Cô bé được gỡ 'mai rùa': 'Bớt đen trên lưng con còn không mẹ?'

30/08/2016 16:07 GMT+7

Tỉnh dậy, câu đầu tiên cô bé “mai rùa” T.T.N.T. hỏi khi được gặp mẹ là: “Bớt đen trên lưng con còn không mẹ? Lưng và chân con đau quá".

Được gặp con hai lần
Chị Thạch Thị Đa Ni chốc chốc lại đi qua đi lại trước cánh cửa khép kín của khu vực Hồi sức ngoại (Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) để ngóng con. Mỗi khi có tiếng loa gọi tên bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chị đều lắng nghe. Đến hôm nay, một ngày sau khi được phẫu thuật cắt bỏ “mai rùa”, cô bé T.T.N.T. vẫn được chăm sóc cách ly vô trùng tại khu Hồi sức ngoại. Mọi sự chăm sóc, ăn uống của bé đều được điều dưỡng thực hiện.

Bớt đen sau lưng con còn không mẹ? Lưng và chân con đau quá!

Bé T.T.N.T.

“Mổ xong tới giờ, vợ chồng chỉ được gặp con hai lần. Sáng nay, được thăm con lúc 5 giờ. Lúc đó nó tỉnh. Hai vợ chồng thay nhau mỗi người vô được một chút hà”, chị Ni tâm sự.
Câu đầu tiên cô bé hỏi mẹ là: “Bớt đen (cách trước giờ cô bé gọi “mai rùa” của mình – PV) sau lưng con còn không mẹ? Lưng và chân con đau quá!”, chị Đa Ni chia sẻ.
Sau khi nghe mẹ nói bác sĩ đã lấy bớt đen rồi thì cô bé vui lắm! “Vậy, xong rồi, mẹ mua áo đầm cho con mặc nhe”, cô bé hồn nhiên xin mẹ. Bé còn xin mẹ mua búp bê cho mình.
Bé vẫn than đau và nó nói “ngứa ở lưng và đùi” và bảo mẹ gãi. Tuy nhiên, cả chị và các điều dưỡng đều động viên bé ráng chịu đau và ngứa chút trong khi vết thương đang lành.
Đồng thời, hiện, bé chỉ được nằm úp hoặc nghiêng một bên.
Bé đã được cho uống sữa vào sáng nay. Đến 10 giờ trưa nay, bé được ăn cháo.
“Mấy cô (điều dưỡng – PV) dặn mua gì cho bé thì mình mua, xong đưa mấy cô. Mấy cô cho bé ăn uống, chăm sóc hết, chứ mình không được vô”, chị Đa Ni kể.
Vừa nói chuyện, vừa nghe tiếng loa gọi tên người nhà bệnh nhân, chị Đa Ni dừng câu chuyện để xem có phải gọi con mình không. Rồi cứ mỗi khi thấy cánh cửa khu Hồi sức mở ra, có điều dưỡng, bác sĩ nào ra vào chị lại ghé mắt nhìn vô.

Chia sẻ của mẹ bé "mai rùa" trong 10 năm chịu khổ - VIDEO: Nguyên Mi
10 năm chịu khổ và ngày căng thẳng cảm xúc
“Nó đã mang cái bớt đen đó từ lúc mới sinh tới giờ là 10 tuổi”, chị Đa Ni cho biết.
Chị kể, hồi nhỏ, thì “mai rùa” chỉ bằng quả quýt. Khối bướu lớn lên từng ngày theo sự trưởng thành của bé. Đến lúc bé có bạn, bắt đầu chơi với bạn thì luôn bị chọc ghẹo, xa lánh.
Sau phẫu thuật, cô bé phải nằm úp hoặc nghiêng một bên để tránh động đến vết mổ - Ảnh: Nguyên Mi
“Mấy đứa nhỏ gọi nó là con đen (do có khối bướu đen trên lưng – PV) và cứ nói “đừng chơi với con đen đó”. Nó khóc, rồi không chịu đi học, đòi nghỉ học. Nó nói: “Con không đi học nữa đâu. Con ở nhà nấu cơm phụ mẹ, làm gì phụ mẹ cũng được”. Gia đình cũng khó khăn mà con không chịu đi học nên tui cho con nghỉ ở nhà luôn”, chị Đa Ni kể.
Cô bé vẫn có thể nằm ngửa ngủ được. “Sinh hoạt bình thường. Nhưng khó khăn nhất là việc tắm rửa. Phải tắm, rửa rất kỹ, thật sạch cho cái bớt (“mai rùa” – PV), chứ không là nó thúi”, chi Đa Ni tâm sự.
Tuy nhiên, với chiếc “mai rùa” trên lưng, nổi khổ thường xuyên của bé là rất ngứa. “Tối nào khi đi ngủ nó cũng bắt gãi lưng cho nó vì ngứa. Nhiều lúc ngứa quá, nó gãi chảy máu luôn”, chị Đa Ni nhớ lại. “Khi nó ngủ rồi mình mới được ngủ. Còn nó thức, không ngủ được là mình thức luôn”, chị kể thêm.
Đến thời gian gần đây, khi anh trai của bé (11 tuổi) đi mổ ruột thừa ở bệnh viện địa phương. Các bác sĩ thấy bé T. bị như vậy mới khám và chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám.
Niềm hạnh phúc của người mẹ khi con được mổ thành công - Ảnh: Nguyên Mi
Từ hôm qua tới giờ, vợ chồng chị Thạch Thị Đa Ni (ba mẹ của bé) đứng ngồi không yên, vừa lo lắng, rồi lại khấp khởi vui mừng vì con được mổ thành công, rồi lại vừa mong ngóng được gặp con.
“Hôm qua, trước khi mổ, vợ chồng lo lắm! Con mình, sợ nó mổ có chuyện gì. Nhưng bác sĩ bảo đừng lo, bé sẽ không sao đâu. Đến khi bác sĩ báo bé mổ được rồi. Vợ chồng mừng lắm! Chỉ biết cám ơn các bác sĩ và muốn gặp con”, chị Đa Ni giọng vừa mừng, vừa run run chia sẻ.
Chị Đa Ni xếp soạn đồ cho con trong khi bé vẫn được chăm sóc ở phòng riêng, ba mẹ không được vào - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, Thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người mổ chính cho bé, cho biết: “Em bé rất mặt cảm vì bị bạn bè trêu chọc, không chơi chung. Tôi hỏi bé giờ bác lấy phần “mai rùa” sau lưng cho con chịu không? Bé trả lời: “Con ước gì không còn cái bớt đó nữa. cái bớt mất đi. Bác lấy được không bác? Bác lấy nó cho con đi”.
Bác sĩ Hiếu hi vọng: “Khi vết mổ và phần da ghép lành. Lưng bé sẽ bình thường. Đến lớn sẽ không ai biết bé từng có “mai rùa” sau lưng. Hi vọng, điều trị xong, về nhà, bé sẽ có thể hòa nhập với các bạn, mọi người xung quanh và đi học lại được”.
Bệnh nhi T.T.N.T. (10 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có khối bướu lớn (kích thước hơn 20 cm) trên lưng như mai rùa, xung quanh có nhiều bướu nhỏ (bướu vệ tinh).
Sáng 29.8, cô bé đã được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, cô bé đã được cắt bỏ hoàn toàn "mai rùa".
Sức khỏe cô bé mang “mai rùa” sáng nay (30.8), đã tiến triển ổn định. Tuy nhiên, vết mổ ghép da ở lưng của bé khá lớn nên bé vẫn được chăm sóc cách ly vô trùng. Mọi chăm sóc, ăn uống của bé được điều dưỡng thực hiện.
Thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người mổ chính cho bé, cho biết: Hiện nay, vấn đề chống nhiễm trùng đối với vết mổ ghép da ở lưng của bé là qua trọng nhất. Phần mặt trước đùi, được lấy da để ghép lên lưng cũng phải được chăm sóc chu đáo để da liền lại, chống nhiễm trùng. Sau khi vết thương lành, phần lưng của bé sẽ gần như bình thường.
Ngoài ra, bé vốn gầy ốm nên chăm sóc dinh dưỡng cho bé cũng được chú ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.