Tính đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã có 10.477 hệ thống điện mặt trời được lắp đặt với tổng công suất 156,6MWp. Riêng năm 2020, phát triển được 4.926 hệ thống ĐMTMN (tăng 98% so với cùng kỳ năm 2019), với tổng công suất 90,9MWp. Sản lượng dư không dùng dùng hết của 10 tháng năm 2020 được phát ngược lên lưới đạt hơn 43,8 triệu kWh.
Cơ hội vàng để lặp đặt điện mặt trời
Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC): “Số lượng hệ thống ĐMTMN tăng nhanh trong năm 2020, cho thấy người dân đã nhận thấy được lợi ích từ chương trình mang lại. Sắp tới, ngành điện luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia lắp đặt, phát triển ĐMTMN. Đây là thời điểm thuận lợi để khách hàng lắp đặt khi hội tụ đầy đủ những ưu đãi hấp dẫn từ phía Chính phủ, ngành điện và nhà cung cấp”.
|
Theo đó, nhằm khuyến khích phát triển điện mặt trời tại VN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành giá mua điện ưu đãi áp dụng cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà là 8,38 UScents/kWh (tương đương 1.940 đồng/kWh) theo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, đơn giá này sẽ kết thúc vào ngày 31.12.2020. Về phía EVNHCMC cũng ký kết phối hợp với 3 nhà cung cấp, gồm: Công ty CP ĐT&PT Năng lượng Mặt trời Bách khoa, công ty CP VES và công ty CP Năng lượng TTC, triển khai các chương trình ưu đãi dành cho CB-CNV ngành điện, hộ dân và doanh nghiệp khi lắp đặt điện mặt trời, tùy theo công suất, cam kết hỗ trợ trực tiếp từ 350.000 - 615.000 đ/kwp, hoặc theo tỷ lệ % giá trị hệ thống lắp đặt.
Ngày 9.9.2020, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cũng ra mắt nền tảng điện mặt trời mái nhà với tên gọi EVNSOLAR tại địa chỉ http://solar.evn.com.vn. Đây là nơi kết nối và tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua, nơi tập trung những nhà thầu cung cấp dịch vụ lắp đặt ĐMTMN phải cam kết chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thông qua hồ sơ năng lực của nhà cung cấp, khách hàng có thể đánh giá được chất lượng dự án đã hoàn thành để chọn nhà cung cấp phù hợp với nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Nga (Quận Phú Nhuận) từng lắp đặt và sử dụng ổn định hệ thống chia sẻ: “Qua nhiều kênh thông tin, tôi thấy ngành điện giới thiệu hệ thống ĐMTMN quá hấp dẫn và tôi đã tìm hiểu ngay sau đó. TP.HCM nắng nóng dồi dào, có thiếu nắng bao giờ đâu, không khai thác sử dụng thì rất phí nên tôi đã ấp ủ điều này lâu lắm rồi. Lần này xây nhà, việc đầu tiên tôi yêu cầu kiến trúc sư phải thiết kế mái nhà sao cho để tôi có thể lắp đặt được ĐMTMN ngay”.
Cam kết giải tỏa 100% công suất ĐMTMN của khách hàng
Cũng theo ông Bùi Trung Kiên: “Với hệ thống lưới hạ thế gồm 15.831 trạm biến áp công cộng với tổng dung lượng 6.538 MVA; hệ thống lưới trung, cao thế gồm 770 tuyến dây 22 kV, 60 trạm 220/110 kV, có tổng dung lượng 7.250 MVA, EVNHCMC không bị quá tải bất kỳ đường dây và trạm biến áp nào, do đó có thể tiếp nhận tất cả nhu cầu đấu nối, giải tỏa công suất ĐMTMN của khách hàng. Vì vậy, EVNHCMC cam kết tiếp nhận tất cả nhu cầu đấu nối, giải tỏa 100% công suất ĐMTMN của khách hàng”.
Khách hàng có nhu cầu nối lưới hệ thống ĐMTMN hãy liên lạc với các Điện lực trên địa bàn để được hướng dẫn. Thủ tục đấu nối rất đơn giản và nhanh chóng, trước 3 ngày so với ngày dự kiến hoàn thành lắp đặt dự án, khách hàng gửi một bộ hồ sơ đề nghị bán điện, trong vòng 3 ngày kể từ sau ngày tiếp nhận, công ty Điện lực sẽ hoàn thành việc kiểm tra các thông số kỹ thuật của dự án và ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng. Chi tiết về hồ sơ, thủ tục đấu nối mời quý khách hàng tham khảo tại http://cskh.evnhcmc.vn/dienNLMT/huongdanEVNHCMC hoặc gọi đến tổng đài 1900545454 sẽ có nhân viên hướng dẫn cho khách hàng.
|
|
Ông Hoàng Thanh Hải - chủ nhà trọ tại Q.Gò Vấp nói: “Là dân kinh doanh nên chi phí bỏ ra được tôi tính toán kỹ lưỡng. Tôi đầu tư một phần mái nhà để thu điện bán lại cho người ở trọ với đúng giá họ được mua theo chính sách giá điện của nhà nước, phần điện sử dụng không hết tôi bán lại cho Điện lực. Vừa qua, tôi đã nhận được tiền bán điện qua tài khoản rất nhanh và tiện lợi”.
Ông Hải hồ hởi: “Sắp tới, tôi sẽ đầu tư hết cho khu nhà trọ khoảng 200m², theo tính toán sơ bộ thì công suất điện mặt trời có thể lắp tối đa là 25kWp, vốn đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Mỗi năm ước sản xuất được 36.500kWh điện, tương đương số tiền tiết kiệm là khoảng 67 triệu đồng/năm, như vậy khoảng 7 năm thì… xong. Sau khi hoàn vốn, tôi sẽ thu được toàn bộ lợi nhuận từ hệ thống mặt trời này. Tôi nhận thấy thời điểm này có đầy đủ thuận lợi để lắp đặt khi mà chính sách về giá đang tốt, chi phí cũng hợp lý, công nghệ tốt hơn, nhiều công ty uy tín để khách hàng lựa chọn lắp đặt điện mặt trời mái nhà”.
Bình luận