'Cò' khám chữa bệnh lộng hành: Sớm dẹp 'cò' bệnh viện

29/11/2016 08:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết “Cò” khám chữa bệnh lộng hành trên Thanh Niên số phát hành ngày 28.11.

Quá lộng hành
Đọc bài viết có thể thấy “cò” quá sức lộng hành, tự tung tự tác ở các bệnh viện (BV). Người đến khám bệnh ở Trung tâm y khoa Medic hay các BV lớn tại TP.HCM đa phần ở quê lên, chưa rõ đường đi nước bước trong việc khám chữa bệnh thế nào. Vừa bước vào cổng đã bị “cò” lôi kéo, dụ dỗ và tin ngay vì nhẹ dạ, lạ chỗ. Tôi tự hỏi vai trò của bảo vệ ở đâu? Tại sao trước tình trạng “cò” lộng hành như thế mà BV không dán thông báo người bệnh cần vào khu vực bên trong để đăng ký khám?
Võ Khang Điền (P.7, Q.8, TP.HCM)
Đừng để “cò” lớn mạnh
Để tình trạng “cò” lộng hành như vậy thì về lâu dài sẽ lớn mạnh lên thành “tập đoàn cò” khám chữa bệnh, nơi tập trung những tay “anh chị”. Lúc ấy, rất có thể “tập đoàn cò” còn chi phối lại cả nhân viên hoặc cả lãnh đạo BV. Mong công an sớm vào cuộc để dẹp nạn “cò” từ khi còn manh nha, lẻ tẻ. Để “cò” lộng hành, lớn mạnh thì sẽ nguy hại hơn và dẹp đuổi cũng khó khăn hơn.
Tô Minh Quang (Q.9, TP.HCM)
Khó nhưng đừng bỏ cuộc
BV là nơi công cộng, không thể bán vé vào cổng và cũng không thể cấm ai đó bước vào khi không có nhu cầu khám, chữa bệnh. Vì vậy khó có thể cấm được “cò” khám chữa bệnh trà trộn, hoạt động. Đó có thể là lý do mà “cò” ở các BV tồn tại hết năm này đến năm khác và cơ quan chức năng chưa thể dẹp bỏ được. Dù biết rằng dẹp vấn nạn này là rất khó nhưng không có nghĩa không làm được nếu đồng tâm hiệp lực.
Nguyễn Đức Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Làm rõ hành vi của phòng khám
Các phòng khám mà “cò” câu kết để đưa bệnh nhân từ BV đến liệu có hoạt động hợp pháp, có giấy phép không? Báo cần làm rõ các thông tin này. Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương ở đâu khi để phòng khám câu kết với “cò” để chặt chém khách hàng? Người bệnh đã khổ mà còn bị lừa phỉnh lấy tiền thì càng khổ hơn. Tôi mong Sở Y tế và Công an TP sớm có một chiến dịch dẹp loạn “cò” khám chữa bệnh ở tất cả các BV trên địa bàn TP cho dân nhờ.
Nguyễn Trọng Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Đừng vội
Trước tình trạng quá tải ở các BV nên nhiều người đi khám chữa bệnh mong được khám nhanh, từ đó sinh ra tình trạng “cò” nhằm lừa phỉnh những người này. Thực tế có lẽ chẳng nhân viên BV hay BV nào dám kết hợp với “cò” để người này khám nhanh, người kia khám chậm. Do vậy, người khám bệnh nên bỏ tư tưởng mong được khám nhanh đi. Ai chẳng có bệnh, mình khám nhanh sẽ đẩy lùi người khác ra sau mình.
Hồ Thanh Bảo (TP.Tân An, Long An)
Ai tin được vào “cò” chứ tôi thấy họ là sợ. Họ ăn mặc, nói năng rất “đường phố”, nói chuyện với họ đã sợ chứ nói gì đến nhờ vả. Vậy mà chẳng hiểu sao nhiều người bệnh lại giao mạng mình cho họ để họ dắt đi khám nhanh? Mong sao qua bài viết này nhiều bệnh nhân sẽ cảnh tỉnh, đề phòng với “cò”, đừng mong khám nhanh nữa.
Trần Thị Thanh Thảo (Q.8, TP.HCM)
       
“Cò” khám chữa bệnh ở một số BV tại TP.HCM có người còn đeo thẻ gì đó. Thoạt nhìn ai cũng tưởng họ là nhân viên của BV, có đủ “quyền lực” để giúp bệnh nhân khám nhanh nên khiến bệnh nhân dính bẫy. Người bệnh cần tỉnh táo và tốt nhất là nên làm việc trực tiếp, tuần tự như những bệnh nhân khác. Đã đến BV đông đúc thì cần bảo quản tài sản cho cẩn thận cũng như đề phòng, từ chối mọi lời mời gọi của người khác để được khám nhanh, khám tốt.
Trần Thị Bạch Tuyết (Q.9, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.