trật tự đô thị, ùn tắc giao thông, lấn chiếm vỉa hè vẫn diễn ra. Nguyên nhân do việc quản lý của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Để thực hiện xử lý, Ban 197 thành phố đã xây dựng kế hoạch ra quân kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong năm 2017. Đại tá Hải khẳng định, người dân và các doanh nghiệp phải cam kết không sử dụng hè phố để trông giữ phương tiện, làm nơi kinh doanh. Bên cạnh đó, không lắp đặt các thiết bị phục vụ sinh hoạt gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Người dân không tổ chức họp chợ, bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường. Các hộ dân và doanh nghiệp tự nguyện phá dỡ các công trình vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.
'Các chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM nếu lòng lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm', ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP, đề nghị.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, câu chuyện xử lý vỉa hè đã có rất nhiều bài học từ những năm 2000. Thành phố đã ra quân nhiều lần theo các chỉ thị 02 - 20, nhưng đều thất bại. Mới nhất là chỉ thị 14 cách đây vài năm ký vẫn còn nguyên giá trị, ông Chung cho rằng, cứ bám theo chỉ thị làm sẽ hiệu quả.
Trước đề xuất xây dựng bãi đỗ xe để giải quyết của lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, theo ông Chung: “Không phải bàn nhiều, đưa ra giải pháp làm cầu đường, bãi đỗ xe ngầm thì hết khóa chủ tịch quận anh cũng chả xử lý được vỉa hè, vì một bãi xe ngầm xây dựng cũng mất 5 - 7 năm, nhanh cũng phải 2 - 3 năm”. Ông Chung cũng giao việc cụ thể 4 đầu việc: tất cả các điểm liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, kể cả trong ngõ để bán hàng; trông giữ ô tô, xe máy; bán hàng rong; quảng cáo rao vặt.
Dẫn ra ví dụ thực tế từ bản thân, lãnh đạo thành phố cho hay, ngay cổng nhà ông cũng có nhiều tờ rơi dán khoan bê tông. “Tôi gọi ngay cho số máy trên tờ rơi và yêu cầu công an phường giải quyết, thế là chấm dứt tình trạng tờ rơi, số điện thoại trên tường. Chúng ta làm được chứ không phải không làm được”, ông Chung nói.
Về đề xuất thu giữ bàn ghế, hàng quán vi phạm, theo ông Chung, báo chí một thời đã nêu hình ảnh rất phản cảm, khi một anh cảnh sát đi giằng giỏ bán hoa quả của người dân, phường thu ghế nhựa về chất đống không xử lý được. Dưới cương vị Giám đốc Công an TP khi đó ông Chung đã yêu cầu chấm dứt thu.
“Chúng ta làm không kiên trì, người đứng đầu quận, phường không quan tâm nên thành bắt cóc bỏ đĩa, vì thế có quận làm tốt có quận không. Bí thư thành phố cũng nhắc tôi phải nói rõ điều này: Nếu lãnh đạo quận, trưởng công an các phường quan tâm chúng ta mới làm tốt. Hà Nội không làm rầm rộ, ồn ào, vấn đề làm thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, có ý thức không vi phạm vỉa hè mới thành công”, ông Chung nhấn mạnh.
Bình luận (0)